Xe chở hàng cồng kềnh bị phạt thế nào ?

Thứ ba, 05/07/2022 10:12
(ĐCSVN) - Thời gian qua, trên nhiều tuyến đường vào một số thời điểm nhất định trong ngày vẫn diễn ra tình trạng xe chở vật liệu xây dựng như gạch, cuộn tôn, thép, xi măng… chằng buộc sơ sài, không sử dụng bạt kín đảm bảo vệ sinh môi trường, thậm chí đã gặp sự cố như đứt dây xích, bung kê chắn gây tai nạn giao thông hoặc khiến người đi đường hoảng sợ.

Nhiều bạn đọc băn khoăn liệu có phải chỉ khi nào các phương tiện vận tải nói trên gây ra va chạm hay tai nạn giao thông đáng tiếc nào thì mới bị xử lý?

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, luật sư Trương Anh Tuấn, đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết, pháp luật hiện nay quy định rất cụ thể nếu các xe chở thép cuộn chằng buộc sơ sài dù chưa gây tai nạn vẫn bị xử phạt, còn nếu gây tai nạn thì tài xế có thể bị xử lý hình sự.

Cụ thể, các chủ phương tiện/người điều khiển xe khi chở hàng hóa phải tuân thủ các quy định Luật Giao thông đường bộ 2008 (Luật số 23/2008/QH12 ngày 13 tháng 11 năm 2008) của Quốc hội, nhất là tuân thủ nghiêm trọng tải pháp luật cho phép đối với từng loại xe.

 Ảnh minh họa: Thế Quang/vtc.vn

Điều 20 Chương 1 Luật Giao thông đường bộ 2008 nêu rõ hàng hóa xếp trên xe phải gọn gàng, chằng buộc chắc chắn, không để rơi vãi dọc đường, không kéo lê hàng hóa trên mặt đường và không cản trở việc điều khiển xe; Khi xếp hàng hóa vượt phía trước và phía sau xe thì ban ngày phải có cờ báo hiệu màu đỏ, ban đêm hoặc khi trời tối phải có đèn đỏ báo hiệu.

Đối với các xe chở hàng hóa không chằng buộc để rơi xuống đường, Điều 24 Mục 5 Chương II Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt nêu rõ, xử phạt người điều khiển xe ô tô tải, máy kéo (bao gồm cả rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo theo) và các loại xe tương tự xe ô tô vận chuyển hàng hóa vi phạm quy định về vận tải đường bộ, cụ thể, phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng nếu vận chuyển hàng trên xe phải chằng buộc mà không chằng buộc hoặc có chằng buộc nhưng không chắc chắn, trừ hành vi vi phạm quy định tại Điểm c Khoản 4 Điều này.

Thậm chí, phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1, Điểm c Khoản 4 Điều này mà gây tai nạn giao thông.

Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng

Luật sư Trương Anh Tuấn cho biết, trong trường hợp gây va chạm, tai nạn giao thông, nếu có đủ căn cứ, cơ quan chức năng có thể truy cứu trách nhiệm hình sự người vi phạm về tội "vi phạm qui định tham gia giao thông đường bộ" theo quy định tại Điều 260 Mục 1 Chương XXI Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Trong trường hợp người tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Không có giấy phép lái xe theo quy định;

b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng;

c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;

d) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;

đ) Làm chết 02 người;

e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

g) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

h) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

Phạm tội thuộc một trong các trường sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

Người tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

“Các chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện phải nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của luật giao thông đường bộ, không được coi thường, chủ quan, thường xuyên theo dõi mức độ an toàn của các mặt hàng chuyên chở trên xe, đồng thời những người tham gia giao thông khác cũng chủ động giám sát và thông báo kịp thời cho người lái xe nếu thấy có nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn, tránh tối đa thiệt hại do các vụ va chạm giao thông trong tình huống bất ngờ”, luật sư Tuấn nhấn mạnh./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực