Không cấp dưỡng sau ly hôn bị phạt tù?

Thứ tư, 16/11/2022 21:38
(ĐCSVN) - "Theo bản án, hai vợ chồng chị gái tôi đồng ý sau ly hôn con gái 3 tuổi ở với mẹ trong khi cha có nghĩa vụ cấp dưỡng mỗi tháng 3 triệu đồng đến khi cháu được 18 tuổi. Tuy nhiên, chồng cũ của chị này có tiền mà không chịu cấp dưỡng cho con thì có bị xử phạt không?", bạn đọc Thu Hoài, sống tại thành phố Đà Nẵng hỏi.

Xét về góc độ pháp lý, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, luật sư Trương Anh Tuấn, đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết, Khoản 2 Điều 82 Mục 1 Chương V Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 (Số: 52/2014/QH13, ngày 19 tháng 6 năm 2014) nêu rõ cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

Khoản 24 Điều 3 Chương I Luật này quy định: Cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định của Luật này.

Như vậy, người không trực tiếp nuôi con phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con. Trong trường hợp người trực tiếp nuôi con có khả năng, điều kiện và không cần cầu cấp dưỡng cho con thì không phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nữa.

Cấp dưỡng được coi là nghĩa vụ của cha mẹ đối với con khi ly hôn nên khi bạn không có thu nhập thì bạn vẫn phải cấp dưỡng cho con của mình (Ảnh minh họa, nguồn: thuvienphapluat.vn)

Pháp luật không quy định cụ thể mức cấp dưỡng là bao nhiêu mà phải căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng, nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng và đương nhiên những chi phí này là chi phí hợp lý.

Theo Khoản 1 Điều 119 Chương VII Luật Hôn nhân và Gia đình, người được cấp dưỡng, cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó.

Trong trường hợp, người trực tiếp nuôi con không yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cấp dưỡng vì lý do nào đó thì Toà án cần giải thích cho họ hiểu rằng việc yêu cầu cấp dưỡng nuôi con là quyền lợi của con để họ biết nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con. Nếu xét thấy việc họ không yêu cầu cấp dưỡng là tự nguyện, họ có đầy đủ khả năng, điều kiện nuôi dưỡng con thì Toà án không buộc bên kia phải cấp dưỡng nuôi con.

“Như vậy, sau khi ly hôn người không trực tiếp nuôi con phải cấp dưỡng nuôi con đến khi thành niên (18 tuổi); nếu con thành niên mà không tự nuôi sống được bản thân do bị tàn tật hoặc không có năng lực hành vi dân sự thì người có nghĩa vụ cấp dưỡng phải có trách nhiệm cấp dưỡng không thời hạn”, luật sư Tuấn phân tích.

Theo Khoản 1 Điều 116 Chương VII Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 (Số: 52/2014/QH13, ngày 19 tháng 6 năm 2014) mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

Về phương thức cấp dưỡng do các bên thoả thuận định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần. Trong trường hợp các bên không thoả thuận được thì Toà án quyết định phương thức cấp dưỡng định kỳ hàng tháng.

Về trường hợp của chị gái bạn, tùy theo mức độ nghiêm trọng, việc không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con sau khi ly hôn của người chồng có thể bị xử phạt hành chính hoặc sẽ bị xử lý hình sự.

Về xử phạt hành chính, Điều 57 Mục 4 Chương II Nghị định 144/2021/NĐ-CP (Số: 144/2021/NĐ-CP, ngày 31 tháng 12 năm 2021) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình quy định như sau: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng sau khi ly hôn; từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ nuôi dưỡng giữa anh, chị, em với nhau, giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu theo quy định của pháp luật

b) Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, nuôi dưỡng cha, mẹ; nghĩa vụ cấp dưỡng, chăm sóc con sau khi ly hôn theo quy định của pháp luật

Trong khi đó, hành vi cố ý không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng quy định tại Điều 186 Chương XVII Bộ luật Hình sự 2015 (Số: 100/2015/QH13, ngày 27 tháng 11 năm 2015), sửa đổi, bổ sung năm 2017 hoặc Tội không chấp hành án quy định tại Điều 380 Chương XXIV Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Cụ thể, trường hợp từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng làm cho người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Trường hợp nghĩa vụ cấp dưỡng đã được thể hiện trong bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực mà người cấp dưỡng có điều kiện nhưng không chấp hành mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Ngoài ra, người trốn nghĩa vụ cấp dưỡng trong trường hợp này còn có thể bị phạt tiền từ 5 - 50 triệu đồng.

Gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi nuôi dưỡng con người, là môi trường quan trọng hình thành và giáo dục nhân cách mỗi thành viên. Khi giải quyết cho ly hôn, tòa án phải giải quyết các vấn đề về tình cảm, tài sản và con cái theo các quy định của Luật hôn nhân và gia đình hiện hành.

“Sau ly hôn, những đứa trẻ thường ở với bố hoặc mẹ. Chúng vốn đã chịu thiệt thòi về tình cảm khi có mẹ thì không có bố, xa cách với anh chị em, lại còn bị thiệt thòi về vật chất. Hiện việc yêu cầu cấp dưỡng sau khi ly hôn đang tồn tại nhiều bất cập, thậm chí trở thành "món nợ khó đòi" đối với cả cơ quan thi hành án và người được cấp dưỡng”, luật sư Tuấn nhấn mạnh./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực