|
Một góc thị trấn Kim Sơn của huyện Quế Phong, Nghệ An. (Ảnh: dbnhnghean.vn) |
Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Nghệ An có diện tích tự nhiên 13.745 km2, chiếm 83% diện tích; dân số vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên 1,2 triệu người, chiếm 36% dân số toàn tỉnh; đồng bào dân tộc thiểu số gần 500 ngàn người, chiếm khoảng 15% dân số toàn tỉnh và chiếm hơn 40% dân số trên địa bàn miền núi.
Theo đồng chí Lô Thị Kim Ngân, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Nghệ An, việc triển khai thực hiện đồng bộ các Chương trình mục tiêu quốc gia với các chương trình, dự án, chính sách đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong giai đoạn mới có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Qua đó, góp phần thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của vùng so với bình quân chung của cả nước; giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn; góp phần phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa… giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước.
Tập trung phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi
Năm 2022, Tỉnh ủy, chính quyền các cấp tỉnh Nghệ An luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên đối với công tác dân tộc và việc thực hiện chính sách dân tộc; đặc biệt đối với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 và năm 2022, nhờ đó đã đạt được một số kết quả tích cực.
Đến nay, tỷ lệ xã trên địa bàn tỉnh có điện lưới quốc gia đạt 100%, tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã đạt 100%, xã chưa có đường ô tô nội huyện đến trung tâm xã là 03 xã (Mai Sơn, Nhôn Mai, Hữu Khuông, huyện Tương Dương) chiếm 2,29%. Đồng bào tích cực lao động, sản xuất, chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Tình hình kinh tế, đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tiếp tục ổn định...
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 được thực hiện trên địa bàn 131 xã, 588 thôn đặc biệt khó khăn của tỉnh với 10 dự án (12 tiểu dự án) bao gồm: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; Quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi; Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao nguồn nhân lực; Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS và phát triển du lịch; Chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS và phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em; Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; Đầu tư phát triển nhóm dân tộc rất ít người, nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn; Truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Trên cơ sở hướng dẫn và yêu cầu của Trung ương, tỉnh Nghệ An đã kịp thời ban hành văn bản triển khai các cơ chế chính sách, hướng dẫn và đôn đốc thực hiện Chương trình. Các Sở, ban, ngành và UBND các huyện bám sát các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc để triển khai thực hiện nguồn vốn đã được giao; đồng thời hoàn thiện hồ sơ, thủ tục các danh mục dự án đầu tư để trình giao vốn năm 2022 theo quy định. Hệ thống các văn bản đảm bảo tính khả thi, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và phù hợp điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh, tổng số vốn ngân sách Trung ương năm 2022 phân bổ cho tỉnh Nghệ An thực hiện Chương trình là 794.972 triệu đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển là 492.540 triệu đồng, thực hiện đầu tư xây dựng 316 dự án khởi công mới (296 dự án thuộc cấp huyện phê duyệt và 20 dự án thuộc cấp tỉnh phê duyệt). Đến ngày 01/12/2022 UBND tỉnh Nghệ An đã giao vốn năm 2022 cho 238/316 danh mục dự án, đạt 75,31%, trong đó các huyện đã được giao vốn 100% là Anh Sơn, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Thanh Chương. Hiện nay có 31/316 danh mục đã được phê duyệt đang tiến hành quy trình giao vốn, còn 47/316 danh mục hiện đang hoàn thành thủ tục đầu tư.
Đối với nguồn vốn sự nghiệp 302.432 triệu đồng, thực hiện 09 dự án thuộc Chương trình. Đến nay mới giải ngân được 11.857/302.432 triệu đồng, đạt 3,92% (trong đó nội dung hỗ trợ đào tạo nghề, Tiểu dự án 3, Dự án 5 là 11.730 triệu đồng; nội dung Nâng cao chất lượng dân số vùng ĐB DTTS &MN và Chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng bà mẹ-trẻ em nhằm giảm tử vong bà mẹ, tử vong trẻ em, nâng cao tầm vóc, thể lực người dân tộc thiểu số, Dự án 7 là 127 triệu đồng). Hiện nay các sở, ngành và UBND các huyện đã xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện, giải ngân theo quy định.
UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo ngành chức năng tham mưu bố trí vốn đối ứng theo quy định, trong đó ưu tiên bố trí vốn đối ứng với các chính sách liên quan trực tiếp đến chế độ của người dân.
|
Người dân bản Bộng, xã Thành Sơn (Anh Sơn) học nghề dệt thổ cẩm truyền thống. (Ảnh: Đình Tuyên) |
Nhiều kết quả tích cực trong thực hiện các chính sách dân tộc
Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An cho biết, trong năm, các chương trình, chính sách dân tộc khác cũng được các cấp, các ngành và địa phương thực hiện kịp thời, có hiệu quả. Trong đó, về chính sách đối với người có uy tín, với tổng kinh phí năm 2022 là 6.100 triệu đồng, địa phương tổ chức cho 40 người có uy tín đi tham quan các tỉnh phía Bắc; tổ chức tập huấn và đi thực tế mô hình cho 312 người có uy tín; thăm và tặng quà tết Nguyên Đán cho người có uy tín; tổ chức khen thưởng, biểu dương người có uy tín;...
Tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số tại 07 huyện miền núi, qua đó góp phần tạo chuyển biến tích cực về nhận thức giới, nâng cao vị thế, vai trò của phụ nữ dân tộc thiểu số trong gia đình, xã hội, giảm khoảng cách về giới, thúc đẩy công tác bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số ngày tiến bộ, bình đẳng, giảm tỷ lệ định kiến về giới.
Triển khai công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho học sinh THCS, THPT, người có uy tín, già làng, trưởng thôn, bản, các đoàn thể hội, phụ huynh, Bộ đội Biên phòng... với số lượng 3.000 người tham gia.
Ngoài ra, thực hiện các chính sách văn hóa, UBND tỉnh đã tổ chức 02 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho hơn 120 già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng; bảo tồn và phát huy nghệ thuật trình diễn cho các nghệ nhân dân tộc Thái. Hỗ trợ bảo tồn không gian văn hóa truyền thống tại xã Thành Sơn, huyện Anh Sơn và xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn; tổ chức 55 buổi biểu diễn nghệ thuật phục vụ đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Về giáo dục - đào tạo, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định thực hiện Đề án vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ các trường phổ thông có học sinh dân tộc nội trú, dân tộc bán trú trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Đề án phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch thực hiện Chương trình nâng cao chất lượng dạy học các môn học tiếng dân tộc thiểu số trong Chương trình giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022-2030… Kịp thời phối hợp với các sở ban ngành liên quan thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các chế độ chính sách cho các đối tượng thụ hưởng ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, góp phần giúp cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh yên tâm hơn trong học tập, công tác.
Kết quả, tổng số trẻ em dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Nghệ An đi học mầm non là 29.074 em; tỷ lệ trẻ đi nhà trẻ chiếm 18,7%, đi học mẫu giáo chiếm 90,50; tổng số học sinh dân tộc thiểu số đi học tiểu học 52.321 em, tỷ lệ học sinh đi học tiểu học chiếm 98,95%; tổng số học sinh dân tộc thiểu số đi học THCS 34.035 em, tỷ lệ học sinh đi học THCS chiếm 94,35%, tổng số trường học vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 663 trường, trong đó số trường học đạt chuẩn quốc gia 401 trường, chiếm tỷ lệ 60,48%...
Theo Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An, kết quả thực hiện các chính sách dân tộc trong năm 2022 đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh, góp phần giải quyết các nhu cầu thiết yếu của nhân dân về sản xuất, đi lại, học tập, chăm sóc sức khoẻ.... Các chính sách được thực hiện đầy đủ, phát huy hiệu quả, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển; các lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo, văn hóa xã hội có bước chuyển biến tích cực; công tác chính sách xã hội được quan tâm, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được nâng lên. Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào các chế độ chính sách của nhà nước, không muốn thoát nghèo ảnh hưởng đến sự phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh.
Về nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023, Ban Dân tộc tỉnh chú trọng thực hiện tốt các chính sách dân tộc tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đảm bảo đúng quy định, đầy đủ, kịp thời. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền chính sách dân tộc, phổ biến giáo dục pháp luật, vận động đồng bào dân tộc thiểu số phát huy tinh thần tự lực, tự cường, nỗ lực vượt khó vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng; đoàn kết, giúp đỡ nhau thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.
Thường xuyên cung cấp thông tin, trao đổi các chủ trương, chính sách, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cốt cán, người có uy tín, nhất là công tác vận động quần chúng, công tác đấu tranh với những hành vi vi phạm pháp luật trong đồng bào; thực hiện đầy đủ chính sách đối với đội ngũ người có uy tín...