Ngâm cây thuốc phiện uống để chữa bệnh có vi phạm pháp luật?

Thứ hai, 27/03/2023 22:04
(ĐCSVN) - Nhiều người cho rằng, rượu ngâm cây thuốc phiện có tác dụng hỗ trợ điều trị một số bệnh lý nhất định. Vậy, hành vi ngâm, vận chuyển và sử dụng rượu cây thuốc phiện có vi phạm pháp luật?

Năm 2021, Đội tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 3 (Đội 3) Cục Cảnh sát giao thông đã phát hiện trường hợp tài xế dương tính với ma túy trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình. Thừa nhận với tổ công tác, tài xế cho biết đã sử dụng rượu cây thuốc phiện.

Mới đây, công an thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai) đã tạm giữ khẩn cấp Má Thị Phính (dân tộc Mông, 50 tuổi, trú tại xã Trung Chải) do có hành vi trồng trái phép gần 2.000 cây thuốc phiện trong vườn nhà, trong đó 187 cây đã có hoa và quả, số cây còn lại đang trong giai đoạn sinh trưởng, phát triển.

Trước đó, ngày 12/3, lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm ma túy công an tỉnh Lào Cai và công an huyện Văn Bàn phát hiện, bắt giữ nhóm đối tượng buôn bán, vận chuyển trái phép gần 80kg quả, cành tươi cây thuốc phiện.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, luật sư Trương Anh Tuấn, đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết cây anh túc còn có tên gọi khác là cây thuốc phiện, cây á phiến hay cây phù dung. Đây là loại cây thảo mộc quý được tìm thấy đầu tiên tại Hy Lạp, sau đó trồng phổ biến ở châu Âu và châu Á. Dưới góc độ y học, cây anh túc được cho là có tác dụng như thuốc giảm đau, hỗ trợ điều trị một số bệnh, đặc biệt là về tiêu hóa.

leftcenterrightdel

Tang vật cây thuốc phiện trồng trái phép trong vườn nhà Má Thị Phính bị phát hiện, thu giữ (Ảnh: Trung tâm Văn hóa Thể thao và Truyền thông thị xã Sa Pa).

Quả thuốc phiện có chứa những hoạt chất gây nghiện như morphin, nicotine, codein..., trong khi nhựa thuốc phiện được chiết xuất từ quả chứa khoảng 0,006-0,26% chất gây nghiện so với lúc chưa lấy nhựa. Do đó, nếu sử dụng liều lượng cao có khả năng gây nghiện và gây ra các ảo giác hoang tưởng, hưng phấn, sa sút tâm thần. Thậm chí, nếu sử dụng trong thời gian dài, sẽ gây ức chế thần kinh, huyết áp cao, nghẽn mạch, loạn nhịp tim...

Uống rượu ngâm cây thuốc phiện (gồm cả quả, thân và rễ, ở dạng tươi và dạng khô) đều có nguy cơ tương tự như dùng các loại ma túy khác. Tùy theo số lượng cây ngâm, nồng độ rượu ngâm mà người sử dụng rượu có nguy cơ nghiện ma túy càng cao.

“Do đó, mặc dù không thể phủ nhận một số tác dụng của cây anh túc, tuy nhiên nếu tùy tiện sử dụng hoặc sử dụng với liều lượng cao có thể gây nghiện. Khi sử dụng để làm thuốc chữa bệnh cần tuân thủ theo đơn của nhân viên y tế”, luật sư Tuấn khuyến cáo.

Luật sư Tuấn phân tích, pháp luật quy định rõ, người nào có hành vi uống rượu ngâm chất ma túy và ra kết quả xét nghiệm là dương tính thì cũng được coi là hành vi sử dụng trái phép chất ma túy. Căn cứ Khoản 1 Điều 23 Mục 2 Chương II Nghị định 144/2021/NĐ-CP (Số: 144/2021/NĐ-CP, ngày 31 tháng 12 năm 2021) về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình quy định như sau: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy. Đồng thời, tịch thu tang vật phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi này.

Ngoài ra, nếu cơ quan có thẩm quyền giám định trong rượu ngâm cây thuốc phiện có chứa chất ma túy, người có hành vi tàng trữ loại rượu này có thể bị xử phạt hành chính về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy, với mức phạt từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng. Thậm chí, tùy theo số lượng, hàm lượng ma túy có trong rượu, còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tàng trữ trái phép chất ma túy theo Điều 249 Chương XX Bộ luật hình sự năm 2015 (Số 100/2015/QH13, ngày 27 tháng 11 năm 2015), sửa đổi bổ sung 2017.

Cụ thể, người nào tàng trữ trái phép chất ma túy mà không nhằm mục đích mua bán, vận chuyển, sản xuất trái phép chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

b) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 gam đến dưới 500 gam;

c) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 0,1 gam đến dưới 05 gam;

d) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 25 kilôgam;

đ) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 05 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;

e) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 10 kilôgam;

g) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 01 gam đến dưới 20 gam;

h) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 10 mililít đến dưới 100 mililít;

i) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm h khoản này.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

đ) Sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội;

e) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;

g) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;

h) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 25 kilôgam đến dưới 75 kilôgam;

i) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 200 kilôgam;

k) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 10 kilôgam đến dưới 50 kilôgam;

l) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;

m) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 250 mililít;

n) Tái phạm nguy hiểm;

o) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ Điểm e đến Điểm m Khoản này.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:

a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 05 kilôgam;

b) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng từ 30 gam đến dưới 100 gam;

c) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng từ 25 kilôgam đến dưới 75 kilôgam;

d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng từ 200 kilôgam đến dưới 600 kilôgam;

đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng từ 50 kilôgam đến dưới 150 kilôgam;

e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;

g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 250 mililít đến dưới 750 mililít;

h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ Điểm a đến Điểm g Khoản này.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng 05 kilôgam trở lên;

b) Hêrôin, côcain, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA có khối lượng 100 gam trở lên;

c) Lá, rễ, thân, cành, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca có khối lượng 75 kilôgam trở lên;

d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng 600 kilôgam trở lên;

đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng 150 kilôgam trở lên;

e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng 300 gam trở lên;

g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích 750 mililít trở lên;

h) Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng số lượng của các chất đó tương đương với số lượng chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ Điểm a đến Điểm g Khoản này.

“Trường hợp vận chuyển rượu ngâm cây thuốc phiện mà bị bắt quả tang trên đường, lực lượng chức năng sẽ tùy vào số lượng rượu mà xử lý. Tuy nhiên, nếu chỉ là khối lượng nhỏ, một vài bình ngâm để sử dụng trong gia đình, thì cũng khó xử lý bởi để xác định được hàm lượng chất gây nghiện hay ma túy trong loại rượu này là rất khó. Nội dung này cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu chuyên sâu thêm để ra các văn bản hướng dẫn xem xét, xử lý”, luật sư Tuấn nhấn mạnh/.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực