Cần xử nghiêm đối tượng xúi giục trẻ em sử dụng ma túy

Thứ năm, 30/03/2023 19:04
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Theo luật gia, cưỡng ép trẻ em sử dụng chất ma túy là hành vi phi đạo đức, vi phạm pháp luật hình sự, phải chịu chế tài nghiêm khắc của pháp luật. Hành vi trên là không thể tha thứ, mất tính người, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Cụ thể, khoảng 10h30 ngày 24/3, Công an TP HCM cho biết việc tiếp nhận, giải quyết tin báo về tội phạm của anh T.M.T (30 tuổi, trú tại quận Tân Bình) phát hiện các clip ghi lại cảnh con ruột là cháu T.N.A.T (3 tuổi) mặc bỉm ở cạnh người đàn ông có nhiều hình xăm, có dấu hiệu bị bạo hành và dụ dỗ, xúi giục sử dụng trái phép chất ma túy tại địa chỉ số 50/9 Hậu Lân, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn.

Do mâu thuẫn nên từ năm 2021, vợ anh T là N.T.N (23 tuổi, trú tại quận Tân Bình) mang theo 2 con gồm cháu T.N.A.N (5 tuổi) và T.N.A.T (3 tuổi) bỏ đi và chung sống như vợ chồng với Lê Văn Bậm (44 tuổi, trú tại quận 10).

Sau khi các đoạn clip được phát tán trên mạng xã hội, Lê Văn Bậm và N.T.N đã xóa tài khoản Facebook, đưa cháu T.N.A.T bỏ trốn qua nhiều địa bàn. Công an huyện Hóc Môn đã đến địa điểm được cho là nơi bé trai đang ở, tuy nhiên đây là địa chỉ “ma”.

Trẻ em là đối tượng đặc biệt cần được quan tâm bảo vệ (Ảnh cắt từ clip vụ việc xảy ra tại thành phố Hồ Chí Minh) 

Sau gần 2 ngày khẩn trương truy xét, đến 15h30 ngày 26/3 đã phát hiện, bắt giữ đối tượng Lê Văn Bậm khi đang lẩn trốn tại địa chỉ số 181/10 đường 355 ấp Hậu, xã Tân An Hội, huyện Củ Chi. Khám xét nhanh chỗ ở của đối tượng phát hiện, thu giữ 0,21g Methamphetamine cùng dụng cụ sử dụng trái phép chất ma túy và một số tang vật khác có liên quan.

Xét nghiệm nhanh phát hiện Lê Văn Bậm và N.T.N dương tính với ma túy. Riêng cháu T.N.A.T âm tính với ma túy và đã được kiểm tra sức khỏe tại Bệnh viện Nhi đồng TP HCM với kết quả tình hình sức khỏe ổn định, chưa có dấu hiệu bất thường.

“Thật không thể tưởng tượng nổi ở xã hội hiện đại bây giờ vẫn có những hoàn cảnh, vụ việc như trên xảy ra. Cơ quan chức năng cần phải xử lý nghiêm để răn đe, đồng thời có những biện pháp kịp thời hỗ trợ cháu bé nạn nhân”, anh Nguyễn Kim Chính, 45 tuổi, sống tại thành phố Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ.

Còn bạn Lê Phượng Anh, sống tại thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ bày tỏ: “Đọc tin tức mà trong lòng thấy quá xót xa. Cháu bé bằng tuổi con mình thôi, không nghĩ người phụ nữ kia lại nỡ đối xử như vậy với đứa con dứt ruột sinh ra. Mong công an sớm điều tra làm rõ hành vi”.

Xét về góc độ pháp lý, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, luật gia Lê Huy Vinh, Công ty luật TNHH Trường Sơn (trụ sở tại thành phố Hà Nội) cho biết ma túy là chất gây nghiện và bị nhà nước cấm sử dụng. Người sử dụng trái phép chất ma túy sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, năng lực nhận thức, khả năng điều khiển hành vi, ảnh hưởng đến khả năng lao động, làm việc, khánh kiệt kinh tế và gây ra nhiều hậu quả nguy hại cho xã hội. Do đó, các quốc gia đều nghiêm cấm việc công dân sử dụng trái phép chất ma túy.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Chương I Luật Phòng, chống ma túy (Luật số: 73/2021/QH14, ngày 30 tháng 3 năm 2021), chất ma túy là chất gây nghiện, chất hướng thần được quy định rõ trong Nghị định 57/2022/NĐ-CP (Số: 57/2022/NĐ-CP, ngày 25 tháng 8 năm 2022). Nếu cá nhân/tổ chức sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, tổ chức sử dụng, ép buộc, dụ dỗ người khác sử dụng trái phép chất ma túy, chiếm đoạt trái phép chất ma túy sẽ bị xử lý hình sự.

Bên cạnh đó, Khoản 5 Điều 5 Chương I Luật Phòng, chống ma túy cũng quy định các hành vi bị nghiêm cấm: Sử dụng, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy; chứa chấp, hỗ trợ việc sử dụng trái phép chất ma túy.

Pháp luật quy định trẻ em là người dưới 16 tuổi, độ tuổi chưa phát triển đầy đủ về thể chất, tinh thần, đang trong quá trình hình thành nhân cách, là đối tượng đặc biệt, được nhà nước quan tâm và có những quy định pháp luật riêng để bảo vệ như Luật Trẻ em, Công ước quốc tế về Quyền trẻ em và các văn bản pháp luật có liên quan.

Theo quy định tại Khoản 9 Điều 6 Chương I Luật Trẻ em năm 2016 (Luật số: 102/2016/QH13, ngày 05 tháng 4 năm 2016), các hành vi bị cấm bao gồm: Bán cho trẻ em hoặc cho trẻ em sử dụng rượu, bia, thuốc lá và chất gây nghiện, chất kích thích khác, thực phẩm không bảo đảm an toàn, có hại cho trẻ em.

Với vụ việc cụ thể nói trên, theo luật gia Vinh, cưỡng ép trẻ em sử dụng chất ma túy là hành vi không thể chấp nhận được vì tác hại của ma túy đối với cơ thể trẻ em còn lớn hơn gấp nhiều lần đối với người đã thành niên. Hành vi nói trên là không thể tha thứ, mất tính người, gây bức xúc trong dư luận xã hội, vi phạm pháp luật hình sự đến mức phải chịu chế tài nghiêm khắc của pháp luật.

Trong trường hợp kết quả xác minh của cơ quan điều tra cho thấy đối tượng này đã cưỡng bức, ép buộc cháu bé còn rất nhỏ tuổi như vậy sử dụng chất ma túy thì đối tượng sẽ bị xử lý hình sự về tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy và khung hình phạt lên tới 20 năm tù theo quy định tại Điều 257 Chương XX Bộ luật Hình sự năm 2015 (Số: 100/2015/QH13, ngày 27 tháng 11 năm 2015), sửa đổi bổ sung năm 2017 do phạm tội đối với người dưới 13 tuổi.

Bên cạnh đó, cơ quan điều tra cũng cần xác minh, làm rõ có hay không các hành vi bạo hành, đối xử tàn ác đối với bé trai, để xem xét và xử lý về “Tội hành hạ người khác” với tình tiết định khung tăng nặng là phạm tội “đối với người dưới 16 tuổi”, khung hình phạt là phạt tù từ 01 năm đến 03 năm (Điểm a Khoản 2 Điều 140 Chương XIV Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017).

Ngoài ra, vai trò và trách nhiệm của người mẹ cũng cần được điều tra làm rõ. Nếu có sự “thông đồng”, cố ý cùng người tình thực hiện các hành vi vi phạm, thì người này cũng phải bị xử lý và chịu trách nhiệm pháp lý trong vai trò đồng phạm.

Nếu bị kết luận có các hành vi vi phạm thì người này sẽ thuộc trường hợp bị hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên theo quy định tại Khoản 1 Điều 85 Mục 1 Chương V Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 (Số: 52/2014/QH13, ngày 19 tháng 6 năm 2014) do xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.

“Vụ việc này tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh đối với các gia đình, cơ quan quản lý nhà nước liên quan tới trẻ em, phụ nữ… về trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ trẻ em, nhất là trong các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt (cha mẹ ly hôn, vướng tệ nạn xã hội…), đặt ra yêu cầu phải thường xuyên theo dõi, giám sát kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại, ngược đãi, bạo hành đối với các em, cũng như đảm bảo được các quyền lợi hợp pháp và chính đáng cho các em”, luật gia Vinh nhấn mạnh./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực