Lợi dụng đèn khẩn cấp dừng, đỗ xe trên tuyến đường cấm, xử phạt thế nào?

Thứ ba, 14/06/2022 17:39
(ĐCSVN) - Bạn đọc Dương Hoàng Lan, sống tại quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh hỏi: Tôi thấy nhiều tuyến đường ở đô thị với mật độ dân số cao có biển cấm các phương tiện ô tô dừng, đỗ. Tuy nhiên, thực tế nhiều xe vẫn cố tình dừng, đỗ thành hàng và lợi dụng việc bật đèn khẩn cấp, gây ùn tắc giao thông. Trường hợp này có thể bị xử lý như thế nào?

Trả lời:

Theo Khoản 1 Điều 11 Chương II Luật Giao thông đường bộ năm 2008 (Luật số: 23/2008/QH12 ngày 13 tháng 11 năm 2008) quy định người tham gia giao thông phải chấp hành hiệu lệnh và chỉ dẫn của hệ thống báo hiệu đường bộ, trong đó có hệ thống biển báo.

Rất nhiều lái xe vẫn dừng, đỗ sai quy định. (Ảnh minh họa. Nguồn: Hoàng Hiệp - vietnamnet.vn)

Dừng, đỗ xe được định nghĩa chi tiết tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 18 Chương II Luật Giao thông đường bộ năm 2008 như sau:

* Dừng xe là trạng thái đứng yên tạm thời của phương tiện giao thông trong một khoảng thời gian cần thiết đủ để cho người lên, xuống phương tiện, xếp dỡ hàng hóa hoặc thực hiện công việc khác.

* Đỗ xe là trạng thái đứng yên của phương tiện giao thông không giới hạn thời gian.

Do vậy, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi dừng, đỗ xe phải tuân thủ quy định không được để phương tiện ở lòng đường, hè phố trái quy định cũng như nơi có biển cấm dừng, đỗ xe.

Đèn khẩn cấp hay còn gọi là đèn cảnh báo nguy hiểm được dùng trong một số trường hợp nhất định. Hiện chưa có quy định pháp luật về các trường hợp sử dụng đèn khẩn cấp, tuy nhiên, các nhà sản xuất khuyến cáo người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông nên bật đèn khẩn cấp nếu:

* Xe gặp sự cố phải dừng, đỗ trên đường: Khi đi trên đường mà xe gặp sự cố bất ngờ, không thể di chuyển đến nơi dừng, đỗ theo quy định, bắt buộc phải đỗ trên đường, lái xe cần bật đèn khẩn cấp để các xe khác chủ động tránh.

* Xe đang trong tình trạng nguy hiểm: Trường hợp xe gặp trục trặc mà không thể tấp vào lề dừng đỗ, lái xe nên bật đèn cảnh báo khẩn cấp để thông báo cho các phương tiện khác biết rằng để xử lý tình huống.  

* Thời tiết quá xấu: Nếu trời mưa, sương mù bình thường thì có thể chỉ cần bật đèn sương mù/đèn chiếu gần là được, không nên bật đèn khẩn cấp vì phương tiện phía sau sẽ không biết khi nào xe phía trước sẽ rẽ, chuyển làn…

Nhưng nếu gặp thời tiết xấu, trời mưa to, sương mù dày đặc, tầm nhìn bị hạn chế chỉ còn vài mét thì nên bật đèn khẩn cấp để các xe phía sau chú ý giữ khoảng cách an toàn. Trong tình huống thời tiết quá xấu, lái xe nên chủ động dừng, đỗ xe bên đường và bật đèn khẩn cấp, đợi đến khi thời tiết thuận lợi rồi di chuyển.

Nếu tham gia giao thông mà xe thực sự gặp sự cố, trục trặc, phải dừng, đỗ xe ở nơi có biển cấm dừng, đỗ và bật đèn khẩn cấp thì sẽ không bị xử phạt. Bên cạnh đó, người điều khiển phương tiện cần nhanh chóng liên lạc với các đơn vị cứu hộ tiến hành di chuyển phương tiện đến vị trí thích hợp, tránh gây ùn tắc giao thông.

Trường hợp các phương tiện mặc dù không bị sự cố kỹ thuật nhưng vẫn lợi dụng bật đèn khẩn cấp để dừng, đỗ xe ở những tuyến đường có biển cấm phương tiện dừng, đỗ là vi phạm quy định tại Điểm e Khoản 3 Điều 5 Mục 1 Chương II Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ và bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng với hành vi đỗ xe tại nơi có biển "Cấm đỗ xe" hoặc biển "Cấm dừng xe và đỗ xe".

Do vậy, lái xe không nên sử dụng đèn khẩn cấp “vô tội vạ” vừa tránh gây nguy hiểm cho người khác, đồng thời cũng tránh bị phạt vi phạm hành chính./.

 

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực