Ống thổi kiểm tra nồng độ cồn có được dùng chung?

Thứ bảy, 09/03/2024 10:56
(ĐCSVN) - "Hiện lực lượng chức năng vẫn duy trì công tác kiểm tra nồng độ cồn trên nhiều cung đường, tuyến đường, với bất cứ ai điều khiển phương tiện giao thông (ô tô, xe máy, xe đạp), thậm chí cả người đi bộ. Vậy người dân có quyền yêu cầu thay ống thổi mới và từ chối kiểm tra nếu dùng chung ống?", bạn đọc Nguyễn Bạch Tuyết, sống tại thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh hỏi.

Về nội dung này, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Trung tá Lê Công Tuấn, đội trưởng đội cảnh sát giao thông - trật tự, công an quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng cho biết, máy đo nồng độ cồn mà cảnh sát giao thông sử dụng được trang cấp bởi cơ quan chức năng với tem kiểm định an toàn kỹ thuật còn hiệu lực. Quy trình kiểm tra nồng độ cồn gồm 2 bước, kiểm tra định tính và kiểm tra định lượng.

Đối với kiểm tra định tính, tài xế chỉ cần nói hoặc thổi nhẹ vào thiết bị đo trong vài giây chứ không cần ngậm ống thổi. Nếu không phát hiện cồn trong hơi thở, tài xế sẽ tiếp tục lưu thông.

Nếu phát hiện có cồn trong hơi thở, tài xế sẽ được mời vào một khu vực để kiểm tra định lượng. Lúc này, tài xế sẽ được kiểm tra bằng máy dùng ống thổi.

“Hiện chưa có bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào quy định về việc người dân được quyền yêu cầu thay ống thổi mới khi kiểm tra nồng độ cồn. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn sức khỏe, y tế, tránh làm lây lan các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, người dân được quyền yêu cầu thay ống thổi mới khi tiến hành đo nồng độ cồn, còn ống cũ sẽ được thu gom xử lý theo quy định”, Trung tá Tuấn chia sẻ.

Mỗi người một ống thổi khi kiểm tra nồng độ cồn để đảm bảo an toàn, sức khỏe (Ảnh minh họa, nguồn: Vũ Phượng/Báo Thanh niên)

Xét ở góc độ pháp lý, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, luật sư Nguyễn Văn Kỹ (đoàn luật sư tỉnh Bắc Ninh) cho biết Điều 10, Điều 11 Chương II Thông tư 67/2019/TT-BCA ngày 28 tháng 11 năm 2019 quy định về thực hiện dân chủ trong công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông nêu rõ những việc Nhân dân giám sát Công an Nhân dân trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông bao gồm: Việc thi hành các quy định của pháp luật trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; Việc chấp hành quy định của Bộ Công an về quy tắc ứng xử của cán bộ, chiến sỹ khi làm nhiệm vụ; Việc Nhân dân giám sát Công an Nhân dân thực hiện các quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này phải khách quan, trung thực, đúng quy định của pháp luật, không được làm cản trở, ảnh hưởng đến việc thực thi nhiệm vụ của cán bộ, chiến sỹ.

Các hình thức giám sát của Nhân dân gồm có: Thông qua các thông tin công khai của Công an Nhân dân và phản hồi qua các phương tiện thông tin đại chúng; Thông qua các chủ thể giám sát theo quy định của pháp luật; Thông qua tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với cán bộ, chiến sỹ; Thông qua kết quả giải quyết các vụ việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; Thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp nhưng phải đảm bảo các điều kiện sau: a) Không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sỹ khi đang thực thi nhiệm vụ; b) Ngoài khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (đối với nơi có triển khai khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông); c) Tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan.

Đồng thời, nếu người dân không chấp hành việc kiểm tra nồng độ cồn có thể bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022), cụ thể:

- Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô, xe gắn máy sẽ bị phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng (nếu không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn theo quy định tại Điểm g Khoản 8 và Điểm g Khoản 10 Điều 6 Mục 1 Chương II Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

- Đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng (nếu không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn theo quy định tại Điểm b Khoản 10 và Điểm h Khoản 11 Điều 5 Mục 1 Chương II Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

“Người dân cần tiếp tục nghiêm chỉnh chấp hành các quy định pháp luật có liên quan tới đảm bảo trật tự an toàn giao thông, đồng thời có thái độ tích cực hợp tác với lực lượng chức năng trong quá trình tham gia giao thông, tránh các hậu quả không đáng có xảy ra”, luật sư Nguyễn Văn Kỹ nhấn mạnh/.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực