Xử nghiêm mạo danh báo chí

Thứ ba, 31/01/2023 18:05
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Đề nghị các lực lượng như cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông… xử lý thật nghiêm vì nó làm ảnh hưởng đến uy tín nghề nghiệp của những người làm báo chân chính, đồng thời liên hệ với các cơ quan báo chí bị giả mạo để phối hợp giải quyết.

Chiều 30/1, Hội Nhà báo Việt Nam cho biết vừa tiếp nhận thông tin xuất hiện nhiều xe ô tô gắn phù hiệu Hội Nhà báo Việt Nam và các cơ quan báo chí lưu thông trên đường, lợi dụng danh nghĩa hoạt động báo chí để hòng bỏ qua những vi phạm giao thông.

Cụ thể, xe ô tô biển kiểm soát 30A - 821.XX (nền biển màu trắng, chữ màu đen) có gắn thẻ hội viên và logo Hội Nhà báo Việt Nam.

Về việc này, Hội nhà báo Việt Nam khẳng định chiếc xe ô tô trên không thuộc cơ quan Hội có địa chỉ tại phố Dương Đình Nghệ và phố Lý Thái Tổ, Hà Nội. Hoạt động cơ quan báo chí cũng bình đẳng như những đơn vị nhà nước khác nên không có chuyện cấp phù hiệu để ưu tiên. Phòng Cảnh sát giao thông công an thành phố Hà Nội đã tiếp nhận thông tin và tiến hành điều tra xác minh làm rõ vụ việc.

 Lực lượng cảnh sát giao thông đang tiến hành xử lý với việc xe ô tô gắn phù hiệu báo chí.

Xét về góc độ pháp lý, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, luật sư Nguyễn Văn Kỹ, đoàn luật sư tỉnh Bắc Ninh cho biết Khoản 2 Điều 6 Chương II Nghị định 119/2020/NĐ-CP (Số:119/2020/NĐ-CP, ngày 07 tháng 10 năm 2020) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản, cụ thể phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Mạo danh nhà báo, phóng viên để hoạt động báo chí; Lợi dụng tư cách nhà báo, phóng viên can thiệp, cản trở hoạt động đúng pháp luật của tổ chức, cá nhân; Sử dụng thẻ nhà báo đã bị sửa chữa, tẩy xóa để hoạt động báo chí.

Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng tư cách nhà báo, phóng viên để trục lợi.

Tùy tính chất, mức độ… của từng hành vi vi phạm (xin bỏ qua các lỗi có mức phạt hành chính tương đối nghiêm về nồng độ cồn, tốc độ, tuân thủ đèn tín hiệu giao thông…) mà các đối tượng này còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức quy định tại Khoản 3 Điều 341 Chương XXII Bộ luật Hình sự năm 2015 (Số: 100/2015/QH13, ngày 27 tháng 11 năm 2015), sửa đổi bổ sung năm 2017 với mức phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, thậm chí phạt tù từ 03 năm đến 07 năm, cùng với đó là hình phạt bổ sung (phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng).

Trong khi những người công tác trong lĩnh vực báo chí cách mạng ý thức rất rõ sứ mệnh cao cả và vẻ vang của mình, luôn cẩn trọng với mỗi hành xử, phát ngôn thì không ít đối tượng chỉ với những tấm thẻ, tờ giấy “dởm”, tự nhận mình là phóng viên/biên tập viên/hội viên Hội nhà báo… để hù dọa, nhũng nhiễu và tiến hành các hành vi vi phạm pháp luật, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Do đó, để dẹp vấn nạn trên, cần nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của các cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quản lý đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên nhất là vấn đề đạo đức người làm báo. Khi phát hiện có sai phạm cần khẩn trương xác minh, điều tra, kết luận và xử lý nghiêm. Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật có liên quan tới báo chí cho cộng đồng xã hội cũng như lực lượng chức năng chuyên ngành.

“Trong bất cứ quốc gia nào, thượng tôn pháp luật là yếu tố quan trọng để duy trì và thực thi hiệu quả hoạt động quản lý xã hội, muốn đạt hiệu quả thì nhà nước và công dân đều phải là đối tượng nêu cao tinh thần thượng tôn pháp luật. Điều 16 Chương II Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 khẳng định: Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội. Nghề nào và người nào cũng vậy”, luật sư Kỹ nhấn mạnh./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực