Cần đánh giá chính xác hiệu quả của xe buýt nhanh BRT

Thứ ba, 05/07/2022 11:17
(ĐCSVN) - Một trong các mục tiêu chủ yếu của thành phố Hà Nội khi triển khai tuyến buýt nhanh BRT là thay thế phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc giao thông nội đô. Tuy nhiên, thực tế 6 năm qua cho thấy, việc thực hiện mục tiêu này đang có khá nhiều điểm bất cập đòi hỏi phải đánh giá chính xác về hiệu quả của tuyến buýt này.

Với tổng chiều dài trên 14 km, tuyến buýt nhanh BRT 01 có lộ trình Kim Mã - Yên Nghĩa đi qua những tuyến đường có mật độ phương tiện cao bậc nhất Hà Nội như: Giảng Võ, Láng Hạ, Lê Văn Lương, Tố Hữu, Quang Trung, Lê Trọng Tấn. Đến nay, sau thời gian hơn 6 năm đưa vào vận hành, tuy được hưởng nhiều “đặc quyền”, nhất là làn đường riêng, nhưng hiệu quả khai thác của tuyến buýt nhanh BRT 01 Kim Mã - Yên Nghĩa đang dừng lại ở mức khá khiêm tốn. Điều đáng nói, dọc theo lộ trình của tuyến buýt nhanh BRT 01 thường xuyên diễn ra tình trạng tắc đường, kẹt xe, đặc biệt là vào các khung giờ cao điểm.

Cụ thể, hiện tuyến BRT 01 được khai thác với tần suất 5 - 10 - 15 phút/chuyến. Dù xe ít khách hay nhiều khách nhưng vẫn được dành riêng một làn đường để lưu thông. Tại phần đường còn lại, tình trạng ùn tắc, ô tô xếp hàng 2, hàng 3 nhích từng mét thường xuyên diễn ra. Nhiều thời điểm, xe máy tràn cả vào làn đường dành riêng cho xe BRT. Điều này khiến xe buýt BRT không thể đi nhanh như tính toán, dù đã được dành hẳn một làn đường riêng.

 Được kỳ vọng thay thế phương tiện cá nhân, kéo giảm ùn tắc nhưng sau 6 năm vận hành tuyến buýt BRT, gần như các mục tiêu trên đều chưa đạt được .Trong ảnh: Tuyến buýt nhanh BRT đoạn qua đường Lê Văn Lương, Hà Nội. (Ảnh: Tạ Hải)

Hằng ngày đi làm bằng xe máy dọc tuyến buýt nhanh BRT 01, chị Lê Thu Hương ở Yên Nghĩa (Hà Đông) cho rằng, tình trạng ùn tắc tại các tuyến đường Tố Hữu, Lê Văn Lương có một phần nguyên nhân đến từ tuyến BRT. Việc xe cá nhân chỉ được đi trong 2 làn bên ngoài, làn còn lại phải dành riêng cho buýt nhanh đã dẫn đến ùn tắc giao thông. Mặt khác, các tuyến đường buýt nhanh đi qua rất hẹp, lưu lượng phương tiện cá nhân lớn cũng là nguyên nhân gây ra ùn tắc. “Việc dành hẳn một làn đường ưu tiên cho BRT đang gây lãng phí hạ tầng giao thông khi đường ưu tiên không thể phát huy hết thế mạnh”, chị Hương nhìn nhận.

Ghi nhận thực tế của phóng viên cho thấy, ùn tắc giao thông là tình trạng diễn ra thường xuyên tại hầu hết các nút giao cắt dọc theo lộ trình của tuyến buýt nhanh BRT 01. Điển hình là tại một số nút giao cắt như: Ngã tư Lê Trọng Tấn – Quang Trung (Hà Đông); ngã ba Tố Hữu - Vũ Trọng Khánh (Hà Đông)… Trong giờ cao điểm, cả tuyến đường có 3 làn xe chạy thì 1 làn dành riêng cho buýt nhanh BRT, 2 làn còn lại cho các phương tiện khác đi chung. Lưu lượng phương tiện cá nhân nhiều nên khó tránh được ùn tắc.

“Tôi thấy việc duy trì tuyến xe buýt này đang có khá nhiều bất cập. Giờ cao điểm ô tô xếp hàng dài, xe máy chen chúc. Hơn nữa, từ sau khi tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đi vào hoạt động với lộ trình gần như tương tự đã hút bớt lượng hành khách của buýt BRT do đường sắt đô thị tiện lợi hơn, di chuyển nhanh hơn. Theo tôi, UBND thành phố Hà Nội và các cơ quan chuyên môn, ngành giao thông nên xem xét lại hiệu quả của tuyến buýt nhanh BRT 01”, anh Nguyễn Văn Đức ở phường Quang Trung, quận Hà Đông chia sẻ.

