Xe máy chở hàng cồng kềnh gây tai nạn chết người có thể bị phạt tới 15 năm tù?

Thứ tư, 20/07/2022 23:24
(ĐCSVN) - Xe máy chở hàng hóa cồng kềnh, lạng lách đánh võng gây tai nạn làm chết từ 3 người có thể bị phạt tù tới 15 năm.

Vừa qua, một đoạn clip do camera hành trình ghi lại một vụ tai nạn xảy ra vào lúc 17h39' ngày 14/7/2022 đang thu hút cư dân mạng.

Theo clip, trên đoạn đường có phân chia làn đường, nhiều phương tiện ô tô xe máy nối đuôi nhau đi trên đường. Hai thanh niên đi xe máy chở theo nhiều hàng hóa đựng trong các bao tải màu xanh nối đuôi nhau lạng lách trên đường, tạt đầu cả xe ô tô có gắn camera hành trình.

Một thanh niên khi lạng lách vượt lên phía trước đã va quệt vào tay lái của người đàn ông mặc áo xanh đang điều khiển xe máy đi ở làn trong cùng. Vụ va chạm bất ngờ khiến người này ngã đập mặt xuống đường. Rất may lúc đó xe ô tô gắn camera hành trình đi đúng làn đường nên người bị ngã không bị tai nạn.

Diễn biến vụ va chạm được ô tô có gắn camera hành trình ghi lại. (Ảnh: chụp màn hình)

Xét về góc độ pháp lý, trao đổi với Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, luật gia Nguyễn Thế Hiển, Công ty luật TNHH Trường Sơn (trụ sở tại thành phố Hà Nội) cho rằng, nếu có đủ bằng chứng chứng minh các đối tượng đi xe máy nói trên thực hiện hành vi chở hàng cồng kềnh và lạng lách, đánh võng thì sẽ xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP ngày 28 tháng 12 năm 2021 sửa đổi Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải; giao thông đường bộ, đường sắt; hàng không dân dụng.

Cụ thể, theo Khoản 4 Điều 19, Chương V, Thông tư 46/2015/TT-BGTVT46/2015/TT-BGTVT ngày 07 tháng 9 năm 2015 của Bộ Giao thông Vận tải, giới hạn sắp xếp hàng hóa trên mô tô, xe gắn máy được quy định như sau: “Xe mô tô, xe gắn máy không được xếp hàng hóa, hành lý vượt quá bề rộng giá đèo hàng theo thiết kế của nhà sản xuất về mỗi bên 0,3 mét, vượt quá phía sau giá đèo hàng là 0,5 mét. Chiều cao xếp hàng hóa tính từ mặt đường xe chạy không vượt quá 1,5 mét.”

Mức phạt được quy định tại Điểm k Khoản 3, Điều 6, Mục 1, Chương II Nghị định 100/2019/NĐ-CP và Nghị định 123/2021/NĐ-CP, theo đó, người điều khiển xe mô tô sẽ bị phạt tiền từ 400 - 600 nghìn đồng nếu chở hàng hóa cồng kềnh, vượt quá giới hạn quy định.

Đối với hành vi lạng lách, đánh võng, theo quy định tại Điểm b Khoản 8, Điều 6, Mục 1, Chương II Nghị định 100/2019/NĐ-CP và Nghị định 123/2021/NĐ-CP thì người điều khiển xe mô tô sẽ bị phạt tiền từ 6 - 8 triệu đồng.

Theo luật gia Nguyễn Thế Hiển, trong trường hợp hành vi nói trên gây ra tai nạn thì đối tượng sẽ bị truy tố tội “vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo quy định tại Điều 260, Mục 1, Chương XXI Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi bởi Khoản 72 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự năm 2017.

Cụ thể, người tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, thì bị phạt tiền từ 30 - 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường sau đây thì bị phạt tù từ 07-15 năm: Làm chết 03 người trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; Gây thiệt hại về tài sản 1,5 tỷ đồng trở lên.

Có thể thấy rằng, hiện vẫn còn tình trạng nhiều cá nhân coi thường pháp luật, viện cớ vì mưu sinh, chạy theo doanh số, bất chấp rủi ro, không những chở hàng cồng kềnh còn cố tình lạng lách, đánh võng rất dễ dẫn tới các tình huống mất an toàn giao thông.

“Do vậy, bên cạnh việc tiếp tục truyền thông, nâng cao ý thức chấp hành của người dân hay chủ doanh nghiệp, trong quá trình tuần tra kiểm soát hoặc trực tiếp chỉ huy điều hành giao thông, lực lượng chức năng cũng cần kiên quyết xử phạt thật nghiêm minh đối với các cá nhân vi phạm nhằm mang tính răn đe, đồng thời người tham gia gia thông cũng chủ động giám sát, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội”, luật gia Nguyễn Thế Hiển nhấn mạnh./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực