Thông qua những điệu múa dân gian người xem nhận biết được khả năng sáng tạo và cảm thụ thẩm mỹ của các bậc tiền nhân; đồng thời, thấy được phong tục tập quán, những mối quan hệ xã hội đương thời. Đặc biệt là biểu đạt đời sống tín ngưỡng, đạo đức con người, có thể thấy qua các điệu múa xuất hiện trong các nghi lễ thờ cúng thần Phật, thánh Tản Viên, đạo Mẫu hay phong tục thờ cúng Hùng Vương.
Không gian thực hành múa dân gian rộng rãi, gần gũi, nơi để mọi người quây quần, đoàn kết nhau, không phân biệt độ tuổi, tầng lớp như các điệu xoè của dân tộc Thái, xòe chiêng dân tộc Tày, múa cờ lau hội Hoa Lư, Múa bài bông, múa Xuân Phả...
Trong di sản múa dân gian Việt, Hà Nội hiện vẫn lưu giữ khoảng 100 điệu múa cổ, ở các loại hình như múa dân gian, múa cung đình và múa tín ngưỡng, tôn giáo. Trong đó tiêu biểu có “múa Ải Lao” trong hội Gióng, “múa đèn” trong hội Đền Hai Bà Trưng, “múa chạy cờ”, xã Tân Triều (Thanh Trì, Hà Nội), “múa rắn” ở làng Lệ Mật (Gia Lâm), “múa roi” làng Cót, “múa chén” làng Mọc, “múa rồng lửa” ở Khương Thượng, múa "cởi vú mo" ở lễ hội làng Đường Yên, huyện Đông Anh, múa "canh nông" ở hội làng Cư An, huyện Mê Linh, “múa lục cúng” hoa đăng ở chùa Minh Quang (Đống Đa), múa “chèo tầu” ở xã Tân Hội, huyện Đan Phượng; múa “chèo cạn” ở phường Bưởi…
Theo nghệ sĩ nhân dân Ứng Duy Thịnh: Các điệu múa cổ mang ý nghĩa giáo dục con người vươn tới cái đẹp, cái thiện. Việc bảo tồn và phát huy múa cổ Hà Nội không chỉ là nhằm bảo tồn nghệ thuật múa dân gian, mà còn có ý nghĩa tích cực đối với con người trong đời sống đương đại.
|
Hội Gióng được đánh giá là một trong những lễ hội đặc sắc nhất trong hơn 7.000 lễ hội dân gian của Việt Nam. Kịch trường dân gian này là một bảo tàng sống lưu giữ nhiều lớp phù sa văn hóa - tín ngưỡng…, trong đó có hát múa Ải Lao thời Thánh Gióng đánh giặc Ân. |
|
Hát múa Ải Lao trong hội Gióng, làng Phù Đổng (Gia Lâm, Hà Nội) với những lời ca thể hiện sự tôn kính và cảm tạ Đức Thánh Gióng. |
|
Trong di sản múa dân gian, Hát Xoan đất Tổ - một mạch nguồn văn hóa dân tộc ẩn chứa và phô diễn những giá trị lịch sử, văn hóa thời kỳ bình minh dựng nước, giữ nước. |
|
Điệu múa chén trong hát Xoan Phú Thọ. |
|
Múa dân gian gắn kết với không gian lễ hội cổ truyền, góp phần tạo lên chỉnh thể vẻ đẹp văn hóa truyền thống, biểu đạt đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc. Điệu múa đèn trong lễ hội Hai Bà Trưng do nhân dân phường Đồng Nhân (Hai Bà Trưng, Hà Nội) tổ chức, để tưởng nhớ công lao dẹp giặc cứu nước của Hai Bà. |
|
Hằng năm, tại đền Đồng Nhân, từ mồng 4 - 7 tháng Hai, mồng 6 là chính hội, lễ hội Hai Bà trưng đã trở thành một nét đẹp văn hóa truyền thống, có ý nghĩa giáo dục truyền thống yêu nước của Hà Nội. |
|
Múa trống Bồng một trong 20 điệu múa cổ tiêu biểu của Hà Nội còn lưu giữ tới ngày nay, một dấu ấn lịch sử, văn hóa về vùng đất Thăng Long - Hà Nội. Điệu múa độc đáo với các vũ công đều là những người con trai giả gái khi biểu diễn. |
|
Hằng năm, từ ngày 9 - 12 tháng Giêng, người dân làng Triều Khúc, xã Tân Triều (Thanh Trì , Hà Nội) lại náo nức mở hội làng, thực hiện các nghi lễ để tưởng nhớ vị anh hùng dân tộc Phùng Hưng đã dựng cờ khởi nghĩa chống quân xâm lược.
|
|
“Múa rắn” – Dấu ấn về “Thập Tam trại" vùng đất phía tây kinh thành Thăng Long xưa. |
|
Diễn xướng dân gian trong tín ngưỡng thờ Mẫu. |
|
Trong các dịp lễ lớn như Tết Nguyên Đán, trung thu, khai trương, lễ cưới hỏi..., những chú lân sư rồng uốn lượn tưng bừng, tạo lên không khí lễ hội náo nhiệt. |
|
Nhân vật Ông Địa đem lại sự sảng khoái, vui tươi, may mắn cho người dân trong lễ hội. |
|
Hằng năm, vào ngày 5,6,7 tháng Ba (âm lịch), nhân dân xã Đồng Lạc (Chương Mỹ, Hà Nội), lại tổ chức lễ rước truyền thống để tưởng nhớ vị anh hùng Chu Đạt - nguời đứng lên khởi nghĩa dưới ngọn cờ của Hai Bà Trưng chống lại sự xâm lăng của nhà Hán. Lễ rước phản ánh đậm nét tinh thần gắn kết làng, xã và đời sống tín ngưỡng của người dân ở đất này. |
|
Mỗi điệu múa dân gian lưu dấu một câu chuyện lịch sử, những giá trị đạo đức hay phong tục tập quán, nếp sống của người dân ở môi trường sinh ra di sản. |
|
Di sản lịch sử, văn hóa này đang được lưu giữ ở nhiều vùng miền đất nước, bằng nhiều thể loại, cách thức thể hiện phong phú. Nhưng chung nhất, múa dân gian hướng tới tính kết nối cộng đồng, phản ánh ước mơ về sự thịnh vượng, thanh bình, có ý nghĩa to lớn trong việc giáo dục, khơi dạy tình yêu quê hương, đất nước ở mỗi người dân Việt. |