Quyền của người sử dụng đất sau khi bị trưng dụng?

Thứ sáu, 09/12/2022 17:04
(ĐCSVN) - Bạn đọc Nguyễn Thị Nguyệt, tỉnh Yên Bái hỏi: Ủy ban Nhân dân huyện vừa có văn bản trưng dụng hơn 2.000 m2 vườn trồng cây ăn quả của gia đình tôi (có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hợp pháp) để làm khu vực hậu cần nhằm đối phó với tình hình thời tiết mưa to, nguy cơ sạt lở, lũ ống lũ quét có thể xảy ra. Vậy quyền sử dụng đất của bố mẹ tôi có bị ảnh hưởng?

Trao đổi với phóng viên, luật sư Trương Anh Tuấn, đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình trạng “bão chồng bão,” “lũ chồng lũ” đã tác động đến hầu hết các hoạt động kinh tế xã hội, thiết chế hạ tầng ở tất cả các tuyến từ vùng biển đến đồng bằng, trung du và khu vực miền núi gây thiệt hai tài sản, tính mạng và gây xáo trộn đời sống sinh hoạt của người dân.

Trách nhiệm của cả cộng đồng là chung tay đùm bọc, giúp đỡ nhau, tích cực hợp tác với lực lượng chức năng trong quá trình đối phó, ứng phó với thiên tai, địch họa.

Điểm c Khoản 1 Điều 29 Mục 2 Chương II Luật Phòng, chống thiên tai (Luật số: 33/2013/QH13, ngày 19 tháng 6 năm 2013) nêu rõ quá trình tìm kiếm, cứu nạn trong ứng phó thiên tai, lực lượng chức năng có quyền lập các trạm cấp cứu tạm thời hoặc trưng dụng có thời hạn trụ sở cơ quan, trường học, cơ sở y tế tại khu vực có thiên tai để tiếp nhận cấp cứu người bị nạn.

Căn cứ Điều 72 Mục 1 Chương XVI Luật Đất đai 2013 (Luật số: 45/2013/QH13, ngày 29 tháng 11 năm 2013) quy định về trưng dụng đất như sau:

- Nhà nước trưng dụng đất trong trường hợp thật cần thiết để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh hoặc trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai.

- Quyết định trưng dụng đất phải được thể hiện bằng văn bản; trường hợp khẩn cấp không thể ra quyết định bằng văn bản thì người có thẩm quyền được quyết định trưng dụng đất bằng lời nói nhưng phải viết giấy xác nhận việc quyết định trưng dụng đất ngay tại thời điểm trưng dụng. Quyết định trưng dụng đất có hiệu lực thi hành kể từ thời điểm ban hành.

 Ảnh minh họa: Ý Nhi.

Chậm nhất là 48 giờ, kể từ thời điểm quyết định trưng dụng đất bằng lời nói, cơ quan của người đã quyết định trưng dụng đất bằng lời nói có trách nhiệm xác nhận bằng văn bản việc trưng dụng đất và gửi cho người có đất trưng dụng.

- Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp huyện có thẩm quyền quyết định trưng dụng đất, quyết định gia hạn trưng dụng đất. Người có thẩm quyền trưng dụng đất không được phân cấp thẩm quyền cho người khác.

- Thời hạn trưng dụng đất là không quá 30 ngày kể từ khi quyết định trưng dụng có hiệu lực thi hành. Trường hợp trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp thì thời hạn trưng dụng được tính từ ngày ra quyết định đến không quá 30 ngày kể từ ngày bãi bỏ tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

Trường hợp hết thời hạn trưng dụng đất mà mục đích của việc trưng dụng chưa hoàn thành thì được gia hạn nhưng không quá 30 ngày. Quyết định gia hạn trưng dụng đất phải được thể hiện bằng văn bản và gửi cho người có đất trưng dụng trước khi kết thúc thời hạn trưng dụng.

- Người có đất trưng dụng phải chấp hành quyết định trưng dụng. Trường hợp quyết định trưng dụng đất đã được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật mà người có đất trưng dụng không chấp hành thì người quyết định trưng dụng đất ra quyết định cưỡng chế thi hành và tổ chức cưỡng chế thi hành hoặc giao cho Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện nơi có đất trưng dụng tổ chức cưỡng chế thi hành.

- Người có thẩm quyền trưng dụng đất có trách nhiệm giao cho tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng đất trưng dụng đúng mục đích, hiệu quả; hoàn trả đất khi hết thời hạn trưng dụng; bồi thường thiệt hại do việc trưng dụng đất gây ra.

“Điều 4 Chương I Luật đất đai năm 2013 (Luật số: 45/2013/QH13, ngày 29 tháng 11 năm 2013) quy định: Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của Luật này. Do đó, việc UBND huyện trưng dụng mảnh vườn nói trên là hoàn toàn phù hợp”, luật sư Tuấn phân tích.

Điều 53 Chương III Hiến pháp năm 2013 (được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 28 tháng 11 năm 2013) nêu rõ: Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực quan trọng phát triển đất nước, được quản lý theo pháp luật. Quyền sử dụng đất được pháp luật bảo hộ. Nhà nước trưng dụng đất trong trường hợp thật cần thiết do luật định để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh hoặc trong tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai.

Ngoài ra, tùy thuộc vào số lượng, chất lượng, kỳ thu hoạch… của loại cây trồng trên mảnh vườn mà pháp luật cũng quy định, việc bồi thường thiệt hại do việc trưng dụng đất gây ra thực hiện theo quy định sau đây:

+ Người có đất trưng dụng được bồi thường thiệt hại trong trường hợp đất trưng dụng bị hủy hoại; trường hợp người có đất trưng dụng bị thiệt hại về thu nhập do việc trưng dụng đất trực tiếp gây ra;

+ Trường hợp đất trưng dụng bị hủy hoại thì việc bồi thường được thực hiện bằng tiền theo giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên thị trường tại thời điểm thanh toán;

+ Trường hợp người có đất trưng dụng bị thiệt hại về thu nhập do việc trưng dụng đất trực tiếp gây ra thì mức bồi thường được xác định căn cứ vào mức thiệt hại thu nhập thực tế tính từ ngày giao đất trưng dụng đến ngày hoàn trả đất trưng dụng được ghi trong quyết định hoàn trả đất trưng dụng.

Mức thiệt hại thu nhập thực tế phải phù hợp với thu nhập do đất trưng dụng mang lại trong điều kiện bình thường trước thời điểm trưng dụng đất.

+ Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện nơi có đất trưng dụng thành lập Hội đồng để xác định mức bồi thường thiệt hại do thực hiện trưng dụng đất gây ra trên cơ sở văn bản kê khai của người sử dụng đất và hồ sơ địa chính. Căn cứ vào mức bồi thường thiệt hại do Hội đồng xác định, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện quyết định mức bồi thường.

+ Tiền bồi thường thiệt hại do việc trưng dụng đất gây ra được ngân sách nhà nước chi trả một lần, trực tiếp cho người có đất trưng dụng trong thời hạn không quá 30 ngày, kể từ ngày hoàn trả đất.

Căn cứ Khoản 4, Khoản 6 Điều 72 Mục 1 Chương XVI Luật Đất đai 2013 thì việc trưng dụng đất (mảnh vườn trồng cây) không dẫn đến việc chấm dứt quyền sử dụng đất (không bị mất quyền sử dụng đất), bởi vì chỉ trưng dụng trong một thời hạn nhất định và sẽ hoàn trả, bồi thường thiệt hại sau khi trưng dụng đất.

“Chung tay xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai là điều cần thiết, vì sự phát triển bền vững. Các cơ quan chức năng cần tiếp tục tuyên truyền sâu rộng các quy định pháp luật, kiến thức về phòng, chống thiên tai cho người dân, tạo được sự đồng thuận, ý thức chủ động của Nhân dân trong phòng, chống thiên tai trên tinh thần phương châm 4 tại chỗ”, luật sư Tuấn nhấn mạnh./.

 

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực