Điểm chuẩn đại học năm 2021 tăng “chóng mặt” vì đâu?
|
Điểm chuẩn xét tuyển đại học năm nay cao và tăng vọt so với năm mùa tuyển sinh năm trước
(Nguồn: baogiaothong.vn) |
Tính đến nay, hầu hết các trường đại học trên cả nước đã công bố điểm chuẩn trúng tuyển dựa vào phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Có thể nói, điểm chuẩn năm nay cao và tăng vọt so với năm mùa tuyển sinh năm trước.
Thống kê từ các trường cho thấy điểm chuẩn các ngành năm nay đều tăng so với năm trước, nhất là các tổ hợp có xét tuyển môn Tiếng Anh. Đặc biệt, có những trường đại học có ngành lấy trên mức 30 điểm (thang 30 điểm đã cộng các điểm ưu tiên). Cụ thể, ngành sư phạm Ngữ văn chất lượng cao của Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) có điểm chuẩn lên tới 30,5; tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), ngành Hàn Quốc học có mức điểm chuẩn 30 (thang điểm 30) với khối C00 và ngành Đông phương học có mức điểm chuẩn 29,8.
Ngoài ra, hai trường trong khối các trường Công an nhân dân có mức điểm chuẩn cao gần tuyệt đối như: Học viện Chính trị Công an nhân dân, với điểm chuẩn ngành Xây dựng lực lượng công an nhân dân là 30,34 điểm (xét tuyển đối với nữ, ở khu vực phía Bắc, bằng tổ hợp khối C00); Điểm chuẩn ngành Nghiệp vụ An ninh của Học viện An ninh Nhân dân là 29,99 điểm, áp dụng cho thí sinh nữ ở địa bàn 1 (10 tỉnh miền núi phía Bắc), dự thi khối A01; 29,84 điểm với thí sinh nữ ở địa bàn 2 (gồm các tỉnh, thành ở khu vực đồng bằng, trung du Bắc Bộ).
Mùa tuyển sinh năm nay cũng ghi nhận sự lên ngôi của các ngành như khoa học máy tính, công nghệ thông tin, kinh doanh, báo chí - truyền thông khi có mức điểm chuẩn dẫn đầu của nhiều trường top đầu như: Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.
|
Chị Ngô Linh Nhâm (Ảnh: PV) |
Là một phụ huynh có con tham gia kỳ xét tuyển năm 2021, chị Ngô Linh Nhâm (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: Điểm chuẩn xét tuyển đại học năm nay tăng đột biến khiến tôi vô cùng bất ngờ và hoang mang. Với mức điểm chuẩn “cao chót vót” như hiện nay, sẽ rất thiệt thòi cho những học sinh không có điểm cộng. Trên thực tế, đã có rất nhiều trường hợp thí sinh đạt từ 29,5 điểm trở lên không trúng tuyển nguyện vọng nào, khiến các cháu không còn niềm tin để phấn đấu học hành. Một nguyên nhân nữa khiến điểm chuẩn xét tuyển vào đại học năm 2021 cao vọt hơn các năm trước là do các trường đại học đã dành lượng chỉ tiêu cho các phương thức khác như: xét học bạ, xét điểm đánh giá năng lực, bài thi chuẩn hóa quốc tế, phỏng vấn… Do đó, các thí sinh xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT phải cạnh tranh khốc liệt. Theo tôi, trong những năm tới, ngoài những tiêu chí của Bộ Giáo dục – Đào tạo, các trường đại học cần phải có sự chủ động trong tuyển sinh theo các phương thức khác nhau của trường, đảm bảo đầu vào theo yêu cầu của từng ngành học. Có như thế, những bạn vào đại học mới hoàn toàn xứng đáng là những người có tố chất và nỗ lực thực sự.
Đồng quan điểm với chị Ngô Linh Nhâm, anh Trần Hùng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến điểm chuẩn xét tuyển năm học 2021 tăng cao là do đề thi tương đối dễ. Khi đề thi dễ, mức điểm cao nhiều thì những thí sinh có điểm ưu tiên (đối tượng, khu vực) có lợi thế hơn. Vì vậy, việc các trường dùng phương án sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển và cách cộng điểm ưu tiên như hiện nay là không hợp lý.
Theo PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, có nhiều lý do dẫn tới điểm chuẩn của các trường năm ngoái đã cao, năm nay càng cao hơn như: mức độ đề thi chưa có tính phân hóa cao; thí sinh tăng nguyện vọng vào các trường "top", ngành "hot"; các trường cũng bắt đầu tăng chỉ tiêu tuyển sinh riêng, xét tuyển kết hợp khiến tỷ lệ chỉ tiêu cho việc xét điểm thi tốt nghiệp THPT giảm...Với độ phân hóa đề thi như hiện tại, trong thời gian tới, các trường sẽ tính đến việc giảm sự phụ thuộc vào kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Thay vào đó, chủ động đưa ra các phương thức tuyển sinh riêng để đảm bảo yêu cầu của từng trường.
Trao đổi với báo chí, lý giải về hiện tượng điểm chuẩn đại học năm 2021 tăng vọt , Thứ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho rằng: năm 2021 số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT là hơn 1 triệu thí sinh, tăng hơn 11% so với năm ngoái. Trong đó số thí sinh đăng ký xét tuyển Đại học, Cao đẳng là 795.000, tăng 24% so với năm 2020 có thể do nhiều em không đi du học, hoặc do xu hướng chọn ngành nghề...
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo Hoàng Minh Sơn, ngoài số lượng thí sinh dự thi tốt nghiệp tăng và số thí sinh đăng ký xét tuyển Đại học, Cao đẳng tăng, thì xu hướng chọn ngành nghề của các thí sinh năm nay có nhiều thay đổi. Những nhóm ngành tăng điểm chuẩn của năm nay là kỹ thuật, công nghệ; khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên, sau đó mới là kinh doanh, khoa học xã hội nhân văn... Ngoài ra, phân tích phổ điểm thi thì thấy môn tiếng Anh cải thiện so với năm 2020, góp phần làm tăng điểm chuẩn xét tuyển của các trường trong năm nay.
Điểm chuẩn cao, nhiều thí sinh “tay trắng”
|
Nhiều thí sinh có lợi thể vì được cộng thêm điểm ưu tiên (Nguồn: baogiaothong.vn) |
Điểm chuẩn của các trường đại học trong năm nay tăng vọt khiến nhiều thí sinh không thể đỗ vào ngành học mình yêu thích, thậm chí “tay trắng” vì không đỗ bất cứ nguyện vọng nào.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay có 61 thí sinh đạt từ 29,5 điểm trở lên không trúng tuyển nguyện vọng nào. Cá biệt, 3 ngành của Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa), Học viện Chính trị Công an nhân dân, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Hà Nội) lấy điểm chuẩn 30 - 30,5. Như vậy nếu thí sinh đạt điểm tuyệt đối (30/30) mà không cộng điểm ưu tiên thì vẫn trượt đại học.
Một số ý kiến cho rằng, các thí sinh đạt từ 29,5 trở lên (chỉ thiếu 0,5 điểm/3 môn là đạt tuyệt đối) mà trượt hết các nguyện vọng là bi kịch trong việc học hành, thi cử chứ không đơn thuần là “đáng tiếc”. Bởi, với cách xét tuyển như hiện nay thì thí sinh chịu nhiều may rủi trong việc lựa chọn nguyện vọng; một phần nữa là do điểm ưu tiên trong xét tuyển đại học. Điểm ưu tiên theo khu vực và đối tượng chính sách theo quy định của Nhà nước khiến điểm tổng (sau khi cộng điểm ưu tiên, tối đa lên đến 2,75 điểm đối với thí sinh người thiểu số ở KV1) của thí sinh vượt qua ngưỡng 30/30. Theo đó, để đảm bảo tính công bằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nghiên cứu bỏ hoặc giảm bớt điểm ưu tiên trong xét tuyển đại học vì cách làm này còn nhiều bất cập.
Nhận định về vấn đề này, TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng đại học, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng: “Năm nay phương thức xét tuyển sinh rất lộn xộn. Ngoài xét theo điểm thi tốt nghiệp THPT, học bạ còn một số điểm khác, trong đó có cả tiêu chí rất lạ như lấy chứng chỉ quốc tế ngoại ngữ để quy đổi điểm thi. Chính sự lộn xộn dẫn đến tình trạng thí sinh chỉ căn cứ vào điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển đại học sẽ bị hụt hẫng. Tôi nghĩ đó là nguyên nhân chính. Nếu tình trạng này không khắc phục thì các năm tiếp theo sẽ bị mất lòng tin của phụ huynh, thí sinh về kỳ thi tốt nghiệp THPT này”.
Tham gia kỳ thi năm nay với số điểm 25,5, thí sinh Trần Linh Trang (Hà Nội) đã hoàn toàn suy sụp vì biết bản thân đã trượt toàn bộ 11 nguyện vọng mà mình đăng ký. Em tâm sự, do lượng được sức học của mình cộng với việc nghiên cứu rất kỹ các ngành trước khi đăng ký nguyện vọng song do năm điểm chuẩn của các trường đại học đều tăng vọt, trung bình từ 5-6 điểm so với năm ngoái, thậm chí có trường còn tăng lên đến hơn 10 điểm. Sau 12 năm miệt mài phấn đấu đèn sách, với sự kỳ vọng của bố mẹ mà giờ đây em bỗng trở thành “tay trắng”.
Theo Giáo sư Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, từ thực tế của các phương thức tuyển sinh đại học và kết quả điểm của kỳ thi THPT như hiện nay, gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về việc đổi mới tuyển sinh đại học và vô cùng cấp thiết.
Nhấn mạnh vai trò của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc đổi mới công tác tuyển sinh, GS Nguyễn Đình Đức cho biết, việc thành lập các trung tâm khảo thí đủ năng lực và kinh nghiệm để tổ chức các kỳ thi tuyển sinh vào đại học là kinh nghiệm nhiều nước đã thực hiện, và Việt Nam cũng đang triển khai (như ở hai ĐHQG và một số trường đại học khác). Tuy nhiên, cần có sự kiểm soát chất lượng và cầm trịch của Bộ Giáo dục và Đào tạo, để có sự tương đương chuyển đổi phù hợp giữa các bài thi của các trung tâm khảo thí khác nhau, không chỉ phục vụ tuyển sinh, mà còn để xử lý học vụ khi người học chuyển trường, chuyển ngành một cách khách quan và công bằng. Mặt khác, nói việc tuyển sinh là của các trường, nhưng cũng không vì thế mà bỏ qua vai trò hỗ trợ và điều hành, điều tiết của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết: năm 2021, trong hoàn cảnh dịch bệnh, một số trường dù đã xây dựng những phương án xét tuyển khác nhau bằng kỳ thi đánh giá năng lực, kỳ thi kiểm tra tư duy, nhưng cuối cùng vẫn không thể tổ chức được. Trong điều kiện những năm tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có những phương án để các trường đại học được tăng quyền tự chủ, có thể phối hợp với nhau để đưa ra những phương thức tuyển sinh bổ sung cho kỳ thi tốt nghiệp THPT. Điều này nhằm đảm bảo việc tuyển sinh diễn ra nhẹ nhàng nhưng vẫn đánh giá tốt năng lực của thí sinh, giúp các em không phải dự thi nhiều lần mà các trường vẫn có thể vẫn chọn được thí sinh phù hợp với các ngành đào tạo của trường mình.
Cũng trong một động thái liên quan, ngày 20/9 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết một số đại học lớn sẵn sàng xét tuyển bổ sung thí sinh có kết quả thi tốt nghiệp THPT cao mà vẫn trượt đại học. Thông tin trên được đưa ra sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo trao đổi với một số đại học lớn nhằm xem xét quyền lợi của thí sinh đạt 27 điểm thực trở lên (tính tổng 3 môn, chưa cộng điểm ưu tiên) nhưng không trúng tuyển nguyện vọng nào. Việc xét tuyển bổ sung sẽ căn cứ vào nguyện vọng, số điểm của thí sinh và điểm chuẩn của từng ngành học cụ thể.
Có thể nói, trong hai năm vừa qua vẫn còn đâu đó những bất cập trong xét tuyển đại học, thiết nghĩ đã đến lúc Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh; đồng thời đa dạng các phương thức xét tuyển để thí sinh có nhiều con đường khác nhau vào trường đại học./.