Công an huyện Bình Giang (Hải Dương) đã khởi tố bị can Phạm Văn Nhân ( sinh năm 1988) và Nhữ Văn Tân ( sinh năm 1990) lần lượt là chủ và quản lý quán karaoke BadBoy về tội “Chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy”.
Ngoài ra, Công an huyện Bình Giang cũng khởi tố 8 bị can khác cùng trú ở xã Cẩm Phúc (huyện Cẩm Giàng) về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”. Riêng bị can Nhữ Văn Tân bị khởi tố thêm tội “Mua bán trái phép chất ma túy”.
Trước đó, rạng sáng 25/7 Công an huyện Bình Giang phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hải Dương kiểm tra quán karaoke BadBoy, địa chỉ tại thôn Lương Phúc, xã Hùng Thắng, huyện Bình Giang đã phát hiện 48 đối tượng (26 nam, 22 nữ) tại các phòng hát có biểu hiện sử dụng trái phép chất ma túy. Kiểm tra nhanh, cảnh sát xác định có 43/48 đối tượng dương tính ma túy.
Theo quan điểm của Luật sư Lê Lưu Phú, Công ty luật TNHH Gia Nguyễn và cộng sự (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội), các hành vi vi phạm xảy ra trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp; thậm chí có những vụ xảy ra ngay trên các địa bàn đang thực hiện giãn cách xã hội. Do đó, những vi phạm cần phải được xử lý nghiêm minh để đảm bảo việc phòng, chống dịch tốt hơn.
Cụ thể, với vụ việc xảy ra ở thôn Lương Phúc, xã Hùng Thắng, huyện Bình Giang (Hải Dương), theo luật pháp hiện hành sẽ bị xử lý như sau:
Trường hợp chủ quán karaoke không biết khách sử dụng ma túy: Nếu như trong trường hợp khách sử dụng chất ma túy mà chủ quán không biết hoặc cơ quan chức năng không thể chứng minh được điều đó thì chủ quán sẽ bị xử phạt hành chính.
|
Các đối tượng tổ chức tiệc ma túy trong quán karaoke BadBoy. (Ảnh: Công an Hải Dương) |
Theo điểm a khoản 4 Điều 21 Nghị định 167/2013 ngày 12/11/2013 của Chính phủ: Phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng nếu người chủ hoặc người có trách nhiệm quản lý để cho người khác lợi dụng sử dụng chất ma túy trong khu vực, phương tiện của mình quản lý.
Như vậy, chủ quán karaoke sẽ bị xử phạt hành chính ngay cả khi không biết về việc có hay không có hành vi sử dụng ma túy tại cơ sở do mình quản lý.
Do đó, dù có thực hiện đúng các quy định cho thuê phòng karaoke nhưng việc để khách lợi dụng cơ sở mình quản lý để sử dụng ma túy thì chủ quán karaoke sẽ bị xử phạt hành chính từ 5 - 10 triệu đồng.
Trường hợp chủ quán biết mà vẫn để khách dùng ma túy: Nếu chủ quán biết việc sử dụng ma túy mà vẫn cho khách đến thuê phòng để sử dụng ma túy, hoặc tổ chức cho người khác sử dụng ma túy, thì có dấu hiệu của" Tội chức sử dụng trái phép chất ma túy" (Điều 255 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017).
Trong trường hợp phạm tội nhiều lần: Tổ chức sử dụng ma túy cho nhiều người sử dụng, người chưa thành niên, phụ nữ có thai…thì mức phạt có thể lên đến 15 năm tù. Nếu gây tổn hại cho sức khoẻ của 2 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên hoặc làm chết 2 người trở lên thì hình phạt tù từ 20 năm đến chung thân.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền đến 500 triệu đồng, cấm đi khỏi nơi cư trú từ 1 đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Đồng thời, nếu phát hiện chủ quán có hành vi bán, cung cấp ma túy cho khách sử dụng thì còn có thể bị truy cứu tội mua bán trái phép chất ma túy được quy định tại Điều 251 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi 2017.
Trách nhiệm chứng minh chủ quán karaoke có biết khách sử dụng ma túy hay không thuộc về cơ quan điều tra. Tùy vào việc chủ quán có biết hay không mà xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.
Đối với những cá nhân tụ tập đông người để hát hò, sử dụng ma túy tại quán karaoke BadBoy sẽ bị xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy được quy định tại Khoản 1 Điều 21 Nghị định 167/2013 của Chính phủ
Đặc biệt, trong thời điểm dịch bệnh như hiện nay hoạt động quán hát trên còn vi phạm quy định về phòng chống dịch, vi phạm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, hoặc lệnh phong tỏa, giãn cách (tại địa phương đang áp dụng) thì sẽ bị xử lý đối với hành vi không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng để phòng, chống dịch. Theo đó mức xử phạt tối đa 20 triệu đồng với cá nhân, 40 triệu đồng với tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều 4; điểm c khoản 3 Điều 12 Nghị định 117/2020 ngày 28/9/2020 của Chính phủ.
Đối với chủ và quản lý quán karaoke BadBoy nếu quán hát hoạt động khi địa phương đã có quyết định tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh để phòng, chống COVID-19, gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh thì có thể bị xem xét xử lý theo Điều 295 Bộ luật Hình sự về "Tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người".