Khi tài khoản cá nhân bỗng nhiên nhận “số tiền lạ”?

Thứ tư, 07/12/2022 15:38
(ĐCSVN) - Theo luật gia, nếu bỗng nhiên tài khoản cá nhân nhận được “số tiền lạ”, cần lưu ý không sử dụng cho chi tiêu cá nhân, nhanh chóng liên lạc với ngân hàng của mình đề nghị hỗ trợ xác minh, tuyệt đối không chuyển lại tiền cho người lạ, đồng thời khẩn trương trình báo với cơ quan công an.

Thời gian qua, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, giao dịch chuyển tiền online qua ứng dụng ngân hàng số (Internet Banking) hay qua các máy rút tiền tự động (ATM) đã trở nên rất phổ biến bởi sự nhanh chóng, đơn giản.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, luật gia Lê Huy Vinh, Công ty luật TNHH Trường Sơn (trụ sở tại thành phố Hà Nội) cho biết thuận tiện là vậy, song không thể phủ nhận các hình thức giao dịch trên cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, một trong số đó là việc chuyển tiền qua nhầm tài khoản.

Trong trường hợp này, người dùng cần thông báo ngay cho ngân hàng để tra soát giao dịch. Nếu đúng là nhầm lẫn, ngân hàng sẽ liên hệ với đại diện chi nhánh quản lý tài khoản đã chuyển tiền nhầm và yêu cầu họ chuyển hoàn lại. Thông thường, quá trình tra soát giao dịch diễn ra trong 30 - 45 ngày.

 Kiểm tra kỹ thông tin trước khi chuyển khoản để tránh nhầm (Ảnh minh họa, nguồn TX)

Sau đó có thể tiếp tục gửi thêm các khoản tiền nhỏ với nội dung nhờ họ liên lạc lại, cho người nhận tiền nhận được thông tin. Nội dung chuyển tiền thường ngắn gọn, giới thiệu cho họ biết mình là người gửi nhầm kèm số điện thoại để họ liên lạc lại.

Trong trường hợp người nhận được tiền chuyển nhầm chủ động liên hệ lại và 2 bên tự giải quyết, cần báo lại với ngân hàng. Nếu người nhận được tiền không liên hệ lại, người dùng tiếp tục chờ thời gian để ngân hàng tra soát giao dịch.

Luật gia Lê Huy Vinh phân tích, sau thời gian tra soát, xảy ra 2 trường hợp

* Nếu tài khoản thụ hưởng đã chuyển nhầm vẫn còn đủ số dư khả dụng, tiền sẽ được hoàn lại vào tài khoản của người chuyển nhầm. Nếu người được chuyển nhầm đã rút hết tiền và cố ý không hoàn trả hoặc không còn khả năng hoàn trả, phía ngân hàng buộc phải liên hệ với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng như Tòa án, công an để có hướng giải quyết.

* Nếu ngân hàng không liên hệ được với người nhận qua số điện thoại, người chuyển tiền có thể yêu cầu ngân hàng liên hệ qua địa chỉ hoặc thông báo qua tài khoản Internet banking (nếu có).

Nếu người nhận cố ý không hoàn trả hoặc không còn khả năng hoàn trả thì có thể yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin cá nhân của người nhận để khởi kiện đòi lại tiền hoặc làm đơn tố giác tội phạm gửi cơ quan công an.

Điều 579 Chương XIX Bộ luật Dân sự 2015 (Luật số: 91/2015/QH13, ngày 24 tháng 11 năm 2015) nêu rõ người chiếm hữu, người sử dụng tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật thì phải hoàn trả cho chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản đó; nếu không tìm được chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản thì phải giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại Điều 236 của Bộ luật này.

Người được lợi về tài sản mà không có căn cứ pháp luật làm cho người khác bị thiệt hại thì phải hoàn trả khoản lợi đó cho người bị thiệt hại, trừ trường hợp quy định tại Điều 236 của Bộ luật này.

Về mặt pháp lý, việc người nhận được tiền chuyển nhầm cố ý không hoàn trả hoặc không còn khả năng hoàn trả thì có dấu hiệu của hành vi "chiếm đoạt tài sản trái phép", sẽ bị xem xét xử phạt hành chính theo Điều 15 Mục 1 Chương II Nghị định 144/2021/NĐ-CP, ngày 31 tháng 12 năm 2021) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy chữa cháy cứu nạn cứu hộ, phòng chống bạo lực gia đình, với mức phạt tối đa 3 triệu đồng.

Theo luật gia Vinh, trường hợp số tiền bị chiếm giữ từ 10 triệu đồng trở lên, người cố tình không trả lại có thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 176 Chương XVI Bộ luật Hình sự năm 2015 (Số: 100/2015/QH13, ngày 27 tháng 11 năm 2015), sửa đổi bổ sung năm 2017.

Cụ thể, người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng, di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200 triệu đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Thậm chí, nếu cơ quan chức năng có đủ bằng chứng chứng minh người đó đã sử dụng hết số tiền nhận nhầm thì có thể xem xét xử lý về tội "sử dụng trái phép tài sản của người khác" quy định tại Điều 177 Chương XVI Bộ luật Hình sự năm 2015 (Số: 100/2015/QH13, ngày 27 tháng 11 năm 2015), sửa đổi bổ sung năm 2017, với khung hình phạt từ 03 năm tới 07 năm nếu phạm tội sử dụng trái phép tài sản trị giá "từ 1,5 tỷ đồng trở lên.

“Sau khi chủ động liên hệ với ngân hàng để thông báo về việc nhận hoặc gửi tiền nhầm tài khoản, nếu nhận được điện thoại từ ngân hàng, cần kiểm tra xem đó có đúng là số điện thoại của ngân hàng hay không. Để chắc chắn hơn, chủ tài khoản vẫn nên đến ngân hàng làm việc trực tiếp. Trong xã hội công nghiệp hiện đại như ngày nay, mọi thao tác trên môi trường điện tử cần hết sức thận trọng, đề phòng phát sinh các tình huống pháp lý không đáng có”, luật gia Vinh nhấn mạnh./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực