Trả lời:
Thông tư liên tịch 01/2021/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC có hiệu lực từ ngày 14/01/2022 sửa đổi, bổ sung Khoản 5 Điều 8 Thông tư liên tịch 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNNPTNT-VKSNDTC ngày 29/12/2017 quy định việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố như sau:
Theo đó, đối với tố giác, tin báo về hành vi phạm tội quả tang; tố giác, tin báo về hành vi phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc được dư luận xã hội quan tâm; tố giác, tin báo về tội phạm đã rõ người thực hiện hành vi phạm tội hoặc rõ người bị tố giác mà có căn cứ cho rằng người đó có thể bỏ trốn, có căn cứ và cần thiết phải áp dụng các biện pháp ngăn chặn thì Công an xã, phường, thị trấn, đồn Công an lập biên bản tiếp nhận, báo ngay bằng các hình thức liên lạc nhanh nhất cho cơ quan điều tra có thẩm quyền.
|
Viện kiểm sát Nhân dân cấp huyện trực tiếp kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố tại cơ quan cảnh sát điều tra. (Ảnh minh họa)
|
Tổ chức ngay lực lượng đến bảo vệ hiện trường, lấy lời khai người tố giác, báo tin về tội phạm, người bị tố giác, người bị hại, người làm chứng hoặc những người có liên quan; xác minh, làm rõ nhân thân, lai lịch của người bị tố giác, bị hại và những người có liên quan; phát hiện, tạm giữ, bảo quản tài liệu, đồ vật có liên quan đến hành vi có dấu hiệu tội phạm và chuyển tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho cơ quan điều tra có thẩm quyền trong thời hạn không quá 24 giờ kể từ khi tiếp nhận; đối với các xã ở vùng rừng núi xa xôi, hẻo lánh, hải đảo, điều kiện đi lại khó khăn thì thời hạn chuyển tố giác, tin báo về tội phạm không quá 48 giờ kể từ khi tiếp nhận.
Đối với tố giác, tin báo về tội phạm không thuộc trường hợp quy định tại Điểm a Khoản này thì Công an xã, phường, thị trấn, đồn Công an lập biên bản tiếp nhận, lấy lời khai của người tố giác, báo tin về tội phạm, lấy lời khai người bị tố giác, người bị hại, người làm chứng và những người có liên quan; có mặt kiểm tra, xác định nơi xảy ra vụ việc, vẽ sơ đồ nơi xảy ra vụ việc, bảo vệ hiện trường; xác minh, làm rõ nhân thân, lai lịch của người bị tố giác, bị hại và những người có liên quan; xác minh sơ bộ thông tin về hậu quả thiệt hại; phát hiện, tạm giữ, bảo quản tài liệu, đồ vật có liên quan đến hành vi có dấu hiệu tội phạm và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền. Thời hạn kể từ khi tiếp nhận đến khi chuyển tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho cơ quan điều tra có thẩm quyền không quá 07 ngày.
Trong quá trình xử lý tố giác, tin báo về tội phạm quy định tại điểm này mà có căn cứ xác định tố giác, tin báo về tội phạm thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này thì Công an xã, phường, thị trấn, đồn Công an thực hiện theo quy định tại Điểm a Khoản này.
Trạm Công an khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm thì lập biên bản tiếp nhận và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho cơ quan điều tra có thẩm quyền trong thời hạn không quá 24 giờ kể từ khi tiếp nhận.
Trường hợp khẩn cấp, cấp bách, cần ngăn chặn ngay tội phạm hoặc cần tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám xét hoặc trưng cầu giám định ngay thì Công an xã, phường, thị trấn, đồn Công an, trạm Công an phải báo ngay đến cơ quan điều tra có thẩm quyền bằng hình thức liên lạc nhanh nhất và thực hiện các biện pháp xử lý kịp thời theo quy định của Thông tư liên tịch này.
Cơ quan cảnh sát điều tra Công an cấp huyện chủ trì, phối hợp với Viện Kiểm sát Nhân dân cấp huyện hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện hoạt động kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm của Công an xã, phường, thị trấn, đồn Công an./.