 Buýt nhanh BRT của Hà Nội vẫn còn nhiều bất cập. (Ảnh: Hải Nguyễn)

Cùng chung quan điểm nói trên, anh Trần Văn Thanh ở quận Ba Đình đưa ra so sánh, trước Hà Nội, xe buýt nhanh BRT với làn đường ưu tiên đã được triển khai tại nhiều thành phố của một số nước như Nhật Bản, Ecuador… Song, đặc thù của họ là đường rộng (ít nhất 4 làn), trên đường không có nhiều phương tiện cá nhân như Việt Nam nên xe buýt nhanh BRT hoạt động rất hiệu quả. Còn ở Hà Nội, đường hẹp, giao thông công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại hàng ngày, đa phần người dân vẫn phải sử dụng phương tiện cá nhân nên việc dành cả một làn đường ưu tiên cho buýt nhanh sẽ khó đem lại hiệu quả như mong muốn.

Chia sẻ với báo chí, chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, BRT hoạt động không hiệu quả là điều không ai mong muốn. Đối với một dự án thử nghiệm đúng là cần có thời gian để đánh giá, tuy nhiên với tuyến BRT 01 Hà Nội hoạt động 6 năm không hiệu quả (hoặc hiệu quả thấp) thì cần phải có giải pháp để bố trí lại cho phù hợp. Thành phố Hà Nội cần có đánh giá và đưa ra giải pháp xử lý bất cập của BRT. Theo đó có thể nghiên cứu bỏ làn ưu tiên BRT, bố trí buýt nhanh hoạt động như buýt thường. Đồng thời nên phân làn cho ô tô và xe máy riêng biệt để thuận tiện cho việc đi lại của người dân.

Được biết mới đây nhất, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã có đề xuất với UBND Thành phố cho phép thêm một số phương tiện (gồm xe vận tải khách khối lượng lớn từ 24 chỗ trở lên, các loại xe công vụ, xe cứu nạn, xe buýt thường) lưu thông chung làn dành riêng cho xe buýt BRT.

Phát biểu tại buổi họp báo của UBND TP Hà Nội diễn ra vào chiều ngày 01/7 vừa qua, đồng chí Trần Hữu Bảo, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã thông tin, sau thời gian vận hành thì loại hình BRT đã đem lại hiệu quả tích cực, chất lượng phục vụ được duy trì ổn định, sản lượng vận tải hành khách ngày càng tăng, doanh thu ở mức cao so với toàn mạng lưới buýt hiện nay. Tuy nhiên, do tuyến buýt nhanh BRT 01 là trục xuyên tâm, tập trung các phương tiện ra, vào khu vực trung tâm, lưu lượng các phương tiện tăng cao, đặc biệt vào các khung giờ cao điểm gây ra tình trạng ùn ứ giao thông. Vì vậy, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã đề xuất cho phép thêm một số phương tiện lưu thông chung làn dành riêng cho xe buýt BRT, để đảm bảo phát huy hết làn đường ưu tiên hiện có của buýt nhanh BRT, đồng thời phù hợp với công tác tổ chức giao thông trên tuyến.

Trước mắt, trong khi đợi những quy định mới, để tuyến buýt nhanh BRT 01 phát huy hơn nữa hiệu quả theo thiết kế, thiết nghĩ UBND Thành phố và Sở Giao thông vận tải Hà Nội cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức tham gia giao thông của người dân, nhất là trên các trục đường có xe buýt nhanh BRT đi qua. Song song với đó, cần tăng cường lực lượng kiểm soát, điều tiết giao thông tại các vị trí thường xuyên xảy ra ùn tắc, tránh ùn tắc cục bộ kéo dài, ảnh hưởng đến quá trình tham gia giao thông của người dân.

Có thể thấy, mục tiêu của thành phố Hà Nội trong triển khai tuyến buýt nhanh BRT thay thế phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc giao thông nội đô. Tuy nhiên, thực tế 6 năm qua cho thấy, việc thực hiện mục tiêu này đang có khá nhiều điểm bất cập. Bởi BRT chỉ hoạt động hiệu quả và đúng nghĩa là buýt nhanh khi đường đủ rộng và hệ thống đường sắt đô thị tương đối hoàn thiện. Trong khi ùn tắc, kẹt xe lại đang là gam màu chủ đạo trong bức tranh BRT của Hà Nội hiện nay. Đặc biệt, tình trạng ùn tắc giao thông dọc theo lộ trình tuyến buýt nhanh BRT 01 còn khiến người dân mất thời gian, kinh tế hao tổn, ô nhiễm môi trường gia tăng, gia tăng áp lực cho hệ thống hạ tầng giao thông và lực lượng điều tiết giao thông… Đó là những vấn đề mà cơ quan chức năng, cơ quan chuyên môn nên sớm có những đánh giá khách quan, khoa học, chính xác để có chủ trương đúng đắn, phù hợp với thực tế, qua đó khai thác tốt hạ tầng giao thông, tránh ùn tắc, giảm thiểu nguy cơ tai nạn giao thông và hạn chế những tác động tiêu cực đối với đời sống, sinh hoạt của người dân Thủ đô./.

Phạm Minh Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực