Bắc Kạn: Những khó khăn, thách thức trong công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHTN

Thứ tư, 16/12/2020 11:07
(ĐCSVN) – Dù nỗ lực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ song số người tham gia BHXH bắt buộc, BHTN trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đến thời điểm tháng 10/2020 chưa đạt so với Kế hoạch; đặc biệt số người tham gia BHXH bắt buộc giảm mạnh.

Nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp

Thời gian qua, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Bắc Kạn đã quan tâm chỉ đạo sát sao đối với công tác triển khai các Nghị quyết liên quan đến bảo hiểm xã hội (BHXH) như: Ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, triển khai, tổ chức thực hiện chính sách BHXH; chỉ đạo các ngành có liên quan phối hợp với BHXH tỉnh thực hiện tốt công tác BHXH nói riêng và công tác BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) nói chung.

Ban chỉ đạo phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN của tỉnh đã thường xuyên quan tâm, chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị triển khai thực hiện, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHTN, BHYT.

leftcenterrightdel
 Ảnh chỉ mang tính chất minh họa

Trong đó, thực hiện tốt công tác phối hợp giữa Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Cục thuế tỉnh trong liên thông, kết nối, chia sẻ dữ liệu để rà soát, nắm bắt thông tin những đơn vị mới thành lập, đơn vị giải thể, phá sản để đôn đốc các đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã đăng ký tham gia BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động. Theo đó, năm 2019, đã phát triển mới 46 đơn vị sử dụng lao động với 340 lao động; năm 2020, đã phát triển mới 26 đơn vị sử dụng lao động với 78 lao động.

Cùng với đó, công tác kiểm tra, thanh tra, đặc biệt là thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội được đẩy mạnh. Qua đó, kịp thời phát hiện số lao động thuộc diện tham gia chưa tham gia để đôn đốc, hướng dẫn lập hồ sơ tham gia BHXH, BHTN theo quy định; thu hồi số tiền nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN; xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi chậm đóng , nợ đọng tiền BHXH, BHYT, BHTN....

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và BHXH tỉnh thường xuyên có văn bản đôn đốc, yêu cầu người lao động, người sử dụng lao động thực hiện nghiêm trách nhiệm tham gia BHXH bắt buộc, BHTN. BXH tỉnh chủ động ban hành các văn bản đôn đốc thực hiện, hướng dẫn quy trình tổ chức Hội nghị tuyên truyền phát triển người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh.

Mặt khác, việc triển khai và áp dụng hệ thống giao dịch điện tử về giải quyết chế độ BHXH ngắn hạn; Hệ thống giám định BHYT điện tử; Bộ công cụ tập trung dữ liệu thu, sổ thẻ, tài chính kế toán, xét duyệt và chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH; Hệ thống điện tử một cửa tập trung; Hệ thống tương tác tin nhắn đa phương tiện giữa người dân và doanh nghiệp với cơ quan BHXH…) đã góp phần nâng cao chất lượng phục vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, đơn vị và doanh nghiệp khi giao dịch, làm việc với cơ quan BHXH.

UBND tỉnh Bắc Kạn cũng cho biết, các Sở, ban, ngành phối hợp chặt chẽ trong công tác thực hiện tuyên truyền, phổ biến chế độ chính sách về BHXH, BHTN đến chủ sử dụng lao động và người lao động tạo sự chuyển biến nhận thức về quyền và trách nhiệm tham gia BHXH, BHTN.

Những khó khăn, thách thức

Dù đạt được nhiều kết quả tích cực, song theo báo cáo của UBND tỉnh Bắc Kạn số người tham gia BHXH bắt buộc, BHTN đến thời điểm tháng 10/2020 chưa đạt so với Kế hoạch; đặc biệt số người tham gia BHXH bắt buộc giảm mạnh.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Bắc Kạn, tốc độ phát triển tham gia BHXH bắt buộc của năm 2019 là 23.002 người, năm 2020 chỉ có 22.494 người (âm 2,2%); tốc độ tham gia BHTN của năm 2019 là 16.780 người, năm 2020 là 16.472 (âm 1,8%).

Theo UBND tỉnh Bắc Kạn, nguyên nhân giảm do giảm biên chế, sáp nhập, giải thể đơn vị, sáp nhập địa bàn hành chính tại các đơn vị hành chính, sự nghiệp, các tổ chức đảng, đoàn thể; một số trường học chấm dứt hợp đồng lao động với giáo viên do hết năm học; cán bộ xã, phường, thị trấn, cán bộ không chuyên trách cấp xã giảm theo Nghị quyết số 13/2018/NQ-HĐND ngày 17/7/2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn về quy định chức danh, số lượng, mức phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn và ở thôn, tổ dân phố, tổ nhân dân, tiểu khu.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên một số doanh nghiệp gặp khó khăn phải tạm dừng sản xuất kinh doanh, cắt giảm lao động.

Cũng theo UBND tỉnh, việc thực hiện còn khó khăn do chỉ tiêu, mục tiêu đưa ra theo Nghị quyết số 125/NQ-CP và Nghị Quyết số 102/NQ-CP của Chính phủ còn cao so với nguồn lực thực tế của địa phương.

Mức hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện còn thấp, chưa tạo được động lực khuyến khích người dân tham gia. Bên cạnh đó, để được hưởng lương hưu, ngoài điều kiện về tuổi đời, người tham gia cần có tối thiểu 20 năm đóng BHXH, đây cũng là khó khăn trong việc vận động, người dân chưa thật sự sẵn sàng tham gia chính sách BHXH tự nguyện.

Hơn nữa, Bắc Kạn là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, sản xuất nông, lâm nghiệp chiếm đến trên 80%, phát triển công nghiệp còn hạn chế, các doanh nghiệp ngoài quốc doanh trên địa bàn phát triển chậm, chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ có quy mô sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, mùa vụ, sử dụng ít lao động; đời sống người dân còn nghèo; giao thông đi lại khó khăn, dân cư thưa thớt, sống phân tán … dẫn đến nhiều khó khăn trong tổ chức thực hiện chính sách BHXH, nhất là công tác thu, phát triển đối tượng tham gia và chi trả chế độ BHXH.

UBND tỉnh Bắc Kạn cũng nhìn nhận, một số Sở, ban, ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm chỉ đạo thực hiện đầy đủ các nội dung Chương trình hành động số 16-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về cải cách chính sách BHXH. Bên cạnh đó một số doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ quyền lợi và trách nhiệm của mình về thực hiện chính sách BHXH, BHTN.

Nhận thức của một bộ phận người lao động, người sử dụng lao động về vai trò, mục đích, ý nghĩa của bảo hiểm xã hội chưa đầy đủ. Hiệu lực, hiệu quả thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong thực hiện chính sách BHXH còn bất cập. Công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH chưa thật sự tạo được sự tin cậy để thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội.

Để hoàn thành chỉ tiêu, UBND tỉnh Bắc Kạn đề xuất điều chỉnh chỉ tiêu giao theo Nghị quyết số 125/NQ-CP và Nghị Quyết số 102/NQ-CP của Chính phủ phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Đề nghị nâng mức hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện vì như hiện nay mức hỗ trợ (hỗ trợ 30% cho hộ nghèo, 25% cho cận nghèo và 10% cho các hộ khác tham gia BHXH tự nguyện) là thấp, chưa tạo được động lực khuyến khích người dân tham gia.

Bên cạnh đó cần sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật theo hướng giảm dần điều kiện thời gian đóng góp hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm và tiến tới còn 10 năm để mở rộng cơ hội tiếp cận lương hưu./.

Tú Giang

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực