Giả trang phục Công an Nhân dân bị xử lý ra sao?

Thứ hai, 20/06/2022 17:42
(ĐCSVN) - Tại cơ quan công an, chị H khai nhận là chủ một salon tóc, không công tác trong lực lượng công an nhưng đã sử dụng bộ trang phục Công an Nhân dân (cụ thể là cảnh sát giao thông) để livestream trên Tiktok vào các ngày 7 - 9/6/2022.

Trước đó, qua công tác nắm tình hình, công an thành phố Hà Nội phát hiện một tài khoản Tiktok đăng tải clip cô gái trẻ mặc trang phục Công an Nhân dân thu hút nhiều sự chú ý, đồng thời xác minh người này là T.D.H, SN 1989, trú tại phường Láng Thượng, quận Đống Đa.

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Luật gia Trần Thị Hằng, Công ty Luật TNHH Trường Sơn (trụ sở tại thành phố Hà Nội) cho biết đây là hành vi vi phạm pháp luật.

Cụ thể, theo Điều 20 Mục 1 Chương II Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình, cá nhân sử dụng trái phép trang phục Công an Nhân dân để chụp ảnh đăng Facebook, quay Tiktok câu like đã vi phạm quy định về quản lý, sử dụng trang phục, cấp hiệu, phù hiệu, số hiệu, giấy chứng minh Công an Nhân dân hoặc các giấy tờ khác dành riêng cho lực lượng Công an Nhân dân.

Đối tượng T.D.H tại cơ quan công an (bên trái) và hình ảnh đăng trên Tiktok
(Ảnh: công an cung cấp) 

Mức phạt hành vi này là từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng. Hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này.

Theo luật gia Hằng, nếu lực lượng chức năng có đủ cơ sở xác minh hành vi nêu trên đã sử dụng trái phép Cờ truyền thống, Công an hiệu, cấp hiệu, phù hiệu, trang phục Công an Nhân dân để giả danh Công an nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì chị H sẽ bị truy cứu, xử lý trách nhiệm hình sự theo Điều 174 Chương XVI Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cụ thể, người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các Điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; Tái phạm nguy hiểm; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; Dùng thủ đoạn xảo quyệt; Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các Điểm a, b, c và d Khoản 1 Điều này.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các Điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này; Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân: Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên; Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các Điểm a, b, c và d Khoản 1 Điều này; Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

Kể cả khi không có mục đích chiếm đoạt tài sản thì tùy vào tính chất, mức độ vi phạm trong từng trường hợp, người thực hiện có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác" theo Điều 339 Chương XXII Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) với mức phạt là cải tạo không giam giữ lên đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Tại Điều 191 Mục 1 Chương XVIII Bộ luật này cũng quy định người nào tàng trữ, vận chuyển hàng hóa mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng... thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Luật gia Hằng nhấn mạnh, quân phục, cảnh phục của lực lượng Công an Nhân dân là mặt hàng đặc thù, chỉ được sản xuất, cung cấp bởi các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang hay được Nhà nước sản xuất riêng và trang bị, cấp cho các đơn vị, cá nhân trong lực lượng vũ trang để thực thi nhiệm vụ. Tuy nhiên, có rất nhiều trường hợp sử dụng quân phục giống của Công an để đi lừa đảo, thậm chí có đối tượng còn mặc quần áo của cảnh sát cơ động để chặn xe, thu tiền người vi phạm luật giao thông khi không phải công an đã được các lực lượng chức năng phát hiện và bắt giữ.

Do vậy, người dân có nhiều cách để nhận diện các đối tượng giả danh cán bộ, chiến sĩ trong ngành như: quan sát thái độ, cách thể hiện, tư thế tác phong bởi đối tượng giả danh luôn cố tình để lộ một phần trang phục, khoe công cụ hỗ trợ, cố tình để người khác thấy giấy tờ, thẻ ngành. Đồng thời, khéo léo gợi mở để họ nói về lĩnh vực công tác của mình càng nhiều càng tốt vì càng nói nhiều đối tượng càng bộc lộ sơ hở.

“Nếu không đủ khả năng đánh giá, có thể tổng hợp thông tin nhờ người thân am hiểu về lĩnh vực công an, những người đang công tác trong ngành công an phân tích, đánh giá…”, luật gia Hằng phân tích./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực