Tiềm năng biển – Mũi nhọn kinh tế Gò Công Đông (Tiền Giang)

Thứ bảy, 19/06/2010 20:54

Nuôi trồng thuỷ sản tại Tiền Giang Ảnh: TL

Gò Công Đông có chiều dài bờ biển 32 km trông giống như một vành đai hướng ra biển Đông và là địa phương có tiềm năng kinh tế biển lớn nhất tỉnh Tiền Giang. Chỉ riêng diện tích mặt biển của huyện gần 12.000 km2 là ngư trường giàu tôm cá, nguồn lợi thủy sản, nơi có cửa Soài Rạp (sông Vàm Cỏ), cửa Tiểu và cửa Đại (sông Tiền) đưa dòng nước ngọt mát lành của hai con sông lớn ở Nam bộ hòa vào biển Đông một màu xanh ngát.

Ngoài những tiềm năng trên, còn phải kể đến hàng chục ngàn ha đất cồn, bãi bồi cửa sông thuộc các xã: Tân Thành, Tân Điền, Kiểng Phước, Vàm Láng... có điều kiện hết sức thuận lợi phát triển nuôi trồng thủy hải sản có giá trị xuất khẩu cao như: nghêu, sò huyết, tôm sú, tôm thẻ, cá chẻm...

Để khai thác tốt tiềm năng và thế mạnh kinh tế biển trên tinh thần Nghị quyết về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 của Trung ương và cụ thể hóa chương trình hành động của Tỉnh ủy Tiền Giang về khai thác các tiềm năng lao động, đất đai, ngành nghề để phát triển kinh tế - xã hội đặc biệt là vươn ra biển Đông, thời gian qua Gò Công Đông chú trọng khuyếch trương đồng bộ hai lợi thế đặc thù: nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản gắn với mở mang công nghiệp chế biến xuất khẩu, tạo công ăn việc làm và an sinh xã hội, tăng nhanh nguồn hàng hóa dồi dào có giá trị cao chiếm lĩnh thị trường trong ngoài nước. Định hướng đúng đã nhận được sự đồng thuận của các cấp, các ngành và mọi tầng lớp nhân dân đồng thời tạo động lực cho miền đất duyên hải Gò Công vốn một thời trước đây hết sức khó khăn đổi mới và đi lên bền vững.

Cụ thể, toàn huyện có 785 phương tiện đánh bắt thủy sản có tổng công suất máy trên 113.000 CV cho sản lượng đánh bắt mỗi năm từ 28.000 đến 30.000 tấn tôm cá các loại. Nghề biển gồm đánh bắt xa bờ, cào, đáy song cầu, câu mực...cũng là nghề truyền thống có từ lâu đời tại địa phương, tập trung ở các xã Vàm Láng, Kiểng Phước, Gia Thuận, Tân Thành, Tân Điền...Nghề khai thác thủy sản phát đạt không chỉ tạo nguồn nguyên liệu có giá trị chế biến xuất khẩu mà còn giúp cho ngành sơ chế, làm khô, mắm,xay bột cá, lột ghẹ, xẽ khô...nở rộ tại Gò Công Đông với trên 150 cơ sở tư nhân lớn nhỏ thu hút gần 2.000 lao động tham gia.

Bên cạnh đó, nuôi trồng thủy sản cũng trở thành mũi nhọn kinh tế thứ hai mang lại nguồn lợi lớn nói chung nhờ thuận lợi về địa bàn, thổ nhưỡng, điều kiện thiên nhiên và trình độ tay nghề của nhân dân trong huyện. Từ lâu, Gò Công Đông nổi tiếng với những bãi nghêu nuôi bạt ngàn có tổng diện tích đến trên 2.000 ha cho sản lượng từ 20.000 đến 30.000 tấn/ năm. Nghề nuôi nghêu lên hương đã giúp cho nhiều hộ dân miền biển nhanh chóng giàu có lên, giúp hộ nghèo có thêm công ăn việc làm và thu nhập ổn định. Mới đây, huyện đã thành công với qui trình sản xuất nghêu giống bằng phương pháp nhân tạo nhằm chủ động nguồn con giống cho vùng nuôi tập trung.

Tiếp sau con nghêu chính là con tôm sú và những đối tượng thủy sản nuôi có giá trị kinh tế lớn. Nhiều dự án nuôi trồng thủy sản lớn đang được triển khai tại đây: Dự án nuôi thủy sản Bắc Gò Công, dự án Nam Gò Công, Dự án qui hoạch vùng giống nhuyễn thể hai mãnh võ...Huyện đã mở rộng diện tích nuôi thủy sản lên trên 3.000 ha; trong đó có gần 500 ha tôm, trên 2.000 ha nghêu, gần 600 ha cá và các loại thủy sản khác cho sản lượng thu hoạch mỗi năm gần 55.000 tấn.

Gò Công Đông cũng là địa phương có nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy sản lớn nhất tỉnh Tiền Giang hiện nay đã đóng góp trên 35% tổng cơ cấu GDP hàng năm. Huyện phấn đấu đến 2020 nâng tỉ lệ đóng góp của ngành thủy sản nói chung lên 45% trong tổng GDP địa phương. Để đạt mục tiêu, Gò Công Đông thực hiện nhiều chính sách thích hợp hỗ trợ phát triển ngành nghề đánh bắt trên biển đặc biệt là các nghề khai thác khơi xa, mở mang nuôi trồng thủy sản, kiện toàn cơ sở hạ tầng vùng nuôi, gắn nuôi trồng với phát triển du lịch sinh thái biển...Trong đó, quan tâm chuyển giao kỹ thuật nuôi trồng, khuyến khích nông dân nuôi theo ngưỡng an toàn sinh học, đa dạng hóa đối tượng nuôi thủy sản, xây dựng những mô hình nuôi phù hợp, tổ chức sắp xếp lại nghề cá, hình thành những tổ liên kết đánh bắt và tổ Quản lý cộng đồng nuôi tôm...

Theo ông Nguyễn Văn Việt, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Công Đông, các mô hình liên kết trong đánh bắt khơi xa, quản lý cộng đồng vùng nuôi tôm thời gian qua mang lại kết quả tốt được địa phương tổng kết, nhân rộn trong thời gian tới. Chỉ riêng về nuôi tôm, đã hình thành được 4 tổ Quản lý công đồng nuôi tôm trên diện tích gần 200 ha. Mô hình này giúp bà con hỗ trợ nhau một cách đắc lực trong việc tổ chức sản xuất, bảo vệ an ninh trật tự, phòng gian, bảo vệ được môi trường vùng nuôi...Ngoài ra, thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển nghề cá, huyện Gò Công Đông đã giải ngân trên 50 triệu đồng hỗ trợ ngư dân đồng thời đang tiếp tục xem xét 38 hồ sơ với số tiền giải ngân dự kiến trên 32 triệu đồng trong khuôn khổ Quyết định 289/QĐ-TTg ngày 18/3/2008 của Thủ tướng Chính phủ. Hướng ra biển Đông – Đó là con đường đi lên và là lợi thế phát triển của huyện miền biển Gò Công Đông. Khai thác tốt lợi thế trên giúp nhân dân miền đất đầy khó khăn một thời trở thành điểm sáng về kinh tế - văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng ở tuyến ven biển Nam bộ ngày nay.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực