Thuê thám tử, coi chừng vi phạm pháp luật

Thứ ba, 17/10/2023 11:03
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - “Thực tế cho thấy trong xã hội hiện nay có nhiều cách thức theo dõi một ai đó như gắn chip (camera) bí mật, thuê thám tử tư theo dõi, quay chụp hình ảnh làm bằng chứng... Xin hỏi quy định pháp luật cụ thể liên quan tới nội dung này, như nào thì không phạm pháp?’, chị Hoài Thu, 40 tuổi ở thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh hỏi.

Xét về góc độ pháp lý, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, luật sư Trương Anh Tuấn, đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết hiện các "công ty thám tử" ở Việt Nam cung cấp nhận nhiều dịch vụ như theo dõi giám sát, tìm kiếm thông tin, quản lý giám sát con, điều tra thông tin kinh tế, điều tra hàng giả, xác minh nhân thân, tìm chủ nhân số điện thoại, điều tra kênh phân phối…

Thực tế, có những vụ án, luật sư cũng phải thuê "thám tử" thu thập thông tin hoặc tìm hiểu về tài sản của người phải thi hành án, phục vụ cho việc yêu cầu thi hành án của thân chủ.

Theo Quyết định 27/2018/QĐ-TTg ngày 06 tháng 7 năm 2018 về Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành có quy định về mã ngành nghề 803 - 8030 - 80300: Dịch vụ điều tra. Nhóm này gồm: Dịch vụ điều tra và thám tử. Các hoạt động của tất cả các thám tử tư nhân, thuộc các loại khách hàng hoặc mục đích điều tra đều nằm trong nhóm này.

Sau khi rà soát tại Luật Đầu tư 2020 (Luật số: 61/2020/QH14, ngày 17 tháng 6 năm 2020) thì ngành nghề này không thuộc ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo Điều 6 Chương I, cũng không thuộc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo Điều 7 và Phụ lục IV; đồng thời cũng không thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự theo Nghị định 96/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

 Ảnh minh họa, nguồn: thamtuluonggia.com

Điều 38 Mục 2 Chương III phần thứ nhất Bộ luật Dân sự 2015 (Luật số: 91/2015/QH13, ngày 24 tháng 11 năm 2015) nêu rõ quyền đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

Theo đó, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.

Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.

Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định.

Các bên trong hợp đồng không được tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của nhau mà mình đã biết được trong quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

“Do đó, mọi hành vi xâm phạm đời sống riêng tư, bí mật cá nhân là vi phạm pháp luật. Cả người cung cấp thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của người khác và thám tử sử dụng thông tin này để điều tra, theo dõi đều có thể bị xử lý theo quy định hiện hành”, luật sư Tuấn khẳng định.

Xử phạt hành chính:

Việc dùng những thông tin thu thập được từ hoạt động thám tử mà xâm phạm bí mật đời tư, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì có thể bị xử phạt theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 51 Mục 4 Chương II Nghị định 167/2013/NĐ-CP (Số: 167/2013/NĐ-CP, ngày 12 tháng 11 năm 2013): Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với những hành vi "Tiết lộ hoặc phát tán tư liệu, tài liệu thuộc bí mật đời tư của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm".

Trách nhiệm hình sự:

Trong trường hợp đã bị xử phạt hành chính mà vẫn tiếp tục tái phạm hành vi vi phạm pháp luật, hoặc mức độ vi phạm đủ cấu thành tội phạm thì hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh như: Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác (theo quy định tại Điều 159 Chương XV Bộ luật Hình sự 2015, luật số: 100/2015/QH13, ngày 27 tháng 11 năm 2015) với mức phạt từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

Nếu có các tình tiết tăng nặng hoàn toàn có thể bị phạt tù từ 1 đến 3 năm; hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội xâm phạm chỗ ở của người khác (theo Điều 158 Chương XV Bộ luật Hình sự 2015) với khung phạt từ 1 đến 5 năm.

Thậm chí, nếu cố tình phát tán thông tin lên mạng, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân thì có thể bị xử lý theo quy định của Luật An ninh mạng (Luật số: 24/2018/QH14, ngày 12 tháng 6 năm 2018), cụ thể tại Điểm d Điều 8 Chương I: "Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong Nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác".

Hiện nhiều nước trên thế giới coi thám tử tư là một nghề, được điều chỉnh bởi các quy định chặt chẽ của pháp luật. Tại Việt Nam, sở dĩ luật chưa cho phép vì lo ngại những người làm việc này sẽ dùng chính thông tin thu thập được để sử dụng vào những việc vi phạm pháp luật.

Có cầu ắt có cung nên dịch vụ thám tử vẫn đang tồn tại và mang lại nguồn lợi nhuận không nhỏ cho các cá nhân và tổ chức hoạt động trong lĩnh vực này mà lại không chịu sự quản lý của cơ quan nào và cũng không bị thu thuế.

“Dù chấp nhận chi phí thuê nhưng nhiều khi hiệu quả của việc này hoàn toàn phụ thuộc vào đạo đức của thám tử. Đây là kẽ hở trong quản lý nhà nước với một lĩnh vực khá nhạy cảm khi liên quan đến bí mật đời tư, quyền công dân… Vì thế, mọi người cần chú ý nếu cần thuê thám tử hoặc hoạt động thám tử tránh các trường hợp trên để tránh bị vướng vào các hành vi vi phạm pháp luật”, luật sư Tuấn nhấn mạnh./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực