Gia Lai: Tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Thứ ba, 20/12/2022 10:04
(ĐCSVN) - Bước vào năm đầu triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với kỳ vọng thay đổi bộ mặt, nâng cao chất lượng đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỉnh Gia Lai đã và đang chủ động triển khai các bước đi nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình. Tuy nhiên trong quá trình tổ chức thực hiện còn gặp một số khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ.
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN được kỳ vọng thay đổi bộ mặt, nâng cao chất lượng đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Gia Lai. (Ảnh: TQ) 

Là tỉnh miền núi - biên giới nằm ở phía bắc Tây Nguyên, tỉnh Gia Lai có 44 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 46,23% dân số toàn tỉnh.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, tỉnh Gia Lai đặt mục tiêu đến năm 2025 giảm tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS hằng năm bình quân trên 3% (áp dụng theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022 - 2025); phấn đấu mức thu nhập bình quân của người DTTS tăng trên 2 lần so với năm 2020; hoàn thành cơ bản 100% công tác định canh, định cư; sắp xếp, bố trí ổn định 95% số hộ di cư không theo quy hoạch; giải quyết cơ bản 100% tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS.

Về hạ tầng, phấn đấu 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được bê tông hóa hoặc nhựa hóa; 100% thôn, làng có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 100% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; phấn đấu 95% người đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% đồng bào DTTS được xem truyền hình và nghe phát thanh. Tỷ lệ học sinh học mẫu giáo 5 tuổi đến trường trên 98%, học sinh trong độ tuổi học tiểu học trên 97%, học trung học cơ sở trên 95%, học trung học phổ thông trên 60%, người từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông trên 90%...

Để thực hiện hiệu quả Chương trình, Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai đã tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình MTQG mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh như: Chương trình hành động thực hiện Chương trình; Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình; kế hoạch thực hiện, kế hoạch truyền thông Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh; Quyết định giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia;...

Cùng với đó, phối hợp với các Sở, ban, ngành ban hành văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện, cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của cấp ủy cấp trên triển khai Chương trình kịp thời, hiệu quả. Các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh cơ bản đã giao các nguồn kinh phí năm 2022 và giai đoạn 2021-2025 đến các cơ quan, đơn vị theo phân cấp triển khai thực hiện.

Đến nay, Ban Dân tộc tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Gia Lai giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định 06/QĐ-UBND ngày 06/01/2022 của UBND tỉnh; ban hành quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo; thành lập Tổ công tác triển khai, thực hiện Chương trình trong đó tổ trưởng Tổ công tác là Trưởng Ban Dân tộc tỉnh.

Ban Dân tộc tỉnh cho biết, thực hiện nội dung về truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào DTTS&MN, trong năm Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với các huyện tổ chức 05 lớp tập huấn phổ biến tuyên truyền giáo dục pháp luật tại các cụm thành phố Pleiku, thị xã Ayunpa, thị xã An Khê với gần 500 học viên là trưởng thôn, già làng, người có uy tín, chức sắc tôn giáo, chức việc, thanh niên, mặt trận đoàn thể thôn, làng; in ấn cấp phát 24.000 tờ rơi tuyên truyền về nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I năm 2021-2025; làm 03 cụm pano tuyên truyền về Chương trình; phổ biến tuyên truyền giáo dục pháp luật trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Ia Pa. Ngoài ra, tiếp tục hoàn tất các thủ tục hồ sơ báo cáo UBND tỉnh xin chủ trương tổ chức Hội nghị tuyên dương người có uy tín tiêu biểu xuất sắc có nhiều thành tích trong lao động sản xuất giỏi.

Ban Dân tộc tỉnh cũng đã thành lập 02 đoàn kiểm tra giám sát triển khai, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2022 tại 14 huyện; đồng thời tổ chức 02 Hội nghị tập huấn về giám sát đánh giá thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.

 Tỉnh Gia Lai đặt mục tiêu đến năm 2025 giảm tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS hằng năm bình quân trên 3% (áp dụng theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022 - 2025). (Ảnh: TQ)

Bước vào năm đầu triển khai, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 được kỳ vọng là chương trình tổng lực giúp thay đổi bộ mặt và nâng cao chất lượng đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Nhận thức được điều này, tỉnh Gia Lai đã và đang chủ động triển khai các bước đi nhằm phát huy tốt nhất nguồn lực từ Chương trình.

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện Chương trình còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai, liên quan đến Dự án 1 - Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, hiện chưa có định mức hỗ trợ Vốn đầu tư cho 04 nội dung: hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất và công trình nước sinh hoạt tập trung. Đối với nội dung “Hỗ trợ đất sản xuất” thuộc Dự án, qua rà soát, trên địa bàn nhiều huyện hiện không có quỹ đất để hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất. Tuy nhiên trong Thông tư số 02/2022/TT-UBDT ngày 30/6/2022 của Uỷ ban Dân tộc về hướng dẫn tổ chức thực hiện Chương trình MTQG, không quy định nội dung được chuyển nhượng đất sản xuất giữa các hộ dân để thực hiện. Do đó, địa phương còn gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai thực hiện nội dung này.

Về nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, hiện nay, HĐND tỉnh Gia Lai chưa ban hành Nghị quyết Quy định nội dung hỗ trợ, mẫu hồ sơ, trình tự, thủ tục lựa chọn dự án, kế hoạch, phương án sản xuất, lựa chọn đơn vị đặt hàng trong thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất các Chương trình mục tiêu quốc gia, do đó dự án chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý triển khai thực hiện.

Đây cũng là vướng mắc của tỉnh khi triển khai Tiểu dự án 1 - Dự án 5 (Đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các Trường phổ thông dân tộc nội trú; Trường phổ thông dân tộc bán trú; Trường phổ thông có học sinh bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào DTTS). Đối với nội dung xóa mù chữ, HĐND tỉnh Gia Lai chưa ban hành Nghị quyết quy định mức chi hỗ trợ khuyến khích người dân tham gia học xóa mù chữ trên địa bàn tỉnh (nhiệm vụ này UBND tỉnh đã giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu), do đó nội dung này chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý triển khai thực hiện.

Về Nội dung 2 - Tiểu dự án 2 - Dự án 5 (Đào tạo dự bị đại học, đại học và sau đại học), về quy định đối tượng sinh viên học đại học, Thông tư hướng dẫn tổ chức thực hiện Chương trình MTQG của Uỷ ban Dân tộc quy định chỉ những sinh viên sau khi hoàn thành chương trình dự bị đại học được tiếp nhận vào các cơ sở giáo dục đại học thì mới thuộc đối tượng hưởng chính sách đào tạo đại học thuộc Chương trình MTQG. Theo Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai, như vậy thiệt thòi cho sinh viên người DTTS sinh sống trên địa bàn vùng đồng bào DTTS&MN sau khi học xong THPT được tuyển (thi hoặc xét tuyển thẳng) vào các Trường đại học, dẫn tới chính sách không công bằng.

Về Tiểu dự án 4 - Dự án 5 (Đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai chương trình ở các cấp), hiện nay, Ủy ban Dân tộc chưa ban hành Bộ Tài liệu đào tạo nên các địa phương chưa có cơ sở để tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng.

Đối với Dự án 6 (Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch), trong quá trình triển khai, tổng hợp các nội dung đăng ký thực hiện trong năm 2022 trước khi đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh phân bổ kinh phí, các địa phương đăng ký với số lượng và nội dung vượt chỉ tiêu mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề ra. Vì vậy, đến thời điểm hiện tại, địa phương chưa triển khai được nguồn kinh phí đã phân bổ để phù hợp với chỉ tiêu được giao.

Đối với Tiểu Dự án 1 - Dự án 9 (Đầu tư phát triển kinh tế - xã hội nhóm dân tộc thiểu số rất ít người, nhóm dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, dân tộc có khó khăn đặc thù) quy định “Đối với các hộ dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn: Hỗ trợ đầu tư có thu hồi vốn theo hộ hoặc cộng đồng chăn nuôi, phát triển sản xuất thông qua vay vốn tín dụng chính sách với lãi suất ưu đãi đặc biệt”. Tỉnh Gia Lai được Trung ương phân bổ giai đoạn 2021-2025 là 234.861 triệu đồng (nguồn sự nghiệp), trong đó năm 2022 tỉnh được phân bổ 23.463 triệu đồng (nguồn sự nghiệp). Tuy nhiên, nguồn kinh phí này đến nay chưa thực hiện được vì chưa có cơ chế ủy thác nguồn vốn sự nghiệp ngân sách Trung ương qua Ngân hàng chính sách xã hội. Mặt khác, hộ nghèo đang được vay theo kênh tín dụng Ngân hàng chính sách xã hội với định mức 100 triệu đồng/hộ. Do đó, khả năng giải ngân nguồn vốn vay tín dụng của Tiểu dự án này sẽ không cao.

Cũng theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai, hiện chưa có hướng dẫn cụ thể để triển khai từng nội dung thuộc Tiểu dự án 2 - Dự án 10 (Ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào DTTS&MN). Ngoài ra, năm 2022 Trung ương giao vốn 03 Chương trình MTQG chậm, trong khi thủ tục giao vốn ở địa phương cần phải trình HĐND các cấp thông qua (cả cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã); trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt dự án cần nhiều thời gian, vì vậy áp lực giải ngân hết 100% kế hoạch vốn được giao trong năm 2022 là rất lớn.

Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai đã đề xuất một số nội dung để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình, theo đó sớm xây dựng và ban hành định mức hỗ trợ Vốn đầu tư cho 04 nội dung: hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất và công trình nước sinh hoạt tập trung để địa phương có căn cứ triển khai thực hiện; cho phép sử dụng nguồn kinh phí đã được cấp thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất và sinh kế trực tiếp cho hộ nghèo các dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn trên địa bàn tỉnh; cho cơ chế kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân nguồn vốn được giao thực hiện Chương trình trong năm 2022 sang năm 2023. Đồng thời, phân bổ kế hoạch vốn năm 2023 đảm bảo thời gian theo quy định để tạo điều kiện cho các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân.../.

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực