Làm thẻ CCCD gắn chip mới, bạn cần làm gì với thẻ CMND cũ trước khi bị cắt góc?

Thứ năm, 10/06/2021 09:49
(ĐCSVN) - Sau nhiều tháng gấp rút làm thẻ Căn cước công dân (CCCD) có gắn chip, Chứng minh nhân dân (CMND) cũ một vài nơi thì không cắt góc, một số chỗ lại cắt. Vậy thẻ CMND này có còn sử dụng được không hoặc nếu bị cắt góc không sử dụng nữa thì chúng ta cần làm gì tiếp theo?
 CMND cắt góc còn sử dụng được không hoặc nếu bị cắt góc không sử dụng nữa thì chúng ta cần làm những điều sau. Ảnh ND

Chứng minh nhân dân bị cắt góc còn sử dụng được không?

Theo Điều 15 Thông tư số: 07/2016/TT-BCA ngày 01/02/2016 (được sửa đổi bổ sung bởi Thông tư số: 40/2019/TT-BCA ngày 01/10/2019) thì việc xử lý CMND khi đổi sang CCCD gắn chíp được quy định như sau:

Trường hợp CMND 9 số và 12 số còn rõ nét (ảnh, số CMND và chữ) thì cấp giấy hẹn trả thẻ CCCD gắn chíp cùng CMND chưa cắt góc cho công dân để sử dụng trong thời gian chờ cấp thẻ CCCD gắn chíp. Khi trả thẻ CCCD gắn chíp, tiến hành cắt góc CMND mỗi cạnh góc vuông là 2cm, ghi vào hồ sơ và trả lại CMND đã được cắt góc. Trường hợp công dân yêu cầu trả thẻ CCCD gắn chíp qua đường chuyển phát thì tiến hành cắt góc và trả CMND ngay khi tiếp nhận hồ sơ.

Như vậy, khi thực hiện làm CCCD gắn chíp thì CMND 12 số và 9 số còn rõ nét sẽ bị cắt góc và trả lại cho người dân và CMND bị cắt góc không còn giá trị pháp lý và thẻ đó bị hủy.

Vậy sau khi có thẻ CCCD mới có gắn chip thì chúng ta nên làm gì?

Nhớ xin giấy xác nhận số CMND khi chuyển sang thẻ CCCD

Việc cấp giấy xác nhận số CMND là một với CCCD 12 số là thủ tục giúp giảm phiền hà cho người dân.

Cụ thể, trước đây khi làm các thủ tục như đăng ký tài khoản ngân hàng, bảo hiểm xã hội…, người dân sử dụng CMND 9 số thì nay khi được cấp CCCD, các cơ quan quản lý giấy tờ trên không có cơ sở để xác nhận 02 thẻ cùng một chủ sở hữu.

Nếu bạn đăng ký nhận thẻ CCCD gắn chip mới qua đường bưu điện mà không có giấy xác nhận nếu có nhu cầu thì vẫn có thể liên hệ với các Cán bộ chiến sĩ Công an để được cấp thêm.

Thời gian cấp giấy xác nhận số CMND cũ là 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Chụp lại tất cả thông tin trên thẻ CMND cũ có cắt góc

Việc làm này là cần thiết bởi vì rất nhiều thông tin quan trọng đều liên quan đến thẻ CMND cũ. Các tài khoản trên các ứng dụng hoặc các ví điện tử, tài khoản ngân hàng,… thường yêu cầu bạn nhập các thông tin như số CMND, địa chỉ thường trú, ngày cấp, nơi cấp,… Thế nên bạn cần chụp lại để sau này có nhu cầu muốn định danh lại tài khoản hoặc thay đổi các thông tin cá nhân.

Chưa kể đến các giấy tờ bạn điền trước đây như tờ khai sơ yếu lý lịch, giấy tờ tuỳ thân, hộ chiếu, sổ bảo hiểm xã hội,… đều có liên quan. Thế nên trước khi Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được cập nhật đồng bộ và đầy đủ, thì tốt nhất nên lưu giữ lại tất cả các thông tin này để tránh các rắc rối sau này.

Theo Điều 25 Luật Căn cước công dân số: 59/2014/QH13 ngày 20/11/2014, quy định:

Kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định tại Luật này, cơ quan quản lý căn cước công dân phải cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân cho công dân trong thời hạn sau đây:

1. Tại thành phố, thị xã không quá 07 ngày làm việc đối với trường hợp cấp mới và đổi; không quá 15 ngày làm việc đối với trường hợp cấp lại;

2. Tại các huyện miền núi vùng cao, biên giới, hải đảo không quá 20 ngày làm việc đối với tất cả các trường hợp;

3. Tại các khu vực còn lại không quá 15 ngày làm việc đối với tất cả các trường hợp;

4. Theo lộ trình cải cách thủ tục hành chính, Bộ trưởng Bộ Công an quy định rút ngắn thời hạn cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân.

Nếu trong khoảng thời gian này bạn có làm các thủ tục hành chính hoặc các bạn học sinh, sinh viên có tham gia thi bằng cấp gì thì vẫn nên cầm CMND cũ photo công chứng đầy đủ ra vài bản để phòng hề rủi ro./.

ND

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực