Bán lẻ xăng dầu qua thùng, can, chai... có bị xử phạt?

Thứ hai, 07/11/2022 22:02
(ĐCSVN) - Trước những diễn biến phức tạp, khó khăn về nguồn cung và giá cả xăng dầu trên thế giới cũng như trong nước, ngày 4/11, Bộ Công Thương đã có các công văn gửi một số bộ, ngành, đơn vị và Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố đề nghị tăng cường các biện pháp hỗ trợ nhằm bảo đảm nguồn cung ứng xăng dầu cho thị trường nội địa.

Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng ban hành Chỉ thị 09/CT-BCT ngày 04 tháng 11 năm 2022 chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường cả nước phối hợp các cơ quan chức năng tại địa bàn trong đó có nội dung: Kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu, đặc biệt là các hành vi găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung xăng dầu; hành vi bán xăng dầu có các cột bơm mini, trụ bơm lắc tay, qua thùng, can, chai và các dụng cụ chứa đựng khác, trừ trường hợp thương nhân là hộ kinh doanh, trạm cấp phát xăng dầu thuộc lực lượng vũ trang thuộc địa bàn miền núi, vùng cao theo quy định của pháp luật đã được UBND tỉnh, thành phố cho phép làm đại lý bán lẻ xăng dầu với quy mô, trang thiết bị phù hợp với điều kiện kinh doanh xăng dầu ở khu vực đó….

Chỉ đạo trên là cần thiết và theo đúng quy định trong Nghị định của Chính phủ nhằm đảm bảo ổn định thị trường xăng dầu trong nước, đảm bảo quyền lợi cho người dân, doanh nghiệp, tránh tình trạng đầu cơ, trục lợi, bán hàng sai quy định, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn về cháy nổ...

 Nhiều doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh (Ảnh: Quang Thành)

Tuy nhiên, những ngày gần đây, trên mạng xã hội đã có một số bài viết, thông tin mang tính suy diễn, hiểu sai về quy định xử lý mua bán xăng dầu bằng thùng, can, chai gây hoang mang dư luận.

Xét về góc độ pháp lý, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, luật sư Trương Anh Tuấn, đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết hiện chưa có quy định cấm người tiêu dùng mua xăng dầu bằng thùng, bằng chai, bằng can đem về. Xăng dầu không chỉ phục vụ nhu cầu về phương tiện đi lại như xe ô tô, xe máy… mà nhiều hộ kinh doanh nhỏ lẻ dùng cho việc vận hành máy xay sát tại nhà, chạy ghe, thuyền tại vùng sông nước cũng như nhiều loại động cơ khác… “Pháp luật không quy định là các cây xăng chỉ bán cho người tham gia giao thông, người dân có thể mua xăng đựng vào các dụng cụ, thiết bị khác và không bị hạn chế số lượng. Xăng, dầu mua về sử dụng thì không phải đầu cơ. Bởi, hành vi đầu cơ được xác định là hành vi mua tích trữ để bán giá cao kiếm lời. Còn người dân mua tích trữ để sử dụng dần thì không vi phạm pháp luật. Trường hợp cây xăng không bán cho người mang can thì cây xăng sẽ bị xử phạt hành chính”, luật sư Tuấn nhận định.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 35 Mục 2 Chương III Nghị định 99/2020/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2020 (có hiệu lực thi hành từ ngày 11 tháng 10 năm 2020), xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực dầu khí nêu rõ: “Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi bán xăng dầu qua các cột bơm mini, trụ bơm lắc tay, qua thùng, can chai và các dụng cụ chứa đựng khác trừ thương nhân là hộ kinh doanh, trạm cấp phát xăng dầu thuộc lực lượng vũ trang (quốc phòng, công an) thuộc địa bàn miền núi, vùng cao theo quy định của pháp luật được UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cho phép làm đại lý bán lẻ xăng dầu với quy mô, trang thiết bị phù hợp với điều kiện kinh doanh xăng dầu ở khu vực đó”.

Một số người nhầm tưởng hành vi mua xăng dầu qua thùng, can, chai là hành vi bị cấm. Tuy nhiên, quy định này chỉ áp dụng với cây xăng (thương nhân kinh doanh xăng dầu).

Việc kinh doanh xăng dầu phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, thiết kế, xây dựng cửa hàng xăng dầu phải đảm bảo yêu cầu theo quy định tại quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành như: thiết kế cửa hàng, phương tiện phòng cháy chữa cháy cho nhà và công trình... Do đó, khi bán hàng qua can, thùng, trụ xăng mini thường không đảm bảo an toàn cháy nổ, không tuân theo những tiêu chuẩn đảm bảo quy định của pháp luật đối với kinh doanh xăng dầu - mặt hàng kinh doanh có điều kiện.

Tuy nhiên, xăng dầu là mặt hàng đặc biệt và là ngành kinh doanh có điều kiện, do đó việc kinh doanh, buôn bán xăng dầu phải tuân thủ quy định của pháp luật, nghĩa là có đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước và được cấp phép. Mặt khác, người kinh doanh buôn bán, vận chuyển xăng dầu phải đáp ứng nhiều quy định về kho chứa, phòng cháy, chữa cháy, nhân viên… Do vậy, việc bán xăng dầu bằng trụ cột bơm mini, can, thùng, nhựa là không được phép vì không có quy định.

Hơn nữa, việc tích trữ xăng dầu vào thùng, can, chai tại gia đình cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ cháy, nổ cho gia đình và cộng đồng. Đồng thời, xăng dầu rất khó bảo quản vì dễ bay hơi, biến chất sau một thời gian nhất định.

Ngoài ra, việc tích trữ xăng dầu không những gây nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng của bản thân, gia đình và xã hội mà còn có thể bị xử lý hành chính hoặc chịu trách nhiệm hình sự nếu chẳng may xảy ra cháy nổ, gây thiệt hại...

Theo Khoản 4 Điều 32 Nghị định 144/2021/NĐ-CP (Số: 144/2021/NĐ-CP, ngày 31 tháng 12 năm 2021) quy định rõ: Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với cá nhân có hành vi tàng trữ trái phép chất, hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ, trong khi nếu tổ chức vi phạm sẽ chịu mức phạt tiền gấp 02 lần.

Cùng với đó, hành vi tàng trữ xăng dầu có thể chịu trách nhiệm về tội "Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy" theo quy định tại Điều 313 Mục 3 Chương XXI Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 (Số: 100/2015/QH13, ngày 27 tháng 11 năm 2015).

Về trách nhiệm hình sự, tùy theo mức độ thiệt hại về người và tài sản, người vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy có thể bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm.

Theo Luật Phòng cháy chữa cháy 2001 (sửa đổi bổ sung năm 2013), việc sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép chất nguy hiểm về cháy, nổ là hành vi bị nghiêm cấm. Nếu tích trữ, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Luật sư Tuấn khẳng định, văn bản chỉ đạo của Bộ Công Thương nêu rõ là chỉ xử lý đối với hành vi bán xăng dầu qua các cột bơm mini, trụ bơm lắc tay, qua thùng, can chai và các dụng cụ chứa đựng khác, chứ không phải hành vi mua xăng bằng can, chai, thùng và các vật chứa khác.

Việc hiểu chưa đúng, hoặc cố tình hiểu sai có thể dẫn dắt dư luận đi theo hướng suy diễn khác, chỉ trích phê phán, phủ nhận những cố gắng nỗ lực của cơ quan chức năng trong việc đảm bảo thị trường, thậm chí gây hoang mang dư luận xã hội.

Trước đó, ngày 2/11/2022, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký Công điện 1039/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tiếp tục chủ động bám sát diễn biến thị trường và quy định pháp luật trong công tác quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu để sớm khắc phục tình trạng nêu trên; bảo đảm nguồn cung xăng dầu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân trong mọi tình huống.

Chủ động bám sát diễn biến thị trường và quy định pháp luật trong công tác quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu để sớm khắc phục tình trạng nêu trên; bảo đảm nguồn cung xăng dầu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân trong mọi tình huống…

Bộ Thông tin và Truyền thông bảo đảm cung cấp kịp thời, khách quan, trung thực các thông tin liên quan đến xăng dầu, phản ánh tổng thể tình hình thị trường xăng dầu trên thế giới và trong nước.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh của các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn theo quy định; yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn cam kết thực hiện nghiêm quy định tại Nghị định 83/2014/NĐ-CP và Nghị định95/2021/NĐ-CP; thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn, việc tuân thủ quy định về niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, thời gian đăng ký bán xăng dầu...; trường hợp phát hiện có sai phạm, xử lý nghiêm theo quy định./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực