Bài 5: Đưa tư tưởng Hồ Chí Minh đến với triệu triệu người Việt Nam

Thứ ba, 19/05/2020 20:19
(ĐCSVN) – Để tuyên truyền, đưa tư tưởng Hồ Chí Minh đến với triệu triệu người Việt Nam ở trong và ngoài nước, người báo cáo viên ngoài việc nghiên cứu sâu sắc về cuộc đời, sự nghiệp của Bác, còn phải có sự chân thành, rung cảm thực sự khi truyền tải đến người nghe…

Lời của Bác cũng là lời non nước

Bài 2: Cách làm thiết thực để tiếp nối và phát triển sự nghiệp cách mạng của Bác Hồ

Bài 3: Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trên quê hương Bác

Bài 4: Học Bác từ những điều giản dị

leftcenterrightdel
 

Từ sự cảm phục đặc biệt về Hồ Chí Minh

Có nhiều dịp được nghe GS. Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương nói chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng dịp này, chúng tôi mới có dịp nghe chia sẻ của ông về cơ duyên đến với tư tưởng Hồ Chí Minh.

Trước đây, ông là giáo viên dạy văn học ở trường THPT, được tiếp cận với Hồ Chí Minh qua những tác phẩm văn thơ của Người. Nhưng đến khi được tham dự quốc tang Chủ tịch Hồ Chí Minh tại quảng trường Ba Đình lịch sử “đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa” với biết bao nhiêu cảm xúc dâng trào, bao nhiêu niềm tự hào về người anh hùng giải phóng dân tộc, được cả thế giới ngợi ca, được hàng chục triệu người dân Việt Nam tiếc thương vô hạn… đã thôi thúc nhà giáo trẻ Hoàng Chí Bảo nghiên cứu thật nghiêm túc về tư tưởng Hồ Chí Minh.

leftcenterrightdel
GS. Hoàng Chí Bảo chia sẻ với PV về những bài học sâu sắc trong quá trình tuyên truyền tư tưởng Hồ Chí Minh. (Ảnh: Phạm Cường)

GS. Hoàng Chí Bảo nhớ lại: Quốc tang diễn ra trong 1 tuần, vào sáng ngày 9/9/1969, mấy chục vạn người đã dự Lễ truy điệu trọng thể Bác Hồ do Đảng ta tổ chức. Trong Điếu văn do Tổng Bí thư Lê Duẩn đọc rất cảm động và có 5 lời thề vĩnh biệt Bác của toàn Đảng, toàn dân ta. Sau đó, Tổng Bí thư thay mặt toàn Đảng công bố bản Di chúc của Bác. Lúc đó, toàn Đảng và toàn dân Việt Nam mới biết Bác có bản Di chúc… Bản thân tôi cũng mới ngộ ra rằng, ngoài những vần thơ, Bác Hồ thật sự vĩ đại biết bao nhiêu. Có quá nhiều điều về “nhà thơ” mà tôi hằng cảm phục mà tôi chưa từng biết đến. Qua buổi dự Lễ truy điệu đó, tôi mới đau đáu một suy nghĩ phải nghiên cứu thật nghiêm túc về cuộc đời và sự nghiệp của Bác.

May mắn sau đó, ông được đi học ở trường Đảng (Học viện Chính trị quốc gia ngày nay) nên đặt ra yêu cầu phải tìm hiểu tư tưởng triết học sâu thẳm của Hồ Chí Minh. Hành trình tiếp theo đó là ông được Đảng, Nhà nước cử đi nghiên cứu sinh tại Viện Hàn lâm khoa học và xã hội của ĐCS Liên Xô, làm luận án về Chủ nghĩa xã hội khoa học, cho nên càng phải đi sâu vào nghiên cứu Hồ Chí Minh, nhất là tư tưởng của Người về Chủ nghĩa xã hội. Trở về nước, ông được phân công về Viện Mác – Lênin, Hồ Chí Minh. Đây là môi trường giúp ông càng có điều kiện nghiên cứu sâu về Hồ Chí Minh. Đặc biệt, từ Đại hội X năm 2006 đến nay, Đảng ta chủ trương phát động toàn Đảng, toàn dân học tập và làm theo gương Bác thì việc nghiên cứu, giảng dạy về Hồ Chí Minh là công việc hằng ngày của ông.

Nửa thế kỷ nghiên cứu, giảng dạy và tuyên truyền về tư tưởng Hồ Chí Minh cũng là cơ hội để GS. Hoàng Chí Bảo được nói chuyện và có điều kiện tiếp xúc với các tầng lớp nhân dân từ người dân bình thường cho tới các nhà lãnh đạo, giới trí thức và đồng bào ta ở nước ngoài, để kể những câu chuyện về cuộc đời và sự nghiệp của Bác. "Càng nghiên cứu, tôi càng phát hiện ra những điều mới mẻ về Bác; càng thấy Bác để lại niềm xúc động vô hạn trong tầm hồn, trí tuệ của mỗi con người; tìm thấy ở Bác những bài học về nhân cách; tìm thấy ở Bác những động lực tinh thần to lớn để chúng ta vượt qua khó khăn, để làm tốt nhiệm vụ được giao, để xứng đáng với niềm tin của Bác” – GS Hoàng Chí Bảo chia sẻ. 

Sự chân thành gắn kết yêu thương

Đã từng có hàng nghìn buổi nói chuyện về Bác, từ em nhỏ cho tới các bác về hưu; từ người dân trong nước đến các kiều bào ở nước ngoài, nhưng mỗi buổi nói chuyện ông đều mang đến cho người nghe một cảm xúc khác nhau, khiến người nghe luôn bị lôi cuốn vào mạch kể chuyện ấy. Bạn Ninh Nguyễn (kiều bào tại CH Séc) chia sẻ: “Cảm ơn bác Bảo đã cho chúng cháu được biết nhiều hơn về Bác Hồ, nghe mà không cầm được nước mắt. Cháu đã khóc thật nhiều”. Còn bạn Hậu Hà Văn đến từ Đảng bộ tỉnh Thái Bình gửi tới SG Hoàng Chí Bảo: Chúc bác luôn mạnh khỏe, để con cháu nhiều thế hệ được nghe bác kể về Bác Hồ nhiều hơn nữa ạ!... Bạn Lan Hương, đảng viên Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đã thốt lên rằng: “Bác Bảo nói cuốn hút quá. Nghe không bị chán, nhờ vậy mới hiểu hơn và thấm hơn về trí tuệ và đạo đức của Bác Hồ”. Còn bạn Ánh Tuyết Nguyễn đến từ Đoàn Thanh niên Hà Nội cho biết: “Cháu khóc mỗi khi nghe bác Bảo kể chuyện Bác Hồ. Bác kể từ tâm can nghe thấu lòng”…

Được nhiều người cảm mến như vậy nhưng khi hỏi ông có “bí quyết” gì không, ông chỉ cười và nói: “Thật ra chẳng có bí quyết gì đâu, cứ nói chuyện với tấm lòng chân thành với Bác.”

Là những người nghiên cứu, truyền đạt tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong mấy chục năm qua, bản thân GS. Hoàng Chí Bảo cũng tích lũy cho mình nhiều kinh nghiệm và học được ở Bác Hồ những điều gần gũi, thiết thực nhất.

leftcenterrightdel
GS. Hoàng Chí Bảo. Ảnh: Phạm Cường 

Chia sẻ với chúng tôi, GS. Hoàng Chí Bảo cho biết, tôi nghĩ rằng việc học tập và làm theo Bác cả về đạo đức, tư tưởng, phong cách là một việc làm chung của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Chúng ta ai cũng có thể học tập và làm theo Bác.

Trước hết phải làm sao truyền được cảm hứng cho người nghe. Nhưng muốn làm được điều đó thì phải xuất phát từ tấm lòng chân thành với Bác. Mình nói, mình viết ra không còn là khái niệm, chữ viết khô khan, mà nó là sự rung cảm từ trái tim thì mới có thể truyền sự xúc động đó đến với muôn người. Điều này, tôi cũng học được từ Bác Hồ. Bác nói: tốt nhất là sự chân thành, bởi nó có khả năng truyền tải đến cho người khác và thuyết phục người khác. Nếu thuyết phục được chính bản thân mình thì sẽ thuyết phục được người khác! Sau này, Bác nói đó là sự thành thật. Không gì quý hơn sự thành thật với mình, với việc, với đồng nghiệp, với đồng bào, đồng chí của mình. Mà thực chất đó, chính là đạo đức. Học ở Bác là học đạo đức với 4 chuẩn mực: “cần, kiệm, liêm, chính” thì mới có thể “chí công vô tư”. Nếu lời nói xuất phát từ trái tim thì sẽ nhận được rất nhiều cộng hưởng từ các trái tim khác”.

Với tư cách là một người nghiên cứu, một người giảng dạy, tôi học Bác ở suy nghĩ, ở cách viết, ở cách thể hiện. Bác dạy chúng ta là trước khi viết, nói về cái gì phải đặt cho mình câu hỏi: Viết về cái gì? – gọi là đề tài; Nói và viết để làm gì? – gọi là mục đích; Nói và viết cho ai? – gọi là đối tượng phục vụ; Nói và viết như thế nào? – kết cục của logic. Bác chủ trương nói ít, làm nhiều, chủ yếu là hành động, có làm được thì hãy nói, mà đã nói thì phải làm. Người ta gọi Bác là một nhà triết học vô ngôn, nhiều thông điệp không lời, chỉ bằng hành động. Qua mỗi một bài giảng, mỗi một công trình nghiên cứu, tôi luôn luôn học Bác trên 4 phương diện ấy, thực hành tốt nhất. Bác viết giản dị, ngắn gọn, hàm xúc, cô đọng. Tôi cứ ngẫm nghĩ mãi bản Di chúc thiêng liêng của Bác, có 1000 từ thôi mà tổng kết lớn về lý luận cách mạng; có 1000 từ thôi mà Bác giao hết cho Đảng, cho dân; Bác chỉ dành cho mình 79 từ. Đó chính là phong cách của Bác. Người có khả năng đem một cái tối thiểu để tải một cái tối đa. Chữ thì ít nhất, mà nghĩa thì nhiều nhất. Người ta gọi Bác có cốt cách hiền triết Á Đông chính là từ phong cách này.

Cũng theo GS. Hoàng Chí Bảo, qua tìm hiểu, nghiên cứu cho thấy, trong cuộc đời Bác không bao giờ nặng lời với ai cả. Tố Hữu có câu “Ôi người cha đôi mắt mẹ hiền sao!” để nói về Hồ Chí Minh. Sự dịu dàng của Bác là một bản lĩnh văn hoá. Chúng ta, nhất là đàn ông phải học Bác ở sự kiềm chế nóng nảy để không thô bạo, không làm tổn thương người khác trong lời nói khi nóng giận. Nên biết kiềm chế cũng chính là một bản lĩnh văn hoá cần phải học Bác, để làm sao cái tốt nảy nở, cái xấu giảm bớt đi trong mỗi người.

Học Bác ở phong cách ứng xử tinh tế và bao dung. Bác rất nghiêm khắc, nhưng cũng rất bao dung. Bác đến với người dân ở mọi tầng lớp, mọi trình độ, nhưng Bác không có một khoảng cách nào. Có một câu nói nằm lòng cho chúng ta, Bác dạy “Phê bình việc, chứ không phải phê bình người”, tức là phê bình công việc ấy thôi, chứ con người là một nhân cách, một giá trị phải được tôn trọng, từ em nhỏ đến người lớn thì phê bình việc chứ không được xúc phạm con người.

Bác còn dạy là phải “thấu lý, đạt tình”, có tình, có nghĩa với nhau, ăn ở thuỷ chung như bát nước đầy. Bác còn nói rằng, đọc hàng trăm, hàng ngàn quyển sách Mác - Lênin mà ăn ở với nhau không có tình, có nghĩa thì làm sao gọi là “Mác - Lênin” được, điều này có giá trị thức tỉnh rất lớn đối với các nhà khoa học như chúng tôi. Chúng ta hãy dặn nhau một điều “Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn” thì nhất định sẽ học tập và làm theo được Bác.

Nguyện tiếp bước các thế hệ cha anh

Là một giảng viên trẻ, TS. Lê Hoàng Việt Lâm lại có cơ hội tiếp xúc với tư tưởng Hồ Chí Minh thông qua người cha của mình - một giáo viên dạy lịch sử là người đầu tiên đưa những kiến thức lịch sử, kiến thức về Bác Hồ vào bộ nhớ của anh từ những câu chuyện thường ngày. Nhiều câu chuyện tưởng như cha kể một cách vô tình ấy ngấm vào anh lúc nào không biết. Đó cũng là lý do khi sau này trở thành sinh viên trường Đại học An ninh, anh là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Lý luận chính trị của Trường. Những cuộc thi Olympic các môn khoa học Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh do nhà trường, Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban Tuyên giáo Trung ương… tổ chức là những cơ hội quý giá để anh nghiền ngẫm, nghiên cứu và trải nghiệm về những kiến thức đó. Và, những kiến thức về Hồ Chí Minh, những tư tưởng, quan điểm của Người đã “đến” với anh rất tự nhiên, như là một phần của cuộc sống. Để giờ đây, anh cũng chính là một giảng viên chính Khoa Lý luận chính trị, Trường Đại học An ninh nhân dân (Tp Hồ Chí Minh).

Chia sẻ với chúng tôi, TS Lê Hoàng Việt Lâm cho biết, có 3 điều mà anh luôn luôn thấm và ngấm trong quá trình nghiên cứu và giảng dạy các chuyên đề về tư tưởng Hồ Chí Minh. Một trong những lời dạy mà anh tâm đắc nhất là trong bài nói chuyện của Bác tại Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất về công tác huấn luyện và học tập, ngày 6/5/1950. Tại Hội nghị đó, Người căn dặn: “Người huấn luyện nào tự cho là mình đã biết đủ cả rồi, thì người đó dốt nhất”. Rồi Người nhắc tới câu khẩu hiệu “Học không biết chán, dạy không biết mỏi” của Khổng Tử được treo trong phòng họp. Với Hồ Chí Minh, học là mình dạy mình, dạy là giúp cho người học. Người luôn đòi hỏi người thầy phải có kiến thức nhiều hơn, rộng hơn, sâu hơn, xa hơn, căn bản và toàn diện hơn. “Vì lẽ đó, điều đầu tiên mà tôi suy nghĩ, luôn nỗ lực phấn đấu, đó chính là việc phải không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn. Nếu người thầy không có trình độ, không có kiến thức vừa rộng, vừa sâu, không có “vốn xã hội” tốt, thì rất khó để học sinh nể phục. Nói ra điều này, chúng ta cần nhớ lại rằng, Bác Hồ bắt đầu sự nghiệp đấu tranh cách mạng không phải bằng việc cầm khẩu súng hay thanh gươm, mà như chúng ta đã biết, Bác cầm lấy quyển sách để bắt đầu bằng việc học tập, nhất là tự học” – anh Lâm chia sẻ.

leftcenterrightdel
TS. Lê Hoàng Việt Lâm học Bác ở sự yêu thương trong nhân cách của một người thầy. (Ảnh: HH)

Theo anh Việt Lâm, anh cũng học được ở Bác Hồ về phương pháp. Phong cách tư duy, tác phong khoa học, cách viết và nói theo lối “tối đa ý nghĩa trong tối thiểu ngôn từ”, luôn phù hợp với từng đối tượng, mọi hoàn cảnh… của Bác. Nhà giáo dục Mỹ William Arthur Ward đã từng nói: “Người thầy trung bình chỉ biết nói, Người thầy giỏi biết giải thích, Người thầy xuất chúng biết minh họa, Người thầy vĩ đại biết cách truyền cảm hứng”. Hồ Chí Minh là nhà giáo dục, là người thầy vĩ đại bởi Người luôn biết cách truyền cảm hứng trong những bài giảng, bài nói chuyện của mình. Chính điều đó đã thôi thúc anh nghiên cứu, học hỏi phương pháp truyền đạt, giảng dạy, nói chuyện của Người.

TS Lê Hoàng Việt Lâm cũng học được từ Bác là sự yêu thương trong nhân cách của một người thầy. Anh tâm sự: Từ con người và cuộc đời mẫu mực của Bác, tỏa ra vẻ đẹp, hơi ấm và ánh sáng biến đổi, cảm hóa mọi người, như là cái gì rất tự giác mà rất tự nhiên, như chính nhu cầu và quy luật của con người, của cuộc sống. Vậy nên, không ngừng hoàn thiện bản thân, lên lớp với một quan niệm giáo dục là biến đổi, cảm hóa con người theo chiều hướng tốt đẹp để từ đó có thể tác động, biến đổi, cảm hóa người học… là mục đích quan trọng của một người thầy mà tôi luôn phấn đấu.

TS Lê Hoàng Việt Lâm cũng cho biết, là thế hệ trẻ, anh đã được nghe GS Hoàng Chí Bảo nói chuyện trực tiếp 2 lần, và rất nhiều lần nghe Giáo sư nói chuyện trên một số phương tiện truyền thông. Điều mà anh cảm phục đầu tiên chính là “hành trình” dài của một người kể chuyện về Bác được cho là “thâm niên” nhất Việt Nam. “Tôi thực sự ấn tượng, cảm phục chất giọng truyền cảm, cảm xúc chân thành của Giáo sư khi kể những câu chuyện về Người. Bằng sự trải nghiệm và tích lũy lâu dài, Giáo sư đã sưu tầm nhiều câu chuyện rất hay, rất thật về Bác” – TS Việt Lâm chia sẻ.

Nói về những thuận lợi và khó khăn của một giảng viên trẻ, TS VIệt Lâm và cho biết: "Ngày nay, những người báo cáo viên trẻ như chúng tôi thiếu đi cái chất liệu thực tiễn đó để tiếp sức trong việc truyền tải về hình ảnh, cốt cách Hồ Chí Minh cho những người khác. Bù lại, chúng tôi lại có điều kiện tiếp cận nguồn thông tin phong phú, có phạm vi bao phủ rộng. Vì thế, có thể kết hợp được sự sâu sắc, khúc chiết trong ngôn ngữ cũng như những kiến thức thực tiễn của Giáo sư Hoàng Chí Bảo với góc tiếp cận của người trẻ hiện đại để xây dựng cho mình một phong cách báo cáo riêng, tránh sự rập khuôn. Và thiết nghĩ, nó là sự kế tục cần thiết để tư tưởng Hồ Chí Minh ngày càng có sức lan tỏa, đi vào thực tiễn cuộc sống"./.

Hiền Hòa – Phạm Cường

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực