Thông tuyến bảo hiểm y tế tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận dịch vụ y tế

Thứ sáu, 08/01/2021 14:36
(ĐCSVN) – Quy định thông tuyến tỉnh trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2021. Nhiều ý kiến cho rằng, quy định này tạo thuận lợi hơn cho người dân trong tiếp cận dịch vụ y tế, song dự báo sẽ gây nên tình trạng quá tải tại các cơ sở y tế tuyến trên và tạo áp lực không nhỏ lên Quỹ bảo hiểm y tế.

Tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận dịch vụ y tế

Bắt đầu từ ngày 1/1/2021, uy định thông tuyến tỉnh trong khám, chữa bệnh BHYT chính thức có hiệu lực  (Ảnh minh họa. Nguồn ảnh:  IT)

Căn cứ Điều 22 Luật BHYT 2008, sửa đổi bổ sung năm 2014, người có thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh trái tuyến được quỹ BHYT thanh toán theo mức hưởng khi đi khám đúng tuyến. Như vậy, sau 5 năm thông tuyến BHYT tuyến huyện, bắt đầu từ 01/01/2021, tiếp tục thông tuyến BHYT nội trú tuyến tỉnh trong toàn quốc. Việc này tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia BHYT, có thẻ BHYT, không cần giấy chuyển viện mà vẫn được khám chữa bệnh và được bảo đảm quyền lợi tại các cơ sở khám chữa bệnh tuyến tương đương trên toàn quốc, được quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị nội trú theo phạm vi quyền lợi và mức hưởng (như đúng tuyến).

Theo quy định hiện hành, những trường hợp đi khám chữa bệnh trái tuyến chỉ được quỹ BHYT chi trả  40% chi phí điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến trung ương và 60% chi phí điều trị nội trú đối với tuyến tỉnh. Tuy nhiên, sang năm 2021, người có thẻ BHYT khi điều trị nội trú trái tuyến ở các bệnh viện tuyến tỉnh trong cả nước thì mức hưởng BHYT sẽ được tăng từ 60% lên 100% đối với các đối tượng theo quy định.

Cụ thể, quỹ BHYT sẽ chi trả 100% chi phí điều trị nội trú cho người tham gia BHYT khi tự đi khám chữa bệnh không đúng tuyến tại các cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh trong cả nước đối với nhóm đối tượng: quân đội, công an, người có công với cách mạng, cựu chiến binh, trẻ em dưới 6 tuổi, người hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng, dân tộc thiểu số; những trường hợp có chi phí một lần khám chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương cơ sở (khoảng 224 ngàn đồng); người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên,  có số tiền đồng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở  (khoảng 8,9 triệu đồng); người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng. Riêng thân nhân người có công với cách mạng đi khám BHYT trái tuyến sẽ được quỹ BHYT chi trả 95% chi phí điều trị nội trú. Các đối tượng có thẻ BHYT còn lại đi khám BHYT trái tuyến sẽ được quỹ BHYT chi trả 80%. Mức chi trả này áp dụng từ năm 2021 trở đi.

Chia sẻ với báo chí về vấn đề này, ông Lê Văn Phúc, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết: Theo quy định của Luật BHYT năm 2014, trước 1/1/2021, người có thẻ BHYT đi khám chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến tỉnh mà không có giấy chuyển viện từ tuyến dưới, thì được coi là đi khám chữa bệnh trái tuyến. Từ thời điểm 1/1/2021, dù thẻ BHYT của người bệnh đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại các cơ sở y tế tuyến xã, tuyến huyện, nhưng nếu điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh, dù không cần giấy chuyển tuyến theo trình tự từ cơ sở y tế tuyến dưới, người bệnh vẫn được coi là điều trị đúng tuyến. Theo đó, người bệnh có thẻ BHYT được tự lựa chọn điều trị nội trú (không áp dụng cho khám chữa bệnh ngoại trú). Quy định này tạo thuận lợi cho người dân khi có nhu cầu khám, điều trị tại bệnh viện tuyến tỉnh, hoặc bệnh nhân ở tỉnh xa, đi công tác, làm việc tại địa phương khác. Bên cạnh đó, đây cũng động lực để tất cả các tuyến y tế nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Chất lượng khám chữa bệnh được nâng lên, người bệnh được hưởng.

Là một người thường xuyên phải lên Bệnh viện Bạch Mai điều trị, bác Trần Văn Hải, 70 tuổi, người Thái Bình chia sẻ: “Tôi rất vui khi xem trên các phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền về việc thông tuyến  tỉnh trong khám, chữa bệnh BHYT. Giờ đây, những bệnh nhân sẽ rút gọn được khâu xin giấy chuyển viện, được tự chọn lựa cho mình những cơ sở y tế khám chữa bệnh tốt nhất mà không phải lo làm những thủ tục hành chính rườm rà như trước nữa”.

Đồng quan điểm với bác Trần Văn Hải, bà Mai Thị Hằng (Thanh Hóa) cho rằng, quy định thông tuyến tỉnh trong khám, chữa bệnh BHYT chính thức có hiệu lực đã giúp người dân có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ y tế. Trước kia, khi đi khám chữa bệnh, người dân phải đến những cơ sở y tế đăng ký khám chữa bệnh ban đầu rồi dựa vào tình trạng bệnh lý mới được quyết định chuyển lên tuyến trên để điều trị. Tuy nhiên, việc chuyển bệnh nhân cũng gặp nhiều khó khăn do vướng vào một số thủ tục hành chính. Đây cũng là “rào cản” khiến người dân khó tiếp cận với các dịch vụ y tế tuyến trên theo đúng nhu cầu và nguyện vọng.

Quá tải tại các cơ sở y tế tuyến trên

Nhiều ý kiến cho rằng, về mặt xã hội, quy định thông tuyến tỉnh trong khám, chữa bệnh BHYT chính thức có hiệu lực sẽ tạo cơ hội để người bệnh được hưởng những điều kiện điều trị tốt hơn, được quyền chọn lựa theo đúng nhu cầu. Bên cạnh đó, việc làm này cũng dự báo sẽ gây nên tình trạng quá tải tại các cơ sở y tế tuyến trên. Để khắc phục tình trạng này, các bệnh viện tuyến tỉnh phải tự thay đổi, đầu tư về con người, về quy trình, về kỹ thuật để thu hút người dân ở lại địa phương điều trị.

Phòng Can thiệp Tim mạch với trang thiết bị hiện đại tại BVĐK tỉnh Tuyên Quang (Ảnh: BV Tuyên Quang) 

Là một bệnh viện tuyến tỉnh, trung bình mỗi năm phải chuyển từ 3000 - 4000 bệnh nhân nặng về tuyến Trung ương để điều trị, trong những năm gần đây, để khắc phục tình trạng này, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị hiện đại và triển khai đưa vào hoạt động các dịch vụ y tế nhằm phục vụ nhu cầu tốt nhất cho người dân địa phương. Chia sẻ về vấn đề này, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang Phạm Quang Thanh cho biết: “Trong nhiều năm qua, yếu tố con người luôn được Ban lãnh đạo Bệnh viện đặt lên hàng đầu. Bệnh viện thường xuyên cử cán bộ nhân viên y tế đi đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn. Bên cạnh đó, Bệnh viện được trang bị hệ thống trang thiết bị hiện đại, phục vụ cho công tác khám chữa bệnh như máy CT, máy cộng hưởng từ, máy chụp mạch... thực hiện nhiều kỹ thuật khó trong lĩnh vực khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân. Chính vì vậy, bệnh viện đã trở thành địa chỉ khám chữa bệnh tin cậy của không những người dân trong toàn tỉnh Tuyên Quang và các tỉnh lân cận như Hà Giang, Yên Bái, Phú Thọ…, góp phần giảm tình trạng chuyển lên tuyến trên điều trị”.

Dự báo tình trạng quá tải sẽ xảy ra, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP. Hồ Chí Minh Diệp Bảo Tuấn cho biết, việc áp dụng quy định thông tuyến tỉnh trong khám, chữa bệnh BHYT thông tuyến tỉnh giúp người dân lựa chọn nơi điều trị theo đúng bệnh lý và lòng tin. Tuy vậy, quy định thông tuyến tỉnh BHYT cũng gây nhiều trở ngại cho các bệnh viện đầu ngành. Theo ông Diệp Bảo Tuấn, quy định mới khi áp dụng có khả năng sẽ tăng áp lực lên các bệnh viện tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và các thành phố lớn. Điều này cũng gây bất lợi cho chính người bệnh khi phải tập trung đông, việc điều trị sẽ bị chậm trễ.

Dẫn chứng cụ thể tại Bệnh viện Ung bướu TP. Hồ Chí Minh, ông Diệp Bảo Tuấn cho biết, mỗi ngày Bệnh viện tiếp nhận 4.000 bệnh nhân tới khám và 600 lượt bệnh nhân điều trị nội trú. Trong số bệnh nhân tới khám, 32% sử dụng BHYT. Trong khi đó, 82% bệnh nhân sử dụng BHYT khi điều trị nội trú và 15% trong số này là điều trị trái tuyến. Từ ngày 1/1/2020, những bệnh nhân nội trú trái tuyến tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM sẽ trở thành đúng tuyến. Nếu bệnh nhân đến Bệnh viện Ung bướu tiếp tục tăng sẽ gây khó khăn cho bệnh viện này vì nhiều năm qua bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải.

Thực tế, quá tải vẫn là nỗi lo thường trực khi thông tuyến. Báo cáo về công tác khám chữa bệnh khi thông tuyến BHYT, Phó Cục trưởng Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Nguyễn Trọng Khoa cho biết: Hiện nay, rất nhiều trường hợp đã vượt tuyến BHYT để khám chữa bệnh khiến bệnh viện tuyến tỉnh phải bù tới 40% chi phí. Do đó, các bệnh viện phải tăng cường việc điều trị cho bệnh nhân, không để bệnh nhân từ bệnh viện tuyến dưới vượt lên tuyến trên để điều trị, gây ra tình trạng quá tải…

Cùng quan điểm với Phó Cục trưởng Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Nguyễn Trọng Khoa, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH Việt Nam Lê Văn Phúc cho rằng, một trong những hệ lụy khi thông tuyến BHYT ở tuyến tỉnh vào năm 2021 là việc các bệnh viện sẽ phải đối mặt tình trạng “quá tải” khi bệnh nhân điều trị nội trú gia tăng. Không chỉ vậy, khi thông tuyến BHYT tuyến tỉnh, chi phí y tế cũng gia tăng tạo ra áp lực lớn lên quỹ BHYT. Dự kiến, quỹ dự phòng BHYT chỉ đáp ứng chi trả đến năm 2021.

Đề xuất giải pháp liên quan giảm tải bệnh viện khi thông tuyến, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH Việt Nam Lê Văn Phúc cho rằng, bên cạnh các giải pháp để khống chế dòng bệnh nhân, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam cũng cần chung tay, đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của bệnh nhân trong việc khám chữa bệnh ở các bệnh viện tuyến dưới. Giúp bệnh nhân hiểu rằng các bệnh viện tuyến tỉnh, địa phương sẽ được điều chỉnh dần dần nâng cao chất lượng. Đi kèm với đó, bản thân lãnh đạo và đội ngũ y, bác sĩ bệnh viện tuyến dưới cũng phải không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ để có thể đón tiếp, điều trị bệnh nhân một cách tốt nhất.

Ðể chính sách BHYT đi vào cuộc sống, tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh, theo Vụ trưởng BHYT (Bộ Y tế) Lê Văn Khảm, các bệnh viện tuyến tỉnh phải rà soát số giường bệnh, nếu kê thêm giường bệnh phải bảo đảm đúng quy định. Bên cạnh đó, phải có giải pháp tránh tình trạng người bệnh ở tuyến xã, tuyến huyện đổ lên bệnh viện tuyến tỉnh khi thông tuyến BHYT. Theo ông Lê Văn Khảm, giải pháp hữu hiệu nhất là các bệnh viện tuyến tỉnh đổi mới liên tục để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Các bệnh viện tuyến dưới cũng phải tự nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh để giữ chân người bệnh. Ðồng thời, tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức, không ồ ạt đổ lên các bệnh viện tuyến trên khi mà các bệnh viện tuyến dưới vẫn triển khai được các kỹ thuật thông thường.

 Ông Lê Văn Phúc, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHXH Việt Nam (Ảnh: PV) 

“Thông tuyến BHYT có nghĩa là người dân được quyền tự lựa chọn bệnh viện để khám, chữa bệnh. Ðể tránh quá tải, các bệnh viện nên tự đổi mới, đầu tư nhiều máy móc khám, chữa bệnh hiện đại, nguồn lực, đào tạo nhiều bác sĩ, y tá giỏi, nâng cao giá trị thương hiệu để người bệnh tin tưởng, lựa chọn. Khi tất cả các bệnh viện đều tốt thì người bệnh sẽ không đổ dồn về một bệnh viện”, PGS.TS Đào Quang Minh, Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn nhấn mạnh.

Bên cạnh việc nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh để đáp ứng được nhu cầu khi áp dụng quy định thông tuyến, các bệnh viện cũng đề nghị cơ quan BHXH Việt Nam thanh toán BHYT cho các bệnh viện theo đúng quy định. Bởi khi số lượng người bệnh có thẻ BHYT đến khám, điều trị với số lượng đông lên, bệnh viện sẽ phải chi phí thuốc, vật tư y tế với số lượng lớn. Nguồn tài chính của bệnh viện sẽ bị ảnh hưởng nếu không được BHXH thanh toán kịp thời.

Về phía Bộ Y tế đã yêu cầu các bệnh viện phải có kế hoạch kiểm tra, chấn chỉnh công tác tổ chức khám bệnh, xây dựng và thực hiện đúng quy trình khám, chữa bệnh theo quy định. Giám sát chặt chẽ việc chỉ định điều trị nội trú; xây dựng và trình cấp có thẩm quyền quyết định số lượng giường nội trú phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực, khả năng cung ứng dịch vụ của cơ sở; bố trí đủ nhân lực, bảo đảm chất lượng trong khám, tư vấn, chỉ định điều trị nội trú; nghiêm túc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý và giám định, thanh toán chi phí theo đúng quy định của Chính phủ và Bộ Y tế; có kế hoạch phối hợp và chủ động phối hợp các cơ sở khám, chữa bệnh khác, bao gồm cả cơ sở tuyến huyện để điều chuyển bệnh nhân khi quá tải. Ngoài các giải pháp để hạn chế người bệnh vượt tuyến, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam sẽ phối hợp truyền thông, nâng cao nhận thức người bệnh trong khám, chữa bệnh ở các bệnh viện tuyến dưới./.

Khánh Lan

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực