Chủ động phương án phòng tránh lũ quét, sạt lở đất

Thứ bảy, 15/08/2020 12:05
(ĐCSVN) - Để chủ động ứng phó với mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất có khả năng xảy ra trong những ngày tới, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố khu vực Bắc bộ theo dõi chặt chẽ tình hình mưa lớn, gió mạnh trên biển để thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho các cấp chính quyền, nhân dân chủ động các giải pháp phòng tránh.
 Đường cứu hộ thôn Sín Chải, xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai bị sạt lở trong đợt mưa lớn ngày 2-4/7 vừa qua (Ảnh: Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai) 

Theo thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ đêm ngày 15-20/8, ở các tỉnh vùng núi và trung du Bắc Bộ có mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng từ 100-300mm/đợt; khu vực Đông Bắc mưa 200-400mm/đợt. Riêng tỉnh Quảng Ninh mưa rất to đến đặc biệt to với tổng lượng 350-500mm/đợt, cục bộ có nơi có thể trên 600mm/đợt; trọng tâm đợt mưa tập trung từ đêm 16/8 đến đêm 18/8. Nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở các tỉnh miền núi phía Bắc; nguy cơ cao xảy ra ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp và khu đô thị. Từ ngày 16-18/8, trên vịnh Bắc Bộ có khả năng xảy ra mưa dông kèm gió giật mạnh cấp 6-7.

Để chủ động ứng phó với mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố theo dõi chặt chẽ tình hình mưa lớn, gió mạnh trên biển để thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho các cấp chính quyền, nhân dân chủ động các giải pháp phòng tránh lũ, lũ quét, sạt lở đất. Thông báo cho chủ các lồng bè nuôi trồng thủy hải sản và thuyền trưởng các phương tiện tàu, thuyền biết để chủ động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp để đảm bảo an toàn về người và tài sản.

Đồng thời, sẵn sàng các phương án để chủ động ứng phó khi có tình huống; bố trí lực lượng, vật tư phương tiện tại chỗ triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho nhân dân, đặc biệt là việc sơ tán di dời dân cư ở các khu vực có nguy cơ cao. Sẵn sàng phương án bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết. Chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn.

Bên cạnh đó, chuẩn bị phương án vận hành công trình tiêu úng khi có mưa lớn xảy ra, đề phòng ngập úng khu vực đô thị, vùng trũng thấp, bảo đảm hạn chế thấp nhất thiệt hại khi xảy ra mưa lớn. Chỉ đạo kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hầm, lò khai thác khoáng sản, các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.

Song song với đó, chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với cơ quan thông tin truyền thông, nhất là tuyến thông tin cơ sở tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn nhân dân cách nhận biết, kỹ năng ứng phó với mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất để chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại./.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực