Cây bông vải ở Gia Lai giảm mạnh trên vùng đất Konchoro

Thứ tư, 23/07/2014 14:43

Huyện Konchoro được coi là "thủ phủ" cây bông vải của tỉnh Gia Lai, là cây "xoá đói - giảm nghèo" trong các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bởi thổ nhưỡng và thời tiết nơi đây rất phù hợp, tạo cho loại cây trồng này phát triển mạnh và cho năng suất cao. Thời "hoàng kim" vào những năm 2000 - 2005, Konchoro có diện tích cây bông vải phát triển mạnh lên gần 3.000 ha và sau đó giảm dần đến nay chỉ còn không đến 200 ha.

 

Ảnh minh họa. Nguồn: baogialai.com.vn 

Nguyên nhân diện tích cây bông vải giảm là mức thu nhập của loại cây này trong những năm gần đây không đáng kể, bà con đã chủ động phá bỏ dần vườn cây bông vải chuyển sang trồng các loại cây kinh tế khác như sắn, mía và đậu đỗ các loại. Theo tính toán của bà con, bình quân mỗi héc-ta bông vải đầu tư với mức chi phí gần 11.000.000 đồng cho khâu mua giống, phân bón, thuốc trừ sâu (chưa tính công chăm sóc và thu hái). Trong khi đó, giá cả sản phẩm bông lại giảm mạnh và hiện nay có mức dao động từ 13.000 đồng - 13.500 đồng/kg - thấp nhất từ trước tới nay. Với năng suất đạt bình quân 1,3 tấn/ha, người trồng bông vải chỉ có lãi từ khoảng 5.000.000 - 6.000.000 đồng/ha, thấp hơn nhiều so với một số loại cây trồng khác như ngô lai (9.000.000 đồng/ha/vụ), sắn (12.000.000 đồng/ha), mía (13.000.000 đồng/ha)...

Mặc dù, Chi nhánh Công ty Bông Việt Nam tại Gia Lai đã thực hiện những chính sách ưu đãi và tạo thuận lợi cho người trồng bông trên địa bàn như đầu tư trước giống, phân bón, thuốc trừ sâu... bao tiêu sản phẩm theo giá thị trường, chờ đến khi mùa vụ thu hoạch rồi mới khấu trừ vốn sau, song người dân vẫn không mặn mà với cây bông vải.


Theo ông Võ Văn Hưng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Konchoro, mặc dù diện tích cây bông vải đang trên đà giảm sút, song ưu điểm của loại cây trồng này là ổn định về năng suất, không lo mất mùa như một số loại cây trồng khác. Để giữ vững và phát triển cây bông vải trên địa bàn, về phía chính quyền địa phương và ngành chức năng đang tích cực vận động bà con giữ vững diện tích, mặt khác về phía Công ty Bông cần tích cực hơn nữa trong việc nâng mức đầu tư, giá cả... để cho người trồng bông chủ yếu là người dân tộc thiểu số có điều kiện hơn trong việc trồng cây bông vải.

Không riêng gì ở Konchoro mà ở một số địa bàn khác như huyện Chư Sê, Chư Pưh, Krôngpa... diện tích cây bông vải đều giảm mạnh. Toàn tỉnh Gia Lai hiện nay chỉ còn chưa đến 1.000 ha cây bông vải, giảm đến 5 lần so với trước đây và năng suất không đảm bảo nguồn nguyên liệu cho Công ty Bông có công suất hoạt động 5.000 tấn sản phẩm/năm./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực