
Ảnh minh họa: Tuệ Anh
Sửa đổi để phù hợp với thực tiễn
Trên cơ sở tổng kết 13 năm thực hiện, để khắc phục các tồn tại, bất cập của Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2002, Luật NSNN năm 2015 đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 25/6/2015, có hiệu lực thi hành từ năm ngân sách 2017. Sau khi Luật NSNN được Quốc hội thông qua, các cơ quan có thẩm quyền đã ban hành đầy đủ các Nghị quyết, Nghị định, Thông tư hướng dẫn để đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý và tổ chức tập huấn, tuyên truyền rộng rãi để thực hiện Luật từ năm ngân sách 2017.
Qua hơn 08 năm thực hiện (2017-2025), Luật NSNN đã đi vào cuộc sống, quản lý thống nhất nền tài chính quốc gia, nâng cao tính chủ động và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc quản lý và sử dụng NSNN, củng cố kỷ luật tài chính, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả ngân sách và tài sản của Nhà nước, tăng tích lũy nhằm thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại.
Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện, những tác động khách quan làm thay đổi cơ cấu thu, ngân sách trung ương (NSTW) vẫn giữ vai trò chủ đạo nhưng có xu hướng giảm, trong khi yêu cầu đòi hỏi cần tăng cường hơn nữa tính chủ động của ngân sách địa phương (NSĐP); công tác xây dựng, tổng hợp dự toán NSNN và phân bổ NSTW, chấp hành, quyết toán NSNN cũng đã phát sinh một số điểm hạn chế, bất cập cần được nghiên cứu để rà soát, sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn.
Do đó, việc xây dựng dự án Luật NSNN sửa đổi tổng thể Luật NSNN năm 2015 là hết sức cần thiết, nhằm cụ thể hóa các định hướng của Đảng tại Văn kiện Đại hội Đảng XIII, các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị đã ban hành, các nghị quyết của Quốc hội.
Đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch
Mục tiêu của dự án Luật NSNN (sửa đổi) là đổi mới cơ chế phân cấp nguồn thu giữa NSTW và NSĐP đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch, thúc đẩy vai trò chủ đạo của NSTW, tính chủ động của NSĐP. Tiếp tục phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn giữa Trung ương và địa phương. Phân cấp nhiệm vụ chi ngân sách gắn trực tiếp quyền và trách nhiệm của từng cấp và cấp nào thực hiện hiệu quả, kịp thời nhất thì giao cho cấp đó thực hiện.
Dự án Luật NSNN (sửa đổi) cũng nhắm đến việc đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách cho các cơ quan, đơn vị, đảm bảo công khai, minh bạch; thực hiện phân cấp, phân quyền trong việc ban hành cơ chế, chính sách thu, chi NSNN; xóa bỏ cơ chế xin - cho, dễ dẫn đến phát sinh tiêu cực, thủ tục hành chính trong công tác quản lý, phân bổ NSNN.
Tăng cường và nâng cao hiệu quả giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán và giám sát của Mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và người dân đối với NSNN; phân cấp thẩm quyền cho Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp trong công tác điều hành NSNN đã được Quốc hội, Hội đồng nhân dân thông qua.
Cùng với đó là thúc đẩy cơ cấu lại NSNN, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên để tăng nguồn cho chỉ đầu tư phát triển; đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch và tăng cường trách nhiệm giải trình của đơn vị sử dụng ngân sách.
Tuệ Anh