Cần ngăn chặn hành vi đăng tải hình ảnh người khác lên mạng xã hội với mục đích xấu

Thứ sáu, 27/05/2022 16:56
(ĐCSVN) – Thời gian gần đây, trên một số diễn đàn, mạng xã hội tiếp tục xuất hiện tình trạng hình ảnh cá nhân bị đăng tải với mục đích xấu, gây nhiều hệ lụy, ảnh hưởng nghiêm trọng tới danh dự, uy tín của cá nhân. Tuy nhiên, không phải ai cũng nắm rõ những quy định cụ thể của pháp luật liên quan đến vấn đề này.

Liên quan đến hành vi đăng tải hình ảnh người khác lên mạng xã hội với mục đích xấu, nhiều bạn đọc Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đặt câu hỏi về trách nhiệm cá nhân liên quan khi cơ quan chức năng xác định rõ sai phạm; Những đối tượng thực hiện hành vi này sẽ phải chịu trách nhiệm như thế nào trước pháp luật? Bản thân mỗi cá nhân có thể làm gì để bảo vệ hình ảnh của mình, tránh bị lợi dụng để các đối tượng sử dụng với mục đích xấu?

Trao đổi với chúng tôi về những câu hỏi này, luật sư Hoàng Dương, đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, pháp luật đã có những quy định cụ thể liên quan đến những trường hợp được phép hoặc không được phép sử dụng hình ảnh của cá nhân vì một số mục đích khác nhau. 

 Việc sử dụng hình ảnh người khác khi thực hiện đăng tải trên MXH phải được thực hiện đúng quy định pháp luật. (Nguồn: laodong.vn).

Theo khoản 2, điều 32, mục 2, chương III, Bộ Luật Dân sự 2015 quy định 2 trường hợp cá nhân, tổ chức có thể sử dụng hình ảnh của người khác mà không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ, bao gồm: Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì lợi ích công cộng và hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.

 Việc sử dụng các hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Và việc sử dụng những hình ảnh của người khác phục vụ  mục đích thương mại phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Đấy là những quyền nhân thân cơ bản được Bộ luật Dân sự quy định.

Trường hợp người sử dụng hình ảnh của người khác nhằm mục đích xấu, làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh, theo luật sư Dương, trong trường hợp này, người vi phạm trước hết phải chấm dứt ngay hành vi vi phạm, phải công khai xin lỗi bồi thường thiệt hại.

Đối với trường hợp sử dụng hình ảnh đó nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác sẽ bị các cơ quan chức năng xử phạt hành chính theo quy định tại điểm e, khoản 3, điều 102, mục 4, chương V, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.. Theo đó, mức xử phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi này.

Trường hợp cơ quan có thẩm quyền xác định hành vi đó gây ảnh hưởng lớn đến xã hội, nguy hiểm cho xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến người bị sử dụng hình ảnh, các cơ quan chức năng có thể xem xét xử lý hành vi này theo quy định của Bộ luật Hình sự.

 Điều 155, chương XIV, Bộ luật Hình sự năm 2015 có quy định về các tội làm nhục người khác. Đối với tội danh này, khung hình phạt cao nhất lên đến 5 năm tù. Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

 Ngoài ra, hành vi cắt ghép hình ảnh người khác cũng có thể thỏa mãn một tội danh khác, tội vu khống nếu người vi phạm cố tình sử dụng những hình ảnh của người khác để vu khống cho họ làm một hành động nào đó mà không có thật. Trong trường hợp này, nếu cơ quan chức năng đủ căn cứ để chứng minh thì người cắt ghép, sử dụng hình ảnh đó có thể bị xử lý theo quy định tại Điều 156, chương XIV, Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội vu khống. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng- 1 năm. Cụ thể: Bịa đặt, loan truyền những điều mà mình biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp, người khác. Đối với tội danh này hình phạt cao nhất theo quy định là 7 năm tù. Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000-500000 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề, hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Theo luật sư Hoàng Dương, khi cá nhân phát hiện bản thân hoặc người thân gặp trường hợp nêu trên cần nhanh chóng trình báo cũng như phối hợp với cơ quan chức năng kịp thời xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định./.

Trường Quân (ghi)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực