Tiền Giang: Làm giàu nhờ tái cơ cấu sản xuất trên nền đất ngập lũ

Thứ sáu, 28/11/2014 15:46

Hậu Mỹ Bắc A, Cái Bè là một trong những địa bàn trọng điểm về ngập lũ, ngập sâu phía thượng lưu sông Tiền của tỉnh Tiền Giang.

Thực hiện chủ trương “chung sống với lũ”, nông dân Âu Văn On, cư ngụ tại ấp Mỹ Chánh 4, xã Hậu Mỹ Bắc A đã có những cách làm sáng tạo, phù hợp vừa phát huy được tiềm năng đất đai, lao động, giải quyết việc làm cho lao động vừa khắc phục được ảnh hưởng của thiên tai. Ông đã tái cơ cấu sản xuất trên nền đất ngập lũ theo hướng thay thế phương thức sản xuất lúa độc canh ba vụ/năm bằng mô hình ương dưỡng cá giống trên ruộng theo cơ cấu: một vụ lúa + 3 – 4 vụ ương dưỡng cá giống/năm.

Trước đây, cánh đồng gia đình ông canh tác là vùng thấp, mỗi năm đến mùa lũ bị nhấn chìm dưới làn nước trắng xóa. Tuy sản xuất mỗi năm 3 vụ nhưng lúa vụ ba thường bị nước lũ gây nhiều thiệt hại, gặt lúa chạy lũ là chuyện thường xuyên. Những năm lũ lớn, không gặt chạy lũ được coi như mất trắng. Để khắc phục, cần tái cơ cấu lại mùa vụ sản xuất và cơ cấu cây con giống phù hợp. Đó là suy nghĩ của ông Âu Văn On sau trận lũ lớn lịch sử năm 2000. Sau một thời gian tìm hiểu, ông quyết định thử nghiệm đưa cá giống lên ương dưỡng trên ruộng lúa theo mô hình mới. Theo đó ông chỉ giữ sản xuất lúa vào vụ đông xuân, thời gian còn lại trong năm tổ chức ương dưỡng cá giống.

Để có nguồn cá bột, cá hương ương dưỡng thành cá giống cung cấp cho thị trường cá giống các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, ông On học cách chọn cá bố mẹ, cách xây bể và kích thích cho cá đẻ bằng phương pháp nhân tạo. Cá đẻ thành công, có nguồn cá bột rồi phải học tiếp kỹ thuật ương dưỡng trên ruộng lúa để cá bột lớn thành cá giống thương phẩm – một cách làm mới mà trước đó ở vùng ngập lũ Tiền Giang hầu như chưa có ai thực hiện thành công. Trước tiên, ông chọn cá mè vinh, cá trôi... là những giống cá nước ngọt phổ biến trên vùng ngập lũ Tiền Giang, nhu cầu con giống để nuôi trong dân rất lớn. Ban đầu ông làm bể cho cá sinh sản bằng đất lót bạt ni - lon và học cách cho cá sinh sản trong bể đất từ cán bộ khoa học các viện, trường ở phía Nam như Đại học Cần Thơ, Trung tâm Giống thủy sản Nam bộ đóng tại xã An Thái Trung (Cái Bè, Tiền Giang)...Sau một thời gian nghiên cứu, kết hợp giữa lý thuyết, tài liệu, sách báo cùng với vận dụng sáng tạo vào điều kiện thực tiễn của vùng ngập lũ, ông đã cho cá sinh sản thành công trong bể đất. Sau đó, ông tiếp tục nghiên cứu qui trình đắp bờ bao, cải tạo mặt ruộng và bơm nước vào ruộng để thả cá bột, tiếp tục ương dưỡng lên cá giống.

Qua thời gian sáng tạo ra và gắn bó với mô hình lúa + ương dưỡng cá giống trên ruộng lúa, ông đã đúc kết được qui trình sản xuất và thời vụ sản xuất tối ưu. Đó là vụ đông xuân hàng năm trồng lúa, thời gian còn lại ương dưỡng từ 3 đến 4 vụ cá giống. Cụ thể, trong ruộng lúa đào một cái mương cặp theo bờ ruộng, lấy đất đắp bờ bao để giữ nước. Trước khi thu hoạch lúa đông xuân 20 – 25 ngày, cần thả cá bột vào ương riêng trong những ao đã chuẩn bị sẵn để ương từ cá bột lên cá hương (kích cở bằng hạt dưa hấu). Thời gian ương cá bột lên cá hương khoảng 30 ngày. Thức ăn cho cá bột gồm đậu nành, lòng đỏ trứng gà, thức ăn viên, cám, bột cá...Khi lúa đông xuân thu hoạch xong, rải rơm đốt, tu bổ bờ bao, bơm nước vào ruộng đạt độ sâu khoảng 3 – 4 tấc. Sau từ 5 – 7 ngày kể từ lúc bơm nước thì thả cá hương vào ruộng để ương lên cá giống và xuất bán.

Ông Âu Văn On cho biết, mô hình trên mang lại nhiều lợi ích: Cá giống ăn thức ăn tự nhiên như hạt lúa rơi vãi, mùn bã hữu cơ...giảm được chi phí về thức ăn, tăng trọng nhanh, ít bệnh tật, cá giống xuất ra thị trường chất lượng tốt. Thu hoạch 3 – 4 vụ cá giống trong năm xong khi chuyển sang sản xuất đông xuân giảm được lượng phân bón cho lúa, không phải phun thuốc trừ sâu, triệt để áp dụng biện pháp thâm canh theo khoa học “ba giảm ba tăng”...Về hiệu quả kinh tế, ông Âu Văn On cho biết: Năng suất cá giống ương trên ruộng lúa đạt đến 5 tấn/ha, giá bán bình quân 40.000 đồng/kg, nông dân đạt giá trị sản xuất 200 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, còn lãi 100 triệu đồng/ha chưa kể nguồn thu từ lúa đông xuân luôn đạt năng suất cao, từ 80 đến 85 tạ/ha. Với 2,4 ha đất canh tác áp dụng theo mô hình canh tác lúa + cá giống thay cho độc canh cây lúa, mỗi năm ông thu lợi nhuận trên 250 triệu đồng riêng từ nguồn lợi cá giống, gấp ba lần so với canh tác lúa truyền thống.

Chỉ sau hơn 10 năm dựng nên cơ nghiệp từ mô hình canh tác mới trên vùng ngập lũ Tiền Giang, ông Âu Văn On đã khắc phục được hậu quả thiên tai, vươn lên vượt khó, thoát nghèo, trở thành điển hình làm giàu. Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông Âu Văn On nhanh chóng chuyển giao kỹ thuật ương dưỡng cá giống trên ruộng lúa theo mô hình lúa + cá cho bà con quanh vùng, tạo ra vùng sản xuất theo hướng “chung sống với lũ” đạt hiệu quả cao tại vùng lũ thượng lưu sông Tiền của tỉnh Tiền Giang. Ông là hạt nhân nòng cốt khi thành lập Chi hội nghề cá chuyên sản xuất theo mô hình lúa + cá giống tại ấp Mỹ Chánh 4, Hậu Mỹ Bắc A, Cái Bè. Chi hội hiện có 25 hội viên với qui mô 100 ha, 3 bể cho cá sinh sản bằng phương pháp nhân tạo. Hàng năm, chi hội đạt sản lượng hơn 1,5 tỉ cá bột, trên 400 tấn cá giống/mỗi năm, trở thành một trong những trung tâm cung ứng cá giống nước ngọt quan trọng cho nhu cầu nuôi cá nước ngọt tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Với những thành tích trong lao động sản xuất cùng tích cực trong công tác xã hội, ông Âu Văn On vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng III và hạng II, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tôn vinh “Nông dân sáng tạo”. Hiện, ông đang tiếp tục nghiên cứu đề tài cho cá chình đẻ bằng phương pháp nhân tạo cũng như gắn kết chuỗi giá trị trong sản xuất cá bột và ương dưỡng cá giống trên ruộng nhằm khẳng định hiệu quả mô hình lúa + cá./.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực