Trường hợp hai thí sinh đạt 29 điểm nhưng suýt trượt vào khối trường Công an: Giải quyết thấu tình, đạt lý

Thứ tư, 23/09/2015 17:09

(ĐCSVN) - Dư luận xã hội tuần qua quan tâm đến hai trường hợp em Bùi Kiều Nhi (Quảng Bình) và em Nguyễn Đức Ngà (Nghệ An) đạt 29 điểm nhưng vẫn không trúng tuyển vào khối trường Công an vì không khai án tích của cha vào lý lịch. Mọi chuyện giờ đã được Bộ Công an giải quyết thấu đáo.

 

 Hai em Bùi Kiều Nhi và Nguyễn Đức Ngà. Ảnh: dantri.com.vn


Bắt đầu từ vụ việc em Bùi Kiều Nhi, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) được 29 điểm khối C trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua (Địa lý 9,75 điểm; Sử 9 điểm; Văn 8,75, cộng với 1,5 điểm ưu tiên) nhưng không được theo học Học viện Chính trị Công an nhân dân vì bố đẻ từng bị xử phạt 9 tháng tù treo về tội “Chống người thi hành công vụ” 23 năm trước (năm 1992) và cũng đã mất, khiến dư luận "dậy sóng" với nhiều luồng ý kiến khác nhau.

Đối với trường hợp em Nguyễn Đức Ngà, huyện Nam Đàn (Nghệ An) cũng tương tự. Em thi đạt 29 điểm (Toán 9 điểm; Vật lý 9,5; Hóa 9,5; cộng 1 điểm ưu tiên) cũng bị dừng nhập học vào Học viện Cảnh sát nhân dân vì bố em từng có tiền án về tội “Cố ý gây thương tích” (án treo) cách đây hơn 20 năm, nhưng cũng không ghi vào lý lịch.

Ở đây, chúng ta không bàn đến chuyện gia đình hai em Bùi Kiều Nhi và Nguyễn Đức Ngà có trung thực hay không trong việc khai lý lịch vì không có cơ sở. Càng không luận bàn việc gia đình em Nguyễn Đức Ngà ít trung thực hơn gia đình em Bùi Kiều Nhi vì bố Đức Ngà còn sống thì phải biết rõ hơn.

Nhưng dù vậy, gia đình cả hai em đều có phần trách nhiệm trong việc khai lý lịch này khi các em bị dừng nhập học, vì đối với việc khai lý lịch khi đăng ký dự tuyển vào các trường Công an nhân dân thì thí sinh dự tuyển phải cân nhắc, xem xét kỹ lưỡng để đảm bảo khai đầy đủ, trung thực, kể cả án tích của người thân trong gia đình dù đã được xóa.

Phải nói rằng, số đông ý kiến đều mong muốn Bộ Công an xem xét, giúp đỡ hai em Kiều Nhi, Đức Ngà được trúng tuyển vào hai  trường đã đăng ký vì cho rằng, bố các em phạm tội không nghiêm trọng, được hưởng án treo. Hơn nữa, sự việc xảy ra đã hơn 20 năm trước. Bản thân Kiều Nhi, Đức Ngà là những học sinh miền núi, nông thôn gia cảnh khó khăn nhưng biết vươn lên học giỏi.

Thậm chí có ý kiến lập luận, sự việc của cha các em là quá khứ, xảy ra lúc các em chưa chào đời. Bây giờ bắt hai em phải chịu thì liệu quy định hiện hành có cứng nhắc quá không? Có phù hợp với điều kiện thực tế nữa không? Từ đó cho rằng, nếu hai em này không được trúng tuyển sẽ rất thiệt thòi cho bản thân và gia đình em.

Tuy vậy, cũng không ít ý kiến cho rằng, đã là quy định thì phải theo tuân thủ đúng quy định, không thể làm khác. Nếu làm không nghiêm thì sẽ mất kỷ cương, nhất là đối với ngành đặc thù như ngành Công an và khuyên Kiều Nhi, Đức Ngà nên chấp nhận và chuyển sang học ngành nghề khác.

Trước sự việc hai thí sinh đủ điểm trúng tuyển và có giấy nhập học vào khối trường Công an nhân dân nhưng không được theo học do việc khai lý lịch, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang đã trực tiếp chỉ đạo xác minh đối với từng trường hợp.

Ngay sau đó, kể cả trong những ngày nghỉ cuối tuần, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công an, sau khi xác minh từng trường hợp, Tổng cục Chính trị Công an nhân dân đã đồng ý chiếu cố tiêu chuẩn về chính trị với thí sinh Bùi Kiều Nhi và Nguyễn Đức Ngà để Công an hai tỉnh Quảng Bình và Nghệ An giải quyết cho các em được nhập học vào Học viện Chính trị Công an nhân dân và Học viện Cảnh sát nhân dân.

Giải thích rõ hơn về hai trường hợp này, Thiếu tướng Đỗ Ngọc Cẩn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị Công an nhân dân cho hay, Bộ Công an đã có Thông tư số 53, ngày 15/8/2012, quy định tiêu chuẩn chính trị của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân, kể cả tuyển mới, đồng thời, Tổng cục Chính trị cũng đã có Hướng dẫn số 9443 ngày 15/10, hướng dẫn đơn vị địa phương thực hiện Thông tư 53 này.

Theo đó, đối với các trường hợp có thân nhân bị tòa tuyên phạt dưới 3 năm tù hoặc cho hưởng án treo và đã được xóa án tích, trừ trường hợp phạm các tội như: Xâm phạm an ninh quốc gia, tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự con người, các tội xâm phạm sở hữu, tội phạm ma túy... đã được quy định trong Bộ luật Hình sự, nếu hiện thân nhân chấp hành tốt chủ trương, pháp luật của Nhà nước thì công an các địa phương báo cáo về Tổng cục Chính trị để xem xét, kết luận.

“Đáng ra, trường hợp của hai em Bùi Kiều Nhi, Nguyễn Đức Ngà, Công an tỉnh phải có văn bản báo cáo, Bộ Công an sẽ xem xét, trường hợp nào giải quyết được, Tổng cục Chính trị sẽ giải quyết. Tuy nhiên, Công an một số địa phương nắm bắt chưa tốt, chưa báo cáo kịp thời nên mới xảy ra tình trạng như vừa qua” – Thiếu tướng Đỗ Ngọc Cẩn chia sẻ.

Bên cạnh đó, Thiếu tướng Đỗ Ngọc Cẩn cũng cho rằng, Công an là ngành đặc thù, là lực lượng đảm bảo an ninh quốc gia, nên phải tuyệt đối trung thành. Vì vậy, mọi tiêu chí phải chặt chẽ, đảm bảo lựa chọn được đúng người để phát triển lực lượng, bảo vệ đất nước. Hơn nữa, mỗi ngành nghề có quy định về tiêu chuẩn khác nhau, khi thí sinh chấp nhận vào ngành thì phải tuân thủ quy định của ngành đó.

Đại diện Bộ Công an cho biết, trong thời gian tới, nếu có các trường hợp tương tự như hai em Bùi Kiều Nhi và Nguyễn Đức Ngà, Bộ Công an vẫn phải xem xét, giải quyết đúng theo quy định.

Qua sự việc của hai em Kiều Nhi và Đức Ngà, chỉ trong một tuần, dưới sự quan tâm của Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang và các cơ quan chức năng của Bộ Công an, sự việc đã được giải quyết kịp thời. Đây được xem là những quyết định hợp lòng dân, được dư luận đánh giá cao./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực