|
|
Lực lượng Cảnh sát Giao thông tăng cường kiểm tra các vi phạm về nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông. Ảnh: Minh Phương |
Ngay trong những ngày đầu năm mới 2020, các địa phương trong cả nước đã đồng loạt triển khai thực hiện Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (thay thế Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ). Cùng với việc nhắc nhở, tuyên truyền các quy định mới, lực lượng cảnh sát giao thông đã kiên quyết xử lý nhiều trường hợp vi phạm. Điển hình là nam tài xế điều khiển xe lưu thông trên cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình đã bị tổ công tác thuộc Đội Cảnh sát giao thông số 3, Cục Cảnh sát giao thông kiểm tra, xử phạt 35 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 23 tháng do nồng độ cồn trong khí thở của người này là 0,719 mg/lít, vượt mức quy định 0,4 miligam/lít.
Điểm nổi bật của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, so với Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016, đó là Nghị định số 100/2019 đã bổ sung hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển xe đạp, xe thô sơ; điều chỉnh mức xử phạt đối với một số hành vi, nhóm hành vi đặc biệt là các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn theo Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia; những hành vi liên quan đến nguyên nhân gây tai nạn giao thông tăng nặng mức xử phạt, như: Vi phạm quy định về nồng độ cồn, chất ma túy, đi không đúng phần đường, làn đường, chạy quá tốc độ, đi ngược chiều, lùi xe trên đường cao tốc… Thực tế cho thấy, sau khi được thông tin rộng rãi, nội dung Nghị định số 100/2019 đã nhận được sự đồng tình lớn từ phía dư luận.
Tiếp cận từ góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn An Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn An Bình và cộng sự cho biết: So với các quy định trước đây, nội dung Nghị định 100/2019 đã đánh dấu bước tiến lớn trong việc tăng nặng mức xử lý đối với các hành vi vi phạm về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiên tham gia giao thông; từ đó tăng trách nhiệm của mọi người đối với cộng đồng xã hội. Cụ thể, khoản 10, điều 5, Nghị định 100/2019 nêu rõ: Phạt tiền từ 30.000.000 triệu đồng đến 40.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililit máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít thở không khí; không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn đối với người thi hành công vụ; v.v
Ngoài ra, cũng theo quy định tại điều 5 của Nghị định này, người có hành vi trên còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng.
Anh Nguyễn Mạnh Cường ở Gia Lâm (Hà Nội) chia sẻ:“Thời gian gần đây đã có rất nhiều vụ tai nạn thương tâm xuất phát từ nguyên nhân lái xe điều khiển phương tiện sau khi sử dụng đồ uống có nồng độ cồn như bia, rượu... Rất nhiều người vợ đã mất chồng, con mất cha chỉ vì một vài cốc bia, chén rượu. Do đó, tôi rất ủng hộ việc xử phạt thật nặng những người điểu khiển phương tiện có hành vi vi phạm về nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Mong các nội dung của Nghị định số 100/2019 sớm được thực hiện nghiêm trong thực tiễn đời sống”.
|
|
Anh Nguyễn Mạnh Cường ở Gia Lâm (Hà Nội). Ảnh: QĐ |
Còn theo chị Đặng Lan Phương (Điện Biên), sử dụng rượu, bia từ lâu đã trở thành thói quen của không ít người; cùng với đó là việc nhiều người hay “ép” nhau uống rượu. Vui đâu chưa thấy nhưng “rượu vào lời ra”; uống nhiều rượu, bia thường dễ dẫn đến những hành vi lệch chuẩn, nhất là sau khi sử dụng bia, rượu lại điều khiển phương tiện tham gia giao thông thì rất dễ xảy ra tai nạn. Trước đây, tình trạng này chưa được kiểm soát tốt là do chế tài xử lý chưa thực sự mang tính răn đe. Tôi nghĩ, việc nâng mức phạt, tăng thời gian tước giấy phép lái xe đối với người vi phạm về nồng độ cồn là hoàn toàn hợp lý.
|
|
Chị Đặng Lan Phương ở Điện Biên. Ảnh: QĐ |
Ở góc nhìn mang tính toàn diện, ông Lê Tuấn Anh (Bắc Ninh) cho rằng, thực tế tại một số quốc gia, họ có chế tài rất nghiêm khắc với lái xe uống rượu, bia. Ví dụ như ở Anh, lái xe bị kết tội khi nồng độ cồn vượt quá quy định 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0.35mg/1 lít khí thở. Còn ở New Zealand, nếu nồng độ cồn trong hơi thở hơn 0.4mg hoặc nồng độ cồn trong máu hơn 80 mg, người lái xe có thể bị truy tố ra tòa và nếu bị kết án, có thể bị tù 3 tháng hoặc bị phạt tới 4.500 USD, tước bằng lái ít nhất 6 tháng. Vì vậy, cùng với việc nâng mức xử phạt hành chính, thiết nghĩ chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân; đồng thời, tiếp tục nghiên cứu có thể áp dụng hình thức tước Giấy phép lái vĩnh viễn hoặc xử lý hình sự đối với những trường hợp vi phạm ở mức độ nghiêm trọng.
Có thể thấy, những điều chỉnh trong xử lý lỗi vi phạm quy định về nồng độ cồn được quy định tại Nghị định 100/2019 đã và đang được dư luận ủng hộ, đồng thuận cao. Với việc triển khai nghiêm túc Nghị định 100/2019, hy vọng vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt nói chung, vi phạm về nồng độ cồn nói riêng sẽ từng bước được hạn chế; góp phần bảo đảm an toàn cho mọi người khi tham gia giao thông, nhất là dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 đang đến gần./.