Liên quan đến việc chế tạo và tàng trữ súng trái phép, chiều 9/3, Công an huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn cho biết, bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng chức năng địa phương phát hiện Hoàng Văn Tùng (SN 1989, trú tại thôn Đồng Bến, xã Cai Kinh, huyện Hữu Lũng) cùng 2 đối tượng khác đang có hành vi sản xuất, chế tạo đạn súng săn. Qua đó, cơ quan công an đã tổ chức khám xét, thu giữ tang vật gồm: 159 kg đạn chì được đóng trong 159 hộp nhựa dán kín; 3 bộ máy tự chế sản xuất súng săn cùng khoảng 700kg nguyên liệu chì dẻo, quặng chì dùng để sản xuất đạn súng săn.
|
Đối tượng Hoàng Văn Tùng tại Cơ quan công an cùng tang vật vụ án.
(Nguồn: cand.com.vn).
|
Tại cơ quan công an, các đối tượng khai nhận từ đầu tháng 2 năm 2022 đã lên mạng để mua nguyên liệu đạn chì, máy nén khí, máy cắt nhằm sản xuất đạn cho súng hơi, súng săn. Sau khi hoàn thành công đoạn sản xuất, các đối tượng rao bán trên mạng xã hội.
Nhìn nhận nội dung vụ việc trên, dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Tiến cho biết, pháp luật đã có những quy định cụ thể về việc chế tạo và tàng trữ súng đạn; trong đó bao gồm cả những hình thức xử lý đối với đối tượng vi phạm quy định này. Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 nêu rõ những đối tượng có thể được trang bị và sử dụng vũ khí, theo đó:
Đối với vũ khí quân dụng (điều 18, chương II, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017): Quân đội nhân dân; Dân quân tự vệ; Cảnh sát biển; Công an nhân dân; Cơ yếu; Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Kiểm lâm, Kiểm ngư; An ninh hàng không; Hải quan cửa khẩu, lực lượng chuyên trách chống buôn lậu của Hải quan.
Đối với vũ khí thể thao (điều 24, chương II, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017) quy định đối tượng được phép sử dụng như sau: Quân đội nhân dân; Dân quân tự vệ; Công an nhân dân; Câu lạc bộ, cơ sở đào tạo, huấn luyện thể thao có giấy phép hoạt động; Trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh; Cơ quan, tổ chức khác được thành lập, cấp phép hoạt động trong luyện tập, thi đấu thể thao.
Như vậy, đối tượng quy định có thể được trang bị và sử dụng vũ khí đã có. Do đó, mọi trường hợp không thuộc đối tượng có thể được trang bị và sử dụng vũ khí nêu trên là hoàn toàn trái luật, ngoài việc chịu trách nhiệm về xử lý hành chính, đối tượng vi phạm có thể sẽ phải chịu trách nhiệm truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về mức xử lý hành chính, căn cứ điểm a khoản 6 Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình,hành vi chế tạo và tàng trữ súng trái phép sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng. Ngoài ra, đối với hình thức xử phạt bổ sung, căn cứ điểm a khoản 8 điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, người vi phạm sẽ bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại Điểm c Khoản 1; Điểm b Khoản 2; Điểm d, đ, g Khoản 3; Điểm a, c, d Khoản 4; Khoản 5; Khoản 6 Điều này”.
Trường hợp khi có đủ yếu tố để truy cứu trách nhiệm hình sự, theo điều 306, Bộ Luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017, đối tượng vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm như sau: Phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm: Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt: Súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự như súng săn, vũ khí thể thao; công cụ hỗ trợ nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này; hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vật phạm pháp có số lượng lớn;
c) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
d) Làm chết người;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
g) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
h) Tái phạm nguy hiểm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Vật phạm pháp có số lượng rất lớn hoặc đặc biệt lớn;
b) Làm chết 02 người trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản 500.000.000 đồng trở lên.
Cùng với đó, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.
“Như vậy, trong trường hợp này, người có hành vi vi phạm có thể phải đối mặt với tội danh chế tạo và tàng trữ súng trái phép với các mức xử phạt, mức án đã được đề xuất ở trên. Để xác định cụ thể mức án chính xác cho đối tượng, cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào những tình tiết kèm theo hoặc tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ. Do đó, mọi công dân cần nắm rõ những quy định về cách thức, quy định liên quan đến chế tạo, sử dụng súng; tránh những rủi ro, thậm chí phải đối diện với hình thức xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật” – luật sư Đặng Văn Tiến phân tích thêm./.