Kê biên, phong tỏa tài sản của các bị can là phù hợp

Thứ tư, 24/02/2021 22:03
(ĐCSVN) - Sai phạm gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng tại Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Công ty Gang thép Thái Nguyên đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Mới đây, cơ quan chức năng đã quyết định kê biên, phong tỏa tài sản của các bị can liên quan đến vụ án này. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là động thái quyết liệt, kịp thời để sớm xử lý dứt điểm vụ án theo đúng quy định của pháp luật.

Ngày 20/02/2019, Thanh tra Chính phủ đã ban hành kết luận thanh tra Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Công ty Gang thép Thái Nguyên (TISCO), chuyển hồ sơ sang Bộ Công an đề nghị điều tra các dấu hiệu sai phạm hình sự; đồng thời chuyển toàn bộ hồ sơ sang Ủy ban Kiểm tra Trung ương  để xử lý sai phạm các cá nhân, tập thể có liên quan. Theo kết luận, hàng loạt cá nhân nguyên là lãnh đạo Tổng công ty thép Việt Nam và TISCO đã có nhiều sai phạm, dẫn đến Dự án bị chậm tiến độ, làm phát sinh lãi vay, tăng chi phí đầu tư, gây thất thoát, lãng phí đặc biệt nghiêm trọng tài sản nhà nước, với khoản tiền thiệt hại được tính toán là trên 830 tỉ đồng.

Sau quá trình điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố 19 bị can nguyên là lãnh đạo, cán bộ trong ngành thép có sai phạm trong Dự án nói trên. Những bị can này bị truy tố về các tội danh “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “thiếu trách nhiệm gây thất thoát lãng phí”.

Đặc biệt, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng đã tiến hành phong tỏa, kê biên hàng loạt đất đai, bất động sản, tiền gửi ngân hàng của các bị can liên quan đến sai phạm tại Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của TISCO. Trong đó, nhiều tài sản là nhà đất bị can đã cho, tặng người thân cũng bị kê biên; nhiều tài sản của người nhà các bị can cũng bị tiến hành phong tỏa.

Cụ thể, bị can Đậu Văn Hùng (cựu Tổng Giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam - VNS) bị kê biên 5 tài sản nhà, đất ở Thành phố Hồ Chí Minh; bị phong tỏa gần 2,6 tỉ đồng và trên 153.000 USD trong các tài khoản ngân hàng; con trai bị can Hùng cũng bị tạm dừng giao dịch khoản tiền lên tới 1,84 triệu USD tại ngân hàng..

Bị can Mai Văn Tinh, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị VNS, bị kê biên căn hộ chung cư 144 m2 tại phường Láng Hạ, quận Đống Đa (Hà Nội). Căn hộ này, vợ chồng ông Tinh đã tặng cho con gái và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào tháng 3/2019.

Bị can Ngô Sỹ Hán, cựu Phó tổng giám đốc TISCO, cựu Trưởng ban Quản lý dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của TISCO, bị kê biên 1 căn biệt thự liền kề tại quận Hà Đông (Hà Nội). Căn nhà này đã được vợ chồng ông Hán ký hợp đồng tặng cho con vào tháng 3/2019.

Bị can Trần Trọng Mừng, cựu Tổng giám đốc TISCO (người được xác định phải chịu trách nhiệm chính trong vụ án) bị kê biên 1 căn nhà tại quận Thanh Xuân (Hà Nội) và 1 thửa đất tại huyện Lương Sơn (Hòa Bình); bị can Trần Văn Khâm, cựu Tổng giám đốc TISCO cũng bị kê biên 6 bất động sản, gồm biệt thự liền kề, nhà, đất tại Hà Nội và thành phố Thái Nguyên (Thái Nguyên).

 Một trong những ngôi nhà của bị can Trần Văn Khâm đang bị kê biên. (Ảnh: TS).

Quyết định nói trên của cơ quan tố tụng đã nhận được sự ủng hộ của dư luận và nhiều chuyên gia pháp lý. Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Luật sư Nguyễn An Bình, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội nhìn nhận, có thể coi việc cơ quan tố tụng áp dụng lệnh kê biên, phong tỏa tài sản đối với các bị can liên quan đến sai phạm tại Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của TISCO là một biện pháp kịp thời, phù hợp với các quy định của pháp luật. Đây là cơ sở quan trọng để đảm bảo cho việc bồi thường thiệt hại khi giải quyết vụ án; đồng thời cũng để xác định nguồn gốc tài sản này có liên quan đến hành vi phạm tội của bị can trong vụ án hay không và ngăn chặn hành vi tẩu tán tài sản của các bị can (nếu có).

 Luật sư Nguyễn An Bình, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội. (Ảnh: PA).

Còn theo Luật sư Nguyễn Đức Anh, Đoàn Luật sư tỉnh Nghệ An, việc kê biên các tài sản của một số bị can đã cho tặng con cái hoặc chuyển nhượng trước khi vụ án được khởi tố là hoàn toàn hợp lý. Bởi quá trình giải quyết vụ việc, các cơ quan tố tụng sẽ xem xét toàn diện, cả về nguồn gốc tài sản, thời điểm thực hiện giao dịch (cho, tặng...) để xác định giao dịch đó có phải nhằm mục đích tẩu tán, trốn tránh nghĩa vụ hay không. “Cần lưu ý, việc kê biên này không đồng nghĩa với việc giải quyết tài sản. Nếu chứng minh đây là những tài sản “sạch”, không liên quan đến sai phạm của các bị can thì cơ quan tố tụng sẽ có trách nhiệm “gỡ” phong tỏa”.

Cũng theo Luật sư Nguyễn An Bình, trong các vụ án tham nhũng thời gian gần đây, cơ quan tố tụng đã tập trung vào việc kê biên phong tỏa tài sản nhằm đảm bảo cho việc bồi thường thiệt hại khi giải quyết vụ án. Đây là biện pháp cần thiết để thu hồi tài sản của Nhà nước bị thiệt hại do các sai phạm gây ra. “Tuy nhiên, khi thực hiện các biện pháp này, cơ quan chức năng cần làm rõ nguồn gốc các tài sản của bị can; xác minh, làm rõ những tài sản do bị can, người nhà bị can đã tiến hành chuyển nhượng, bán... Vì đây thường là những tài sản có giá trị lớn và có thể liên quan đến các hành vi tẩu tán tài sản, trốn tránh nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho Nhà nước khi có bản án”, Luật sư Nguyễn An Bình nhấn mạnh./.

Trần Anh Tuấn - Phan Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực