Đến thời điểm hiện tại, vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại quán karaoke An Phú ở tỉnh Bình Dương tối ngày 6/9 đã khiến 32 người tử vong và nhiều người khác bị thương. Theo lực lượng chức năng, nguyên nhân ban đầu được xác định do chập điện. Ngoài việc thăm hỏi các nạn nhân, gia đình nạn nhân, khẩn trương xác minh nguyên nhân, trách nhiệm các bên trong vụ việc, sớm có hướng xử lý theo đúng quy định của pháp luật thì điều dư luận cũng quan tâm là trách nhiệm bồi thường cho các nạn nhân thuộc về ai?
Xét về góc độ pháp lý, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Luật gia Lê Huy Vinh, Công ty luật TNHH Trường Sơn (trụ sở tại thành phố Hà Nội) cho biết do hậu quả vụ cháy quá đau xót, do đó các cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương chắc chắn sẽ đẩy nhanh quá trình điều tra, củng cố hồ sơ và xử lý nghiêm theo quy định. Dù vụ cháy xuất phát từ lý do khách quan thì chủ sở hữu cơ sở kinh doanh karaoke vẫn phải có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân.
Theo quy định hiện hành, kinh doanh karaoke, vũ trường là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Cơ sở kinh doanh phải có đủ điều kiện đảm bảo an ninh trật tự, an toàn về phòng cháy, chữa cháy mới được phép hoạt động.
Thông tư 147/2020/TT-BCA ngày 31 tháng 12 năm 2020 thay thế Thông tư 47/2015/TT-BCA ngày 06 tháng 10 năm 2015 của Bộ Công an quy định rất rõ các biện pháp đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường.
|
Cảnh sát dùng xe thang dập lửa bùng lên phía trước quán tối ngày 6/9 (Ảnh: Thái Hà)
|
Theo Điều 5 Chương II Thông tư này, cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường bảo đảm điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy quy định tại Khoản 1 Điều 5 Chương II Nghị định 136/2020/NĐ-CP ngày 24 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy (sau đây viết gọn là Nghị định 136/2020/NĐ-CP) như sau:
Với cơ sở cao từ 3 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 1.000 m3 trở lên phải bảo đảm điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy, cụ thể:
a) Có nội quy, biển cấm, biển báo, sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy, thoát nạn phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an;
b) Có lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở, chuyên ngành tương ứng với loại hình cơ sở, được huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy và tổ chức sẵn sàng chữa cháy đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ theo quy định, trừ trường hợp quy định tại Điểm g Khoản 3 Điều 31 Nghị định này;
c) Có phương án chữa cháy được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
d) Hệ thống điện, chống sét, chống tĩnh điện, thiết bị sử dụng điện, sinh lửa, sinh nhiệt, việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt phải bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an;
đ) Có hệ thống giao thông, cấp nước, thông tin liên lạc phục vụ chữa cháy, hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy và truyền tin báo sự cố, hệ thống báo cháy, chữa cháy, ngăn cháy, ngăn khói, thoát nạn, phương tiện phòng cháy và chữa cháy khác, phương tiện cứu người bảo đảm về số lượng, chất lượng phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an;
e) Có Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế và văn bản thẩm duyệt thiết kế (nếu có) và văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy đối với dự án, công trình thuộc danh mục quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này, trừ các cơ sở quốc phòng hoạt động phục vụ mục đích quân sự và phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy được các cơ sở quốc phòng chế tạo hoặc hoán cải chuyên dùng cho hoạt động quân sự.
Về trách nhiệm bồi thường, luật gia Lê Huy Vinh nêu quan điểm, nếu kết quả xác minh cho thấy, nguyên nhân là do cơ sở kinh doanh này không tuân thủ quy định về phòng cháy chữa cháy, không đủ điều kiện đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy, dẫn đến chập điện hoặc có những nguyên nhân khách quan nào khác dẫn đến vụ cháy xảy ra, cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội Vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy.
Nếu có đủ căn cứ chứng minh người quản lý điều hành hoạt động kinh doanh karaoke đã vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy, dẫn đến hậu quả làm 3 người chết trở lên, cá nhân này sẽ đối mặt với khung hình phạt quy định tại Khoản 3 Điều 313 Mục 3 Chương XXI Bộ luật Hình sự năm 2015 (số 100/2015/QH13, ngày 27 tháng 11 năm 2015), sửa đổi bổ sung năm 2017.
Cụ thể, phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 - 12 năm: Làm chết 03 người trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
Ngoài ra, người vi phạm còn có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại cho cá nhân đã bị thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản trong vụ cháy theo quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Việc các vụ cháy quán karaoke gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng xảy ra gần đây cho thấy sự bất ổn trong công tác quản lý và việc tuân thủ thiếu nghiêm túc quy định về phòng cháy chữa cháy của các cơ sở kinh doanh dịch vụ.
Gần đây nhất là vụ cháy quán karaoke ISIS ngày 01/8 tại địa chỉ số 231 phố Quan Hoa, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội khiến 3 cán bộ, chiến sĩ cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ công an quận Cầu Giấy hi sinh.
“Để tránh những vụ việc đau lòng có thể xảy ra tiếp theo, cơ quan chức năng cần siết chặt điều kiện hoạt động của các cơ sở kinh doanh lại hình dịch vụ này, đồng thời xử phạt nặng, thậm chí đình chỉ hoạt động vĩnh viễn nếu cố tình vi phạm”, luật gia Lê Huy Vinh kiến nghị./.