Làm giả giấy khám chữa bệnh có thể bị phạt 7 năm tù

Thứ tư, 06/04/2022 21:39
(ĐCSVN) - Khi cộng tác viên tìm được người có nhu cầu làm giấy tờ giả thì sẽ nhắn tin ảnh, thông tin cá nhân, số lượng, loại giấy tờ của từng bệnh viện... và địa chỉ, số điện thoại của người nhận để các đối tượng thực hiện theo yêu cầu của khách. Cộng tác viên trực tiếp giao dịch, tự thỏa thuận giá cả với người cần mua và được hưởng khoản tiền chênh lệch.

Trên đây là những nội dung về vụ án do Công an quận Hà Đông, TP Hà Nội vừa thực hiện lệnh khởi tố để điều tra về tội làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức. 07 đối tượng bị cơ quan chức năng tiến hành thủ tục khởi tố cùng thời điểm.

Ổ nhóm làm giả giấy khám chữa bệnh vừa bị triệt phá. (Ảnh: Công an cung cấp)

Trong số này, hai bị can có vai trò chính là Đỗ Danh Ngọc và Nguyễn Thị Hà (vợ của Ngọc). Theo tài liệu điều tra, khoảng tháng 10/2021, Ngọc nảy sinh ý định làm giả giấy khám sức khỏe và các loại giấy liên quan đến bệnh viện để bán. Ngọc bàn với vợ và cùng nhau thực hiện. Sau đó, Hà lên mạng xã hội tìm mối đặt làm giả các con dấu các loại với tổng số tiền khoảng 20 triệu đồng.

 Còn Ngọc tuyển cộng tác viên đăng bài tìm kiếm khách hàng là những người có nhu cầu làm các loại giấy tờ giả trên.

 Khi các cộng tác viên tìm được người có nhu cầu làm giấy tờ giả thì sẽ nhắn tin ảnh, thông tin cá nhân, số lượng, loại giấy tờ của từng bệnh viện... và địa chỉ, số điện thoại của người nhận cho Ngọc để thực hiện theo yêu cầu của khách, với giá 20.000 đồng - 60.000 đồng/giấy tờ. Cộng tác viên trực tiếp giao dịch, tự thỏa thuận giá cả với người cần mua và được hưởng khoản tiền chênh lệch.

 Quá trình nắm bắt thông tin, giữa tháng 3/2022, cơ quan chức năng đã kịp thời phát hiện vợ chồng Ngọc, Hà đang thuê người chuyển đơn hàng làm một giấy khám sức khỏe giả khổ A3 của một bệnh viện trên địa bàn Hà Nội với giá 130.000 đồng. Căn cứ lời khai của người chuyển giấy khám sức khỏe giả này cùng các tài liệu chứng cứ, khi thực hiện lệnh triệu tập lên làm việc cùng cơ quan điều tra, các đối tượng Ngọc, Hà đã có đơn xin đầu thú khai nhận toàn bộ hành vi của bản thân. Qua khám xét tại phòng trọ của Ngọc, lực lượng chức năng đã thu giữ toàn bộ các con dấu giả, cùng nhiều loại giấy khám sức khỏe giả khác. Những giấy tờ này làm giả của nhiều bệnh viện trên cả nước, được đưa đi nhiều tỉnh khác nhau.

 Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, luật sư Lê Xuân Thảo, đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, căn cứ hành vi cũng như tài liệu liên quan, việc cơ quan chức năng thực hiện lệnh khởi tố để điều tra về tội làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức đối với các đối tượng là hoàn toàn có cơ sở. Ở đây, các đối tượng đã cố ý bàn bạc, cùng nhau phối hợp thực hiện giả tài liệu, con dấu của các cơ sở ý tế nhằm mục đích lừa đảo, gây thiệt hại tới người tiêu dùng, đặc biệt là gây ảnh hưởng tới điều kiện khám, chữa bệnh của các cơ sở y tế. Do đó, việc sớm ban hành lệnh khởi tố để điều tra đối với nhóm đối tượng của cơ quan công an quận Hà Đông nhận được sự quan tâm, ủng hộ của dư luận xã hội.

 Như vậy, đối với hành vi “làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức”, ngoài việc phải chịu trách nhiệm xử lý hành chính từ 30 đến 100 triệu đồng thì đối tượng vi phạm khi đủ yếu tố kết luận vi phạm hình sự sẽ phải chịu mức xử lý thấp nhất là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm; mức phạt tù cao nhất đối với hành vi này lên tới 07 năm. Những nội dung này được quy định tại Điều 341 Chương XXII Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017, theo đó:

 Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.

 Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

 a) Có tổ chức;

 b) Phạm tội 02 lần trở lên;

 c) Làm từ 02 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;

 d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;

 đ) Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;

 e) Tái phạm nguy hiểm.

 Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

 a) Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên;

 b) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

 c) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.

 Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

 “Như vậy, trên cơ sở căn cứ pháp lý nêu trên, cơ quan chức năng sẽ xem xét cụ thể hành vi vi phạm của nhóm đối tượng, cũng như số tiền thu lợi bất chính ở mức nào để xử lý. Cùng với việc xem xét xử lý về tội làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức, cơ quan chức năng có thể xem xét xem hành vi của nhóm đối tượng có gây ảnh hưởng tới tài sản, uy tín của tổ chức, cá nhân - ở đây là tài sản của cơ sở khám chữa bệnh, uy tín của các y, bác sỹ, nhân viên y tế… để từ đó có những giải pháp xử lý tiếp theo”- luật sư Lê Xuân Thảo cho biết thêm./.

Trường Quân

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực