Kinh doanh rượu thủ công có phải xin giấy phép theo quy định?

Thứ bảy, 11/03/2023 16:03
(ĐCSVN) - Bạn đọc Nguyễn Phương, tại địa chỉ Hoàng Mai, Hà Nội hỏi: Trên thị trường hiện có rất nhiều loại rượu sản xuất bằng hình thức thủ công và sản xuất rượu công nghiệp. Vậy kinh doanh rượu thủ công có phải xin giấy phép kinh doanh không và được quy định như thế nào?
Hơn 500 lít rượu thủ công bị lực lượng chức năng Hà Nội phát hiện, thu giữ. 

Trả lời câu hỏi trên, luật sư Nguyễn Phú Thắng, Công ty Luật Intercode, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết: Kinh doanh rượu thủ công (sản xuất rượu bằng dụng cụ truyền thống, không sử dụng máy móc, thiết bị công nghiệp) được quy định như sau:

Theo Điều 5 Nghị định 105/2017/NĐ-CP (ngày 14/09/2017) (được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 16 Nghị định 17/2020/NĐ-CP) quy định tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công để kinh doanh thì phải thực hiện công bố sản phẩm rượu của mình theo quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.

Điều 4 Nghị định 105/2017/NĐ-CP (Được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 16 Nghị định 17/2020/NĐ-CP) do kinh doanh rượu thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Vì vậy, quy định thương nhân sản xuất rượu thủ công để kinh doanh phải tuân thủ các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia...

Nếu mục đích kinh doanh, phân phối rượu, bán buôn rượu, bán lẻ rượu có độ cồn từ 5,5 độ trở lên thì phải có giấy phép; thương nhân bán rượu có độ cồn từ 5,5 độ trở lên tiêu dùng tại chỗ, thương nhân kinh doanh rượu có độ cồn dưới 5,5 độ phải đăng ký với Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng cấp huyện; hộ gia đình, cá nhân sản xuất rượu thủ công có độ cồn từ 5,5 độ trở lên bán cho cơ sở có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại phải đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đặt cơ sở sản xuất.

Ngoài ra nếu muốn được cấp phép kinh doanh thì thương nhân cần đáp ứng được các điều kiện theo quy định tại Điều 9 Nghị định 105/2017/NĐ-CP: Là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật. Bảo đảm các điều kiện về an toàn thực phẩm và ghi nhãn hàng hóa rượu theo quy định.

Mới đây, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 7 thuộc Cục QLTT thành phố Hà Nội phối hợp với Đội 4-PC05 (Công an thành phố Hà Nội) kiểm tra và tạm giữ 540 lít rượu màu thủ công không rõ nguồn gốc xuất xứ, trị giá hàng hóa vi phạm khoảng trên 24 triệu đồng, tại địa chỉ số 166 phố Triều Khúc, xã Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội. Vụ việc hiện Đội QLTT số 7 đang hoàn thiện hồ sơ để xử lý theo quy định./.

Ban Bạn đọc

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực