Nâng cao cảnh giác, đập tan âm mưu “phi chính trị hóa” Quân đội

Thứ hai, 15/03/2021 17:17
(ĐCSVN) - Một trong những âm mưu xuyên suốt của các thế lực phản động trong chống phá cách mạng Việt Nam đó là phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội nhân dân Việt Nam; kêu gọi thực hiện “phi chính trị hóa quân đội”; xây dựng quân đội “trung lập”, quân đội “quốc gia”...
 Cần cảnh giác với mưu đồ “phi chính trị hóa quân đội” (Ảnh minh họa).

Chống phá cách mạng Việt Nam là một mục tiêu xuyên suốt của các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước. Liên tục trong những qua, nhiều cá nhân, tổ chức, đối tượng thù địch đã thường xuyên đưa ra những luận điệu đòi đa nguyên, đa đảng, đòi bỏ Điều 4 Hiến pháp năm 2013; đòi tam quyền phân lập,… Trong đó, luận điệu “phi chính trị hóa quân đội” được những đối tượng này xác định là một nội dung trọng tâm. Chúng cố tình rêu rao quan điểm cho rằng, “quân đội phải đứng ngoài chính trị”; quân đội cần phải “trung lập”, “đứng giữa”, không lệ thuộc hoặc đặt dưới sự lãnh đạo của một đảng phái nào… Chúng cho rằng, cách mạng giải phóng dân tộc thành công là Đảng Cộng sản Việt Nam đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử; Đảng chỉ nên lãnh đạo quân đội trong chiến tranh, khi hòa bình Đảng cần giao quyền lãnh đạo quân đội cho Nhà nước...

Rõ ràng, đây là những luận điệu sai trái, đánh lừa dư luận xã hội. Nhìn xa hơn vào lịch sử, nhân loại tiến bộ vẫn chưa thể quên được “cơn địa chấn chính trị” đã diễn ra tại Liên Xô vào thập niên cuối thế kỷ XX. Những người lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quân đội Liên Xô tuyên bố xóa bỏ Điều 6 Hiến pháp (quy định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô), chấp nhận đa nguyên, đa đảng đã rời bỏ nguyên tắc xây dựng lực lượng vũ trang về chính trị của chủ nghĩa Mác - Lênin và sau đó là chấp nhận xóa bỏ cơ chế lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với lực lượng vũ trang, làm cho quân đội bị “phi chính trị hóa” và bị vô hiệu hóa. Đây được xác định là một trong những nguyên nhân rất quan trọng dẫn tới sự sụp đổ và tan rã của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu vào cuối năm 1991; một tổn thất nặng nề của phong trào cách mạng thế giới.

Gần 30 năm đã trôi qua tính từ lúc chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ và tan rã. Cùng với dòng chảy của thời gian, chúng ta có thêm góc nhìn đầy đủ, toàn diện hơn về “cơn địa chấn chính trị” đặc biệt này. Có thể thấy, “phi chính trị hóa quân đội” suy đến cùng là luận điệu chống phá của các thế lực phản động nhằm mục đích tách Quân đội ta ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng, tiến tới vô hiệu hóa vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội; thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Quân đội; tiến tới làm cho Quân đội xa rời bản chất giai cấp công nhân, mất phương hướng chính trị, mục tiêu, lý tưởng chiến đấu... Âm mưu sâu xa của luận điệu này là làm Quân đội suy yếu về chính trị, lâu dài là vô hiệu hóa Quân đội, với tính cách là công cụ bạo lực chính trị sắc bén của Đảng.

Nhìn nhận khách quan, bài học về xóa bỏ cơ chế lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với Quân đội Liên Xô là cơ hội để chúng ta nhận thức rõ hơn tính chất nguy hiểm trong các thủ đoạn chống phá của các thế lực phản động liên quan đến vấn đề “phi chính trị hóa quân đội”; từ đó, đề cao cảnh giác, kiên quyết đấu tranh chống lại những tư tưởng sai trái, luận điệu chống phá nói trên.

Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa đang đặt ra những yêu cầu mới đối với quá trình xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam, nhất là xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng một lần nữa đã nhấn mạnh rõ: “khẳng định sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội và Công an; phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng vũ trang trong bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội” (1).

Để thực hiện điều này, vấn đề quan trọng đầu tiên hiện nay là chúng ta cần luôn luôn giữ vững nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với lực lượng vũ trang nhân dân nói chung, Quân đội nói riêng; thường xuyên chăm lo xây dựng tổ chức Đảng các cấp trong Quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức. Tiếp tục xây dựng tổ chức đảng các cấp trong lực lượng vũ trang thật sự trong sạch, vững mạnh, có năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu cao, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong mọi tình huống.

Đồng thời, coi trọng phát huy vai trò, tiên phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong Quân đội. Mỗi cán bộ, đảng viên cần thấm nhuần nguyên tắc Đảng lãnh đạo Quân đội; quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kỷ luật của Quân đội gắn với cương vị, chức trách được giao; thực sự nêu gương trước bộ đội... Qua đó, vừa góp phần nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ của các tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị; vừa tạo cơ sở để đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực phản động, thù địch./.

Tài liệu tham khảo:

(1) Văn phòng Trung ương Đảng, Kết quả Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng Cộng sản Việt Nam (Đề cương thông báo nhanh), Hà Nội, tháng 02/2021, tr. 77.

TS Tạ Quang Đạo

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực