Hòa Bình xây dựng vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển toàn diện

Thứ ba, 20/12/2022 10:27
(ĐCSVN) - Đảng bộ tỉnh Hòa Bình đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU về lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Theo đó, mục tiêu tổng quát nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong tỉnh, chủ động đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững; thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào DTTS và miền núi so với bình quân chung của cả nước...
Mô hình nuôi cá lồng ở xóm Lầu, xã Vạn Mai (Mai Châu).

Hòa Bình là 1 trong 10 tỉnh có người dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm tỷ lệ cao, tới 74,43% (gồm các dân tộc Mường, Thái, Tày, Dao, Mông), sống trải dài ở 145/151 xã, phường, thị trấn. Do vậy, ưu tiên đầu tư, phát triển toàn diện kinh tế - xã hội và phát huy vai trò của đồng bào DTTS được Hòa Bình xác định là nhiệm vụ trọng tâm và cũng là giải pháp chiến lược nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Những năm qua, bằng các chính sách dân tộc, các thôn xóm ở vùng DTTS và miền núi của tỉnh Hòa Bình đã được quan tâm đầu tư, hỗ trợ để phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH), nâng cao đời sống của nhân dân. Hằng năm, tỉnh Hòa Bình ưu tiên dành các nguồn lực từ các chương trình, dự án chính sách tập trung xây dựng hạ tầng cơ sở thiết yếu như, giao thông, thủy lợi, điện sinh hoạt, trường học, y tế; hỗ trợ phát triển sản xuất; đào tạo nghề mở rộng việc làm thay thế lao động nông nghiệp cho con em DTTS để có thu nhập cao hơn.

Triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững đã tạo đà phát triển toàn diện khu vực nông thôn của tỉnh. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày một nâng lên. Hiện nay, toàn tỉnh có 65/129 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Giai đoạn 2018-2021, UBND tỉnh tập trung nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển KT – XH trên địa bàn các xóm, xã đặc biệt khó khăn với tổng nguồn vốn đầu tư gần 4 tỷ đồng. Tỉnh ưu tiên triển khai các công trình dở dang, dự án trọng yếu, phát huy hiệu quả đầu tư phục vụ đời sống đồng bào vùng dân tộc. Ngoài ra, từ nguồn vốn ODA, nhiều công trình giao thông, thủy lợi, bệnh viện, trường học, trạm y tế xã... trên địa bàn được đầu tư, đưa vào sử dụng.

Sau gần 4 năm thực hiện Nghị quyết 22/NQ-TW về chủ chương chính sách phát triển KT - XH miền núi, đến nay, số xã thuộc diện đặc biệt khó khăn của tỉnh còn 39% trên tổng số xã, phường, thị trấn (giảm 29 xã so với năm 2017). Thu nhập bình quân tại các xã đặc biệt khó khăn đạt 25,2 triệu đồng/người/năm (vượt 5,2 triệu đồng so với mục tiêu Nghị quyết). Hằng năm, bình quân tỷ lệ hộ nghèo giảm khoảng 3%; năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo các xã đặc biệt khó khăn còn 23,12% (đạt mục tiêu Nghị quyết đề ra).

Đáng chú ý, ngày 30/7/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hòa Bình đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU về lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Theo đó, mục tiêu tổng quát nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong tỉnh, chủ động đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững; thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào DTTS và miền núi so với bình quân chung của cả nước. Phấn đấu đến năm 2025, giảm 50% số xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; đến năm 2030, cơ bản không còn xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn.

Triển khai thực hiện Nghị quyết, nhằm phát huy nội lực, khích lệ tinh thần vượt khó vươn lên của vùng đồng bào DTTS, trong giai đoạn 2021 - 2022, các ngành và cấp ủy các cấp vùng đồng bào DTTS, miền núi trong tỉnh đã chủ động đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, tạo ra nhiều phong trào thi đua với hình thức đa dạng, phù hợp với thực tiễn của các địa phương, đơn vị. Tiêu biểu như phong trào thi đua "Lao động giỏi, lao động sáng tạo”; "Chung tay xây dựng nông thôn mới”; "Vì người nghèo - không ai bị bỏ lại phía sau”… được triển khai và được đồng bào các dân tộc trong tỉnh hưởng ứng tích cực. Qua đó đã khẳng định vai trò hạt nhân của đồng bào các DTTS trong quá trình phát triển KT – XH, xây dựng bộ máy chính trị, đảm bảo an ninh quốc phòng, củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc...

Thông qua thực tiễn các phong trào thi đua đã xuất hiện ngày càng nhiều điển hình tiên tiến trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội trong vùng đồng bào DTTS. Cụ thể, trong lĩnh vực kinh tế, hiện toàn tỉnh có 586 doanh nhân, chủ hợp tác xã (HTX), hộ gia đình sản xuất, kinh doanh giỏi do người DTTS làm chủ. Điểm chung của các doanh nghiệp, HTX, mô hình sản xuất trên là đã vượt qua những khó khăn, thách thức ở vùng kinh tế khó khăn trở thành cầu nối đưa sản phẩm ra thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp và tạo việc làm cho lao động vùng DTTS. Tiêu biểu như mô hình HTX của thanh niên Trịnh Thị Thanh Hòa, dân tộc Tày (Đà Bắc) trồng nấm ăn, nấm dược liệu, trồng ngô ngọt cắt khúc đóng lon, trồng và sản xuất các sản phẩm từ cây Sachi... đã đạt nhiều giải thưởng quan trọng trong sáng tạo khởi nghiệp; Chi hội phụ nữ xóm Rậm, xã Mỹ Thành (Lạc Sơn) xây dựng thành công mô hình "Nuôi ong lấy mật” với 50 tổ ong mật, hằng năm thu được khoảng 500 lít mật, trị giá 96 triệu đồng, góp phần vào phát triển kinh tế hộ gia đình trong xóm... Ngoài ra, còn nhiều cá nhân tiêu biểu là những điển hình làm kinh tế giỏi và tuyên truyền, vận động, tham gia thực hiện các phong trào phát triển kinh tế tại địa phương.

Đồng chí Đinh Thị Thảo, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình cho biết, xác định phát triển nguồn nhân lực là 1 trong 4 đột phá chiến lược thực hiện nhiệm vụ phát triển KT – XH, trong năm qua, công tác giáo dục dân tộc tiếp tục được quan tâm, hệ thống các trường dân tộc nội trú, trường dân tộc bán trú được mở rộng về quy mô, nâng cấp về cơ sở vật chất. Từ đẩy mạnh các phong trào thi đua "Dạy tốt, học tốt”, nhiều tập thể, cá nhân đã đóng góp quan trọng nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho tỉnh, xứng đáng với niềm tin yêu gửi gắm và kỳ vọng của nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Nổi bật như: Tập thể Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh, tập thể Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Lạc Sỹ, huyện Yên Thủy, đạt nhiều thành tích cao trong công tác đào tạo và ứng dụng nhiều mô hình hiệu quả, góp phần bồi dưỡng học sinh phát triển toàn diện… Hiện nay, toàn tỉnh có 14.986 cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng lao động chất lượng cao là đồng bào DTTS. Nhiều năm qua, đội ngũ nhân sỹ, trí thức người DTTS luôn thầm lặng cống hiến vì mục tiêu chung của tỉnh.

Trong lĩnh vực văn hoá, có thể khẳng định những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc được quan tâm, bảo tồn và phát huy. Các lễ hội truyền thống duy trì, bảo tồn chính là nhờ vai trò gìn giữ và trao truyền của những "nghệ nhân xứ Mường Hoà Bình”. Đến nay, toàn tỉnh có 18 nghệ nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân ưu tú” trong các lĩnh vực di sản văn hóa DTTS, trong đó là người DTTS có 17 nghệ nhân, chiếm 94%. Toàn tỉnh có 1.482 đội văn nghệ quần chúng tại thôn, xóm, tổ dân phố với hàng chục nghìn diễn viên, nghệ nhân không chuyên. Họ chính là những hạt nhân nòng cốt tại cơ sở góp phần bảo tồn, giữ gìn để mạch nguồn văn hoá mãi chảy về sau. 

Xóm Lũy Ải, xã Phong Phú, huyện Tân Lạc là điểm du lịch cộng đồng thu hút nhiều du khách. (Ảnh: ĐH). 

Đặc biệt, trong lĩnh vực an ninh quốc phòng, những già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng đã đóng vai trò là cánh tay nối dài tuyên truyền, vận động người dân chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giữ gìn an ninh trật tự ở cơ sở. Tỉnh Hòa Bình có trên 9.000 trưởng bản, cán bộ cốt cán ở cơ sở, trong đó gần 7.000 người là người DTTS, trên 95% trưởng bản, cán bộ cốt cán ở cơ sở trên địa bàn tỉnh biết tiếng DTTS. Bằng uy tín, bằng các luật tục của dòng họ, gia đình, nhiều già làng, trưởng bản, người có uy tín đã vận động hàng trăm hộ dân tham gia hiến đất xây dựng nông thôn mới; xây dựng các mô hình an ninh tự quản tại cơ sở, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và phòng, chống tai, tệ nạn xã hội...

Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình Đinh Thị Thảo thông tin, năm 2023, tiếp tục thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ưu tiên phát triển toàn diện, nhanh, bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi; thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi với 10 dự án, 14 tiểu dự án, 36 nội dung đầu tư khác nhau được tích hợp từ nhiều chính sách dân tộc.

Với những kết quả đã đạt được nêu trên cùng tinh thần đoàn kết, phát huy ý chí tự lực, tự cường, chắc chắn, đồng bào các DTTS và miền núi tỉnh Hòa Bình đóng góp tích cực vào những thành tựu quan trọng trong phát triển KT - XH của tỉnh, góp phần đổi thay diện mạo nông thôn, vùng DTTS, miền núi và củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc; thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, kế hoạch phát triển KT-XH, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025…/.

Phấn đấu tỷ lệ nghèo trong đồng bào DTTS bình quân mỗi năm  giảm 2,5%-3%

Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về lãnh đạo phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2025: Thu nhập bình quân của người DTTS tăng trên 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ nghèo trong đồng bào DTTS bình quân mỗi năm  giảm 2,5%-3%, trong đó các xã đặc biệt khó khăn bình quân mỗi năm giảm từ 4-4,5%.

100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông xi măng; 90% thôn, xóm có đường giao thông từ xã đến thôn, xóm được cứng hóa; 100% trường lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 100% số xã có điểm cung cấp dịch vụ intrernet công cộng phục vụ nhân dân; 100% đồng bào dân tộc thiểu số được xem truyền hình và nghe đài phát thanh;

Từng bước quy hoạch, sắp xếp, di dời, bố trí hộ dân tộc thiểu số đang cư trú phân tán nhỏ lẻ tại các khu vực xa xôi, hẻo lánh, nơi có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở; xóa bỏ hoàn toàn nhà tạm, dột nát;

Tỷ lệ học sinh mẫu giáo 5 tuổi đến trường 99,9% học sinh trong độ tuổi tiểu học duy trì ổn định 100%, học sinh trung học cơ sở 98,8%, người từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông đạt 95%;

Trên 98% đồng bào dân tộc thiểu số tham gia BHYT; trên 95% phụ nữ có thai được khám thai định kỳ, sinh con ở cơ sở y tế hoặc có sự trợ giúp của cán bộ y tế; giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể nhẹ cân xuống dưới 15%;

Khoảng 63% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người dân tộc thiểu số;

Bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc; trên 80% thôn, xóm có nhà sinh hoạt cộng đồng; 50% thôn, xóm có đội văn hóa, văn nghệ truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng;

Đào tạo, quy hoạch, xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, bảo đảm tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số phù hợp với tỷ lệ dân số là người dân tộc thiểu số ở từng địa bàn, từng cơ quan.

Mục tiêu đến năm 2030: Thu nhập bình quân của người DTTS tối thiểu đạt ½ bình quân chủng của cả nước; giảm hộ ngheo xuống dưới 10%; 70% số xã vùng đồng bào DTTS và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới; 40% lao động người DTTS biết làm các ngành nghề: công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch, dịch vụ;

Trên 90% số hộ nông dân thiểu số làm kinh tế nông – lâm nghiệp hàng hóa; trên 90% số xã, thôn vùng đồng bào DTTS và miền núi có đủ cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển KT - XH và đời sống của người dân;

Giải quyết căn bản tình trạng di cư không theo kế hoạch trong vùng đồng bào DTTS; quy hoạch sắp xếp, di dời, bố trí 100% hộ dân tộc thiểu số đang cư trú phân tán nhỏ lẻ tại các khu vực xã xôi, hẻo lánh, nơi có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở có nơi ở ổn định, an toàn./.

 

Nam Khánh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực