Cây xanh gãy đổ gây thiệt hại tài sản và trách nhiệm bồi thường?

Thứ năm, 22/09/2022 15:04
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Cây gãy đổ do mưa bão (lý do bất khả kháng) nên khó yêu cầu đơn vị quản lý cây xanh bồi thường. Do đó, để giảm tối đa thiệt hại cho người và phương tiện trong mùa mưa bão, cách tốt nhất và duy nhất là mua bảo hiểm ô tô.

Sau cơn mưa giông chiều 20/9, nhiều cây xanh trên các tuyến phố ở Hà Nội đã bị gãy đổ, đè trúng xe ô tô đỗ dưới lòng đường, gây hư hỏng khá nghiêm trọng. Vậy trong trường hợp này, trách nhiệm bồi thường thuộc về ai?

Xét về góc độ pháp lý, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, luật sư Trương Anh Tuấn, đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết, trước hết cần phải xác định vị trí ô tô đỗ có vi phạm luật hay không, ví dụ như tuyến đường có biển cấm dừng đỗ, hoặc có đỗ trên vỉa hè.

Nếu đỗ tại các vị trí kể trên, ngoài thiệt hại về tài sản, chủ xe còn bị xử lý về mặt hành chính do vi phạm các quy định về an toàn giao thông. Nếu đỗ xe đúng nơi quy định thì cần xem xét tới nhiều nguyên nhân khách quan khác.

leftcenterrightdel
 Tại khu vực ngã tư Hoàng Ngân - Hoàng Đạo Thúy, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội, chiếc xe ô tô Mazda bị cây phượng gãy đổ đè ngang thân khiến móp phần đầu, vỡ kính chắn gió (Ảnh: Đức Vinh)

Nếu cây xanh tự bật gốc (có thể do bị sâu ăn, thối rễ, không được chăm sóc chu đáo…), thì chủ cây xanh phải bồi thường. Chủ cây cũng có thể thuộc về các chủ đầu tư nếu cây nằm trong các khu dân cư mà chủ đầu tư chưa bàn giao dự án lại cho nhà nước quản lý.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, dù ghi nhận thiệt hại nhưng nạn nhân sẽ không được bồi thường nếu sự cố xảy ra do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng theo quy định tại Khoản 2 Điều 584 Mục 1 Chương XX Bộ luật Dân sự năm 2015 (luật số: 91/2015/QH13 ngày 24 tháng 11 năm 2015): “Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác”.

Theo Khoản 1 Điều 156 Mục 2 Chương X Bộ luật Dân sự năm 2015: Sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan làm cho chủ thể có quyền khởi kiện, quyền yêu cầu không thể khởi kiện, yêu cầu trong phạm vi thời hiệu. Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

Trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ dân sự của mình.

“Do đó, để xác định trường hợp cây xanh gãy đổ do mưa bão gây thiệt hại có phải là trường hợp bất khả kháng hay không, cần phải xác định xem cơ quan có trách nhiệm quản lý cây xanh đã áp dụng mọi biện pháp khắc phục phù hợp hay chưa (cắt tỉa cây khi có dự báo mưa bão, chặt hạ những cây, cành cây có nguy cơ gãy đổ…). Nếu họ đã thực hiện các biện pháp khắc phục phù hợp nhưng vẫn có thiệt hại xảy ra thì có thể coi đó là sự kiện bất khả kháng”, luật sư Tuấn cho biết.

Quy định pháp luật là như vậy, nhưng trên thực tế, để có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại sẽ không đơn giản bởi rất khó để xác định “chủ sở hữu” của những cây xanh trên phố.

Về danh nghĩa, những cây xanh công cộng thuộc sở hữu Nhà nước. Tuy nhiên, người dân không thể khởi kiện “Nhà nước” một cách chung chung để yêu cầu bồi thường. Trong khi đó, nếu người dân khởi kiện các công ty cây xanh để yêu cầu bồi thường thì cũng sẽ “vướng” bởi các công ty này chỉ là đơn vị quản lý chứ không phải chủ sở hữu, thế nên sẽ không phát sinh trách nhiệm bồi thường.

Theo luật sư Tuấn, với đặc điểm hạ tầng giao thông và văn hóa tham gia giao thông ở nước ta hiện nay, các chủ phương tiện xe cơ giới nên mua bảo hiểm.

Cụ thể, theo quy định tại Khoản 16 Điều 4 Chương 1 Luật kinh doanh bảo hiểm (luật số: 08/2022/QH15 ngày 16 tháng 6 năm 2022): “Hợp đồng bảo hiểm là sự thoả thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô, theo đó bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng”.

Như vậy, việc chịu trách nhiệm bồi thường và mức giá trị bồi thường cho chủ xe cơ giới phải thực hiện theo đúng quy định trong hợp đồng bảo hiểm đã được thỏa thuận và ký kết giữa chủ xe cơ giới và công ty bảo hiểm trước khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.

“Nếu trong hợp đồng bảo hiểm thiệt hại vật chất xe hai bên ký kết có thỏa thuận sự kiện xe bị hư hại do thiên tai là cơ sở để được bồi thường và không thuộc vào các trường hợp loại trừ bảo hiểm thì công ty bảo hiểm phải chịu trách nhiệm bồi thường khi sự kiện đó xảy ra”, luật sư Tuấn khẳng định.

Cụ thể, chi trả cho chủ xe trong trường hợp tai nạn bất ngờ, ngoài sự kiểm soát của chủ xe như: đâm va, lật, rơi; chìm; hỏa hoạn, cháy, nổ; bị các vật thể khác rơi, va chạm vào; các tai họa bất khả kháng do thiên nhiên: bão, lũ, sụt lở, sét đánh, động đất, mưa đá, sóng thần.

Mức phí gói này sẽ do bên công ty bảo hiểm tính toán, đàm phán với chủ xe (bên bảo hiểm sẽ căn cứ vào giá trị của xe ô tô để đưa ra mức phí). Như vậy, nếu xe ô tô bị hư hại do cây xanh đổ trúng thì bên bảo hiểm sẽ chi trả 100% chi phí sửa chữa xe. Còn nếu trường hợp vì nguyên nhân khác, nhân viên công ty bảo hiểm sẽ đàm phán với chủ xe, thống nhất mức chi trả.

Ngoài gói bảo hiểm nêu trên, khi mua xe ô tô, lái xe phải mua gói bảo hiểm bắt buộc "Trách nhiệm dân sự chủ xe". Đối với xe cá nhân không kinh doanh, dưới 6 chỗ ngồi thì chủ xe phải đóng 480.000 đồng/năm (bao gồm VAT), sẽ được hỗ trợ trong trường hợp thiệt hại về thân thể, tính mạng và tài sản đối với bên thứ 3 do xe cơ giới gây ra; thiệt hại về thân thể, tính mạng của hành khách theo hợp đồng vận chuyển hành khách do xe gây ra. Gói bảo hiểm hỗ trợ tối đa 100 triệu đồng/người/vụ; về tài sản cũng hỗ trợ tối đa 100 triệu đồng/vụ.

Để được thanh toán, sau khi ô tô gặp sự cố, chủ phương tiện cần gọi điện thông báo tới trung tâm hỗ trợ khách hàng, công ty bảo hiểm sẽ cử nhân viên tới ghi nhận thiệt hại và hướng dẫn thủ tục bảo hiểm cho chủ xe.

Trường hợp khi gặp sự cố, chủ phương tiện cũng có thể gọi lực lượng chức năng tới ghi nhận hiện trạng hoặc chụp hình lại hiện trạng sự cố, sau đó cho xe tới nơi sửa chữa. Công ty bảo hiểm sẽ căn cứ vào xác nhận của lực lượng chức năng hoặc hình ảnh hiện trạng khi xe gặp sự cố để thanh toán.

“Người tham gia giao thông cần lưu ý những diễn biến thời tiết bất lợi, tuân thủ luật giao thông đường bộ về quy định dừng đỗ, nên gửi xe vào những địa điểm dịch vụ trông giữ xe có quy mô, tiêu chuẩn và chuyên nghiệp, tránh tối đa các thiệt hại ngoài mong muốn”, luật sư Tuấn khuyến cáo./.

 

 

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực