Trách nhiệm trả nợ khi vay tiền qua ứng dụng (app)?

Thứ năm, 02/06/2022 15:31
(ĐCSVN) - Phòng Cảnh sát hình sự và các đơn vị nghiệp vụ Công an thành phố Hà Nội vừa phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an triệt phá đường dây cho vay lãi nặng qua ứng dụng (app) và đòi nợ thuê kiểu “tín dụng đen có quy mô xuyên quốc gia, liên quan đến gần 300 đối tượng.

Thời gian qua, trước thực trạng nhiều người gặp khó khăn về kinh tế do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và đang cần gấp một khoản tiền để giải quyết công việc kinh doanh, loại tội phạm này không chỉ xuất hiện ở Hà Nội mà còn xảy ra tại nhiều tỉnh, thành khác. Theo hồ sơ của lực lượng chức năng, thông thường, trong vòng 3-5 ngày người vay sẽ phải thanh toán tiền gốc trong khi tiền lãi sẽ được cắt ngay khi giải ngân. Nếu không thực hiện như cam kết, số tiền lãi sẽ nhanh chóng “đẻ” ra lên tới 2.190%/năm.

Thậm chí, hình ảnh của "con nợ" sẽ được cắt ghép, chỉnh sửa rồi đưa lên mạng xã hội nhằm bôi nhọ uy tín, hạ danh dự, làm nhục để thúc ép họ hoặc người nhà phải trả tiền, thực sự gây bức xúc trong dư luận.

Một số đối tượng trong đường dây cho vay nặng lãi qua app bị triệt phá ngày 27/5 vừa qua (Ảnh: Minh Dương)

Xét về góc độ pháp lý, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Luật gia Trần Thị Hằng, Công ty Luật TNHH Trường Sơn (trụ sở tại thành phố Hà Nội), cho rằng những người vay qua app đều biết rất rõ lãi suất vay rất cao nhưng do thủ tục vay “quá dễ”, không cần chứng minh tài chính hay thẩm định như ở các tổ chức tín dụng nên khi túng quẫn họ coi đây là một giải pháp. Bên cạnh đó, thực tế cũng có nhiều đối tượng lợi dụng thủ tục thẩm định dễ dàng của hình thức vay qua app để vay rồi… quỵt nợ.

Vấn đề đặt ra là khi đường dây tín dụng đen bị triệt hạ thì người vay có phải trả khoản nợ nói trên không? Có thể khẳng định, vay tiền online hay vay tại ngân hàng, công ty tài chính đều là hình thức vay tài sản được quy định tại Điều 463 Mục 4 Chương XVI Bộ luật Dân sự năm 2015 (Luật số: 91/2015/QH13 ngày 24 tháng 11 năm 2015). Cụ thể, hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, bên cho vay giao tài sản cho bên vay, khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Như vậy, việc vay tiền nói trên phải trả nợ theo quy định tại khoản 1 Điều 466 Mục 4 Chương XVI Bộ luật Dân sự năm 2015, trong đó bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Trong trường hợp chậm trả lãi - gốc, người vay có nghĩa vụ trả lãi tiền vay theo quy định tại Khoản 4 Điều 13 Chương I Thông tư 39/2016/TT-NHNN ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.

Theo đó, khi đến hạn thanh toán mà khách hàng không trả hoặc trả không đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay theo thỏa thuận, thì khách hàng phải trả lãi tiền vay như sau: Lãi trên nợ gốc theo lãi suất cho vay đã thỏa thuận tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; Trường hợp khách hàng không trả đúng hạn tiền lãi theo quy định tại điểm a khoản này, thì phải trả lãi chậm trả theo mức lãi suất do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận nhưng không vượt quá 10%/năm tính trên số dư lãi chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả; Trường hợp khoản nợ vay bị chuyển nợ quá hạn, thì khách hàng phải trả lãi trên dư nợ gốc bị quá hạn tương ứng với thời gian chậm trả, lãi suất áp dụng không vượt quá 150% lãi suất cho vay trong hạn tại thời điểm chuyển nợ quá hạn.

Theo luật gia Trần Thị Hằng, người vay nếu không trả nợ còn có thể chịu các hình thức xử lý từ phạt hành chính đến xử lý hình sự. Theo Điểm c Khoản 1 Điều 15 Mục 1 Chương II Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy chữa cháy cứu nạn cứu hộ, phòng chống bạo lực gia đình; nếu một người dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản hoặc đến thời điểm trả lại tài sản do vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng, mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả thì bị phạt tiền từ 2-3 triệu đồng.

Ngoài bị xử phạt hành chính, căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi trốn nợ khi vay tiền online, người vay còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 175 Chương XVI Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017).

Theo đó, người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 4 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các Điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại hoặc tài sản có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả; Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; Dùng thủ đoạn xảo quyệt; Tái phạm nguy hiểm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm: Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Thậm chí, nếu chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

Luật gia Trần Thị Hằng nhấn mạnh, lực lượng chức năng (chủ công là Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao C50 - Bộ Công an) cần tiếp tục tích cực, chủ động tiến hành các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, điều tra xử lý tội phạm sử dụng công nghệ cao; trực tiếp tiến hành các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh chống các hành vi vi phạm và tội phạm sử dụng công nghệ cao theo quy định của pháp luật, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền, ban ngành, đoàn thể để nắm bắt những biến thể của loại hình tội phạm này.

Trước mắt, ngoài việc người vay cần tìm hiểu kỹ, cơ quan quản lý có thể công bố danh sách những công ty được cấp phép cho vay qua app hợp pháp. Đây có thể coi là giải pháp tạm thời, trong lúc chờ khuôn khổ pháp lý cụ thể đối với các app cho vay online./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực