Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân

Thứ ba, 16/10/2018 16:39
(ĐCSVN) – Đó là nhấn mạnh của đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội tại Hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TƯ, ngày 18/2/2008 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về “Xây dựng và thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở” và khen thưởng mô hình “Dân vận khéo” tiêu biểu năm 2018 do Thành ủy Hà Nội tổ chức sáng 16/10.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng trao tặng bằng khen
cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TƯ. (Ảnh:TA)

Báo cáo tại hội nghị, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Nguyễn Lan Hương cho biết, quán triệt Chỉ thị số 30-CT/TƯ của Bộ Chính trị (khóa VIII), Kết luận số 120 của Bộ Chính trị (khóa XI), Thành ủy Hà Nội đã chủ động triển khai nghiêm túc, bài bản, sáng tạo; đã ban hành các văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở. Với phương châm làm từng bước vững chắc, thành phố chọn mỗi loại hình một số cơ sở làm “điểm” để rút kinh nghiệm sau đó nhân ra diện rộng.

Đến nay, tám loại hình thực hiện QCDC ở cơ sở đã được thành phố kiên trì triển khai và mang lại hiệu quả rõ rệt. Nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị-xã hội, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân về thực hiện QCDC đã có những chuyển biến rõ nét, tạo bầu không khí dân chủ, cởi mở trong xã hội, tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết hơn giữa Đảng, chính quyền với người dân, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Sau 20 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TƯ, Thành ủy và các cấp ủy Đảng đã chú trọng triển khai gắn thực hiện QCDC với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Chỉ thị số 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Thực hiện tốt QCDC trong việc lãnh đạo, chỉ đạo các nhiệm vụ chính trị, công tác cán bộ, lấy ý kiến đóng góp của nhân dân nơi cư trú đối với cán bộ, đảng viên; thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ, chế độ tự phê bình và phê bình; tích cực đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Đổi mới phong cách công tác, lề lối làm việc, coi trọng thực hiện phương châm “dựa vào dân để xây dựng Đảng”, nhiều cấp ủy trước khi ban hành nghị quyết đã tổ chức lấy ý kiến của cán bộ, đảng viên và nhân dân, nên nghị quyết khi ban hành đã đi vào cuộc sống và được nhân dân tích cực thực hiện.

Việc thực hiện tốt QCDC ở cơ sở đã tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở thành phố. Kinh tế Thủ đô vượt qua khó khăn, tiếp tục phát triển, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị có nhiều chuyển biến tích cực…

Đặc biệt, TP Hà Nội đã thực hiện QCDC trong vận động nhân dân tích cực hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Từ việc làm cho dân hiểu, người dân đã đồng thuận, tự nguyện, hăng hái tham gia xây dựng nông thôn mới, đã huy động đóng góp công sức, kinh phí trên 5 ngàn tỷ đồng để xây dựng hạ tầng cơ sở và các công trình phục vụ dân sinh… Kết quả này góp phần đưa Hà Nội dẫn đầu cả nước về số xã đạt chuẩn nông thôn mới, với 294/386 xã (đạt 76,2%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và 4 huyện (Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức) đạt chuẩn nông thôn mới…

Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương Nguyễn Phước Lộc tặng kỷ niệm chương
Vì sự nghiệp Dân vận cho các cá nhân. (Ảnh:TA) 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện QCDC ở cơ sở vẫn còn hạn chế, yếu kém cần khắc phục. Đó là kết quả xây dựng và thực hiện QCDC trong các loại hình cơ sở chưa được đồng đều, còn một số xã, phường, thị trấn chưa làm tốt, nhiều nơi xây dựng quy ước, hương ước còn làm theo khuôn mẫu, sao chép hướng dẫn của cấp trên, chưa sát tình hình thực tế của địa phương. Đáng chú ý, một số nơi chưa thực hiện, hoặc thực hiện chưa đạt yêu cầu việc thông báo công khai cho dân biết những chủ trương về phát triển kinh tế-xã hội, tài chính, đất đai, tái định cư, giải phóng mặt bằng, chính sách đền bù khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án. Một số cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập chưa thực sự quan tâm thực hiện QCDC ở cơ sở, một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn biểu hiện nhũng nhiễu, gây phiền hà cho công dân, tổ chức và doanh nghiệp. Vẫn còn cán bộ, công chức, viên chức vi phạm dân chủ, thiếu trách nhiệm khi giải quyết các vụ việc liên quan đến lợi ích của người dân, dẫn đến khiếu kiện kéo dài hoặc vượt cấp…

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng ghi nhận, biểu dương những kết quả đạt được của các địa phương, cơ quan, đơn vị trong tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 30 của Bộ Chính trị về xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở. Hoan nghênh Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện QCDC từ Thành phố tới cơ sở đã thực hiện tốt chức năng tham mưu giúp cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở trên địa bàn Thành phố. Đồng chí lưu ý, trong thời gian tới, tiếp tục quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 30, Kết luận số 120 của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 04 ngày 14/01/2016 của Thành ủy “Về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở”; tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng và tổ chức thực hiện của chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc cụ thể hoá phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh:TA)

Đồng thời gắn thực hiện QCDC ở cơ sở với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Chỉ thị số 05 ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; phát huy dân chủ gắn với kỷ cương, kỷ luật, xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật những vụ tiêu cực, sai phạm của cán bộ và những hành vi lợi dụng dân chủ để gây rối làm ảnh hưởng an ninh trật tự. Phát huy tốt vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị-xã hội trong công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục, tổ chức cho đoàn viên, hội viên thực hiện QCDC ở cơ sở; chủ động phối hợp thực hiện việc giám sát, phản biện xã hội, tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, chính quyền.

Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng lưu ý gắn việc thực hiện QCDC ở cơ sở với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Thành phố, coi phát triển kinh tế-xã hội là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, xây dựng văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên. Nâng cao chất lượng hoạt động của MTTQ, các tổ chức chính trị-xã hội các cấp; nâng cao trách nhiệm, tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Tăng cường công tác kiểm tra, sơ, tổng kết, biểu dương khen thưởng, nhân rộng các mô hình, điển hình thực hiện tốt QCDC ở cơ sở. Cùng với đó, đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” và các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động trong các tầng lớp nhân dân. Nâng cao chất lượng, hiệu quả việc triển khai xây dựng các mô hình “Dân vận khéo”, thực hành phong cách “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”.

Tại Hội nghị, Ban Tổ chức đã trao tặng bằng khen của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong 20 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 30 của Bộ Chính trị (khóa VIII); trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Dân vận” năm 2018 và khen thưởng mô hình “Dân vận khéo” tiêu biểu năm 2018./.

Trung Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực