A Pa Chải - chiều “Tháng Ba biên giới”

Chủ nhật, 28/03/2021 19:47
(ĐCSVN) - Hành trình "chinh phục" cột Mốc kỳ vĩ tại mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc vào một buổi chiều "Tháng Ba biên giới” với chúng tôi thật nhiều ý nghĩa, thật khó để diễn tả hết cảm xúc và niềm tự hào.

Mốc ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc (Mốc ngã ba biên A Pa Chải) nằm trên đỉnh núi Khoang La San, có độ cao trên 1.800m so với mực nước biển, thuộc bản A Pa Chải, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, cách TP. Ðiện Biên Phủ khoảng 270 km về phía Tây, đi theo quốc lộ 12 và 4H. Hành trình "chinh phục" cột Mốc kỳ vĩ tại mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc vào một buổi chiều "Tháng Ba biên giới” với chúng tôi thật nhiều ý nghĩa, thật khó để diễn tả hết cảm xúc và niềm tự hào. Lên được địa điểm hùng vĩ này, nơi “một tiếng gà gáy ba nước đều nghe”, xem như ý chí, lòng quyết tâm, thể lực lẫn sự may mắn của người chinh phục được khẳng định.

 Theo tiếng của người Hà Nhì, A Pa Chải có nghĩa là “vùng đất bằng phẳng, rộng lớn”. Nằm trên đỉnh núi Khoang La San với tọa độ 22°23'53"N 102°8'51"E, A Pa Chải còn là địa danh gắn liền với cột mốc số 0, ngã ba biên giới đặc biệt của 3 nước Việt Nam – Lào – Trung Quốc.

 Cột mốc cắm vào ngày 27/6/2005. Toàn bộ cột mốc được làm bằng đá granit, được cắm trên bệ cắm hình lục giác, ngoài cùng là khối vuông với diện tích 5 x 5 mét. Cột mốc cao 2 mét với 3 mặt quay về 3 hướng, bên trên mỗi mặt là tên nước bằng tiếng quốc ngữ và quốc huy riêng của mỗi quốc gia.

 Do Mốc ngã ba biên A Pa Chải nằm ở khu vực biên giới trọng yếu liên quan mật thiết tới quân sự - quốc phòng địa phương cũng như an ninh quốc gia, do đó, khách du lịch muốn tới thăm mốc, cần có sự đồng ý và cấp giấy phép của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Ðiện Biên. Ðồng thời, vào tới Ðồn Biên phòng A Pa Chải liên hệ sẽ được cán bộ, chiến sĩ của Ðồn làm “hoa tiêu” dẫn đường, chỉ lối lên thăm mốc.

 Cùng với sự phát triển của du lịch gắn với đảm bảo an ninh - quốc phòng, hiện, Mốc ngã ba biên A Pa Chải đang được Chính phủ xem xét, phê chuẩn thực hiện Chương trình mở rộng sân mốc và xây dựng điểm ngắm cảnh tại mốc giao điểm đường biên giới ba nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc. Theo đó, việc mở rộng sân mốc và xây dựng điểm ngắm cảnh tại giao điểm ba nước đã được đoàn đại biểu của huyện Mường Nhé, tỉnh Ðiện Biên (Việt Nam); huyện Giang Thành (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) và tỉnh Phoong Sa Ly (Lào) thống nhất trong buổi hội đàm tại Trạm Biên phòng A Pa Chải vào tháng 12/2018. Các bên đã thống nhất một số nội dung: Nhất trí mở rộng mốc; dự kiến xây dựng điểm ngắm cảnh tại Mốc ngã ba biên có hình tròn, với diện tích 255m2, bán kính 9m; sân mốc hướng về mỗi quốc gia thể hiện bản đồ du lịch từ mốc giao điểm đến thủ đô mỗi nước và có lan can bảo vệ xung quanh được thiết kế bằng đá cẩm thạch... Như vậy, trong tương lai gần, Mốc ngã ba biên A Pa Chải sẽ hấp dẫn nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm; cảm nhận rõ hơn niềm tự hào dân tộc khi đặt chân lên điểm cực Tây Tổ quốc.

Để lên được Mốc ngã ba biên A Pa Chải, việc đầu tiên phải thực hiện

là quá trình làm thủ tục kiểm tra, kiểm soát tại chốt kiểm soát biên phòng A Pa Chải,

đặc biệt là vấn đề phòng, chống dịch COVID-19.

Mặc dù được sự hỗ trợ, giúp nhiệt tình từ các cán bộ chiến sĩ BĐBP, DQTV,

nhưng với chúng tôi, những con đường nhỏ hẹp, bụi cây rậm rạp …

thực sự là thử thách khó khăn.

Từ trạm nghỉ dừng chân, đường lên cột mốc, cách di chuyển hợp lý nhất

là xe gắn máy (số thấp) với những khúc cua gấp nhỏ hẹp, liên tục.

Tiếp đó là hành trình leo bậc thang độ dốc cao, khúc khuỷu.

Chứng kiến hành ảnh các cán bộ, chiến sĩ BĐBP, DQTV, các lực lượng

thực hiện nhiệm vụ tại cột mốc...

không khỏi xúc động, tự hào trước những nỗ lực, cố gắng của các đồng chí,

không quản ngại khó khăn, luôn vững chắc niềm tin, ý chí để bảo vệ chủ quyền biên giới

thiêng liêng của Tổ quốc.

Tiếng quốc ngữ và quốc huy của Việt Nam thể hiện trên cột Mốc. 

Đoàn công tác Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam cùng cán bộ, chiến sĩ

đồn Biên phòng A Pa Chải, lực lượng DQTV chụp ảnh lưu niệm tại cột Mốc.

 

Trường Quân

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực