Xâm hại di tích lịch sử phạt đến 7 năm tù?

Thứ năm, 10/11/2022 15:47
(ĐCSVN) - Liên quan tới việc hơn 10 tấm bia chữ Hán và các bức phù điêu trên vách núi bị tô vẽ tại chùa Quan Thánh thuộc khu di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia núi An Hoạch (phường An Hưng, thành phố Thanh Hóa), Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh này vừa có văn bản đề nghị làm rõ trách nhiệm quản lý của người đứng đầu tổ chức, cá nhân có liên quan.

Cụ thể, các tấm bia chữ Hán được tô vẽ màu nền vàng, chữ màu đỏ. Thậm chí, một tấm bia tạc trên vách núi còn bị khoan, đục, đóng đinh khiến hai góc chữ trên tấm bia bị biến dạng. Một số bức phù điêu như ngựa, voi, các vị thần linh… được tạc trên vách núi cũng bỗng dưng được tô màu sắc sặc sỡ.

Đáng chú ý, xung quanh khu di tích này có nhiều xưởng sản xuất đá mỹ nghệ hoạt động cả ngày, bụi bay mù mịt, máy móc hoạt động ầm ĩ. Tại chân cầu thang lên chùa có nhiều khối đá xẻ nằm ngổn ngang, nhếch nhác, cỏ cây mọc um tùm.

Văn bản của Sở VH-TT&DL nêu rõ đề nghị UBND thành phố Thanh Hóa chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan và UBND phường An Hưng khẩn trương kiểm tra thực tế, đề xuất phương án xử lý (nếu có), làm rõ trách nhiệm quản lý của người đứng đầu tổ chức, cá nhân có liên quan đến sai phạm tại di tích, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh theo quy định.

Hiện nhiều hạng mục tại ngôi chùa đang bị tô vẽ, xâm hại nghiêm trọng (Ảnh: Thanh Tùng)

Đồng thời, giao Trung tâm Nghiên cứu lịch sử và Bảo tồn di sản văn hóa, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động phối hợp với các phòng, ban chức năng của TP Thanh Hóa và UBND phường An Hưng kiểm tra, làm rõ nội dung phản ánh liên quan đến việc tu bổ di tích chùa Quan Thánh, đề xuất phương án xử lý, báo cáo Giám đốc Sở VH-TT&DL trước ngày 15/11.

Năm 1992, khu di tích danh lam thắng cảnh núi An Hoạch (núi Nhồi, xã Đông Hưng, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa) nay là phường An Hưng,  thành phố Thanh Hóa được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VH-TT&DL) xếp hạng di tích cấp quốc gia. Cụm di tích bao gồm: Đình Thượng, chùa Hinh Sơn, chùa Quan Thánh, Lăng Quận Mãn và Hòn Vọng Phu.

Xét về góc độ pháp lý, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, luật sư Nguyễn Văn Kỹ, đoàn luật sư tỉnh Bắc Ninh cho biết Điều 1 Chương I Luật Di sản văn hóa năm 2013 (Số: 10/VBHN-VPQH, ngày 23 tháng 7 năm 2013) quy định: Di sản văn hóa bao gồm di sản văn hóa phi vật thể và di sản văn hóa vật thể, là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Đồng thời, Khoản 3 Điều 4 Chương I Luật Di sản văn hóa năm 2013 cũng nêu rõ: Di tích lịch sử - văn hóa là công trình xây dựng, địa điểm và các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc công trình, địa điểm đó có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học. Pháp luật cũng nghiêm cấm hành vi hủy hoại hoặc gây nguy cơ hủy hoại di sản văn hóa.

Trước thực trạng đáng buồn đang diễn ra tại chùa Quan Thánh thuộc khu di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia núi An Hoạch, việc cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành cấp tỉnh tại Thanh Hóa tích cực, khẩn trương chỉ đạo làm rõ là đáng hoan nghênh.

Theo luật sư Kỹ, nếu có đủ căn cứ chứng minh hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân, cơ quan chức năng có thể xem xét xử lý với “Tội vi phạm các quy định về bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử - văn hóa, danh lam, thắng cảnh gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 345 Chương XXII Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 (Số: 100/2015/QH13, ngày 27 tháng 11 năm 2015), cụ thể:

Người nào vi phạm các quy định về bảo vệ và sử dụng các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam, thắng cảnh, gây hư hại di tích lịch sử - văn hóa, danh lam, thắng cảnh có giá trị từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; hủy hoại, làm thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh cấp tỉnh hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Phạm tội trong trường hợp gây hư hại di tích lịch sử - văn hóa, danh lam, thắng cảnh có giá trị từ 500.000.000 đồng trở lên hoặc hủy hoại, làm thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh cấp quốc gia hoặc cấp quốc gia đặc biệt, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

“Tuy nhiên, với tội danh này, cần phải xét đến yếu tố chủ quan là người vi phạm cố ý, biết rõ là di tích mà vẫn xâm hại di tích hay không. Như vậy, cần phải giám định thiệt hại tài sản của di tích để có cơ sở xử lý hình sự”, luật sư Kỹ phân tích.

Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (Luật số: 15/2012/QH13, ngày 20 tháng 6 năm 2012) và quy định tại Nghị định 158/2013/NĐ-CP (Số: 158/2013/NĐ-CP, ngày 12 tháng 11 năm 2013) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá, thể thao, du lịch và quảng cáo là cơ sở pháp lý để xử lý hành chính những vi phạm như xây dựng, trùng tu, tôn tạo trái phép các di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh; có hành vi làm ảnh hưởng tới giá trị của di tích…

Sau khi xem xét các báo cáo, giải trình, Sở VH-TT&DL tỉnh Thanh Hóa căn cứ Luật số: 52/2019/QH14, ngày 25 tháng 11 năm 2019) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức, theo thẩm quyền sẽ áp dụng (đề nghị áp dụng) hình thức kỷ luật đối với các cán bộ, công chức vi phạm kỉ luật, vi phạm các quy tắc và nghĩa vụ trong hoạt động công vụ hoặc vi phạm pháp luật mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị áp dụng các hình thức như: Khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, hạ ngạch, cách chức, buộc thôi việc.

Có thể nói, các di sản văn hoá mang trong mình những giá trị về văn hoá, khoa học, giáo dục, thẩm mĩ và nhân văn. Vì vậy, hành vi vi phạm gây ra không chỉ bao hàm hậu quả về vật chất thuần tuý mà là tổng hợp các tác động, ảnh hưởng của hành vi vi phạm.

“Cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa sẽ xem xét, phân tích thấu đáo, cần thiết sẽ quyết định khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh các đối tượng xâm hại di tích để tăng tính răn đe, ngăn ngừa. Những người có trách nhiệm quản lý di tích ở các địa phương để xảy ra những vụ xâm hại di tích nghiêm trọng cũng cần phải xem xét xử lý nghiêm minh”, luật sư Kỹ nhấn mạnh/.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực