Ô tô nổ lốp gây tai nạn có phải bồi thường?

Thứ ba, 17/05/2022 15:22
(ĐCSVN) - Bạn đọc Lương Thị Mai, sống tại thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh hỏi: Tháng trước chồng tôi điều khiển xe tải đi đúng luật trên cao tốc Hà Nội - Lào Cai nhưng bất ngờ xe bị nổ lốp gây thương tích cho 2 người khác đi xe máy. Xin hỏi gia đình tôi có phải bồi thường hay không?

Trả lời:

Theo Luật sư Trương Anh Tuấn, đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, tai nạn, sự cố khi tham gia giao thông là sự việc rủi ro, bất ngờ xảy ra khi phương tiện giao thông đang di chuyển trên các tuyến gây thiệt hại đến tính mạng, sức khoẻ con người, tài sản và phương tiện.

Theo Khoản 1 Điều 601 Mục 3 Chương XX Bộ luật Dân sự năm 2015 (Luật số: 91/2015/QH13, ngày 24 tháng 11 năm 2015) thì nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải vận hành, sử dụng, bảo quản, trông giữ, vận chuyển nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng quy định của pháp luật.

 Ngày 13/6/2020, trên địa bàn huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông đã xảy ra một vụ tai nạn nghiêm trọng. Nguyên nhân ban đầu được xác định là xe tải bị nổ lốp, lao thẳng vào chợ dân sinh tại thời điểm người dân bắt đầu đi chợ sáng sớm. (Ảnh minh hoạ, nguồn Báo Tuổi trẻ)

Trường hợp của chồng bạn được xác định là thiệt hại do tự thân phương tiện giao thông (xe tải - nguồn nguy hiểm cao độ) gây ra, không phụ thuộc vào ý chí của con người.

Bên cạnh đó, theo Khoản 3 Điều 601 Bộ luật Dân sự năm 2015, chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp sau đây: Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại; Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Do đó, theo Luật sư Tuấn, nếu không rơi vào các trường hợp trên thì chồng bạn phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại. Tuỳ tình huống cụ thể mà xác định các thiệt hại mà mức độ thiệt hại cần bồi thường.

Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm (theo Điều 590 Mục 2 Chương XX Bộ luật Dân sự năm 2015) bao gồm: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại...; Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị...; Thiệt hại khác do luật quy định.

Cạnh đó, chồng bạn còn phải bồi thường thiệt hại một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người bị thiệt hại gánh chịu. Mức bồi thường này do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá 50 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định (hiện là 1,49 triệu đồng/tháng theo Nghị định 38/2019/NĐ-CP ngày 09 tháng 5 năm 2019, được thực hiện từ ngày 1 tháng 7 năm 2019).

Ngoài ra, cũng có thể phải bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm (theo Điều 589 Mục 2 Chương XX Bộ luật Dân sự năm 2015), cụ thể ở đây là chiếc xe máy.

Nguyên tắc bồi thường thiệt hại:

- Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

- Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.

Các bên có thể thỏa thuận về việc bồi thường thiệt hại, nếu chưa đạt được sự thống nhất thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết theo luật định.

Luật sư Tuấn cũng nhấn mạnh, khi xem xét các nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông chúng ta không thể không kể đến nguyên nhân khách quan liên quan đến cơ sở hạ tầng, chất lượng của các phương tiện tham gia giao thông, văn hóa tham gia giao thông, ảnh hưởng của thời tiết như mưa bão, lũ lụt…, và nguyên nhân chủ quan là yếu tố con người (ý thức tham gia giao thông, thường xuyên chủ động kiểm tra tình trạng an toàn kỹ thuật của phương tiện…)./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực