Vĩnh Phúc: Không ngừng chăm lo tới đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Thứ hai, 12/12/2022 15:23
(ĐCSVN) - Trong những năm qua các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc được triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời, hiệu quả. Hầu hết việc thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc được lồng ghép và thực hiện với các chương trình, chính sách phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
 Dạy học cho trẻ em người dân tộc thiểu số xã Đạo Trù (Tam Đảo, Vĩnh Phúc). Ảnh: danvan.vn

Tỉnh Vĩnh Phúc có 41 dân tộc anh em cùng sinh sống, gồm: dân tộc Kinh và 40 dân tộc thiểu số. Số lượng người dân tộc thiểu số của tỉnh là 55.383 người (chiếm khoảng 4,8% dân số toàn tỉnh), chủ yếu là các dân tộc: Sán Dìu, Dao, Cao Lan, Tày, Mường, Nùng… Các dân tộc thiểu số sống đan xen, rải rác ở địa bàn các huyện, thành phố trong tỉnh.

Tính đến hết năm 2020, toàn tỉnh đã có 100% (115/115) xã hoàn thành Chương trình Nông thôn mới (NTM) theo chuẩn vùng đồng bằng Sông Hồng; 6/9 huyện, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 53 thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Đáng chú ý, trong số 93,5% dân số toàn tỉnh tham gia BHYT, BHXH thì vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt gần 80%. Thu nhập bình quân đầu người của tỉnh năm 2021 đạt gần 80 triệu đồng/người/năm, của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) hơn 47 triệu đông/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh năm 2021 là 1,51%, của vùng đồng bào DTTS&MN là 3,01%.

Làm tốt công tác quản lý Nhà nước về công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh

Thời gian qua, hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh được sắp xếp, kiện toàn khá đầy đủ. Cụ thể, đối với cấp tỉnh: Ban Dân tộc tỉnh hiện có 16 công chức, nhân viên, được bố trí, sắp xếp như sau: Lãnh đạo ban 02 đồng chí; có 03 phòng, bộ phận gồm: Văn phòng (07 công chức, nhân viên); Phòng Chính sách dân tộc (05 công chức); Thanh tra (02 công chức). Ở cấp huyện: Có 05 huyện, thành phố có đông đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó chỉ có 01 huyện có phòng Dân tộc (huyện Tam Đảo). Các huyện, thành phố khác không thành lập phòng dân tộc, chức năng này do Văn phòng HĐND&UBND huyện đảm nhiệm. Ở cấp xã: Phân công 01 Lãnh đạo UBND xã kiêm nhiệm theo dõi, chỉ đạo thực hiện công tác dân tộc trên địa bàn xã.

Cũng những năm qua, các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc được triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời, hiệu quả. Hầu hết việc thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc được lồng ghép và thực hiện với các chương trình, chính sách phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Đặc biệt, các chính sách dân tộc thực hiện chủ yếu là các chương trình, chính sách do Trung ương quy định, ban hành, tỉnh Vĩnh Phúc không có chính sách riêng đối với vùng đồng bào DTTS&MN.

Bên cạnh việc tham mưu triển khai thực hiện các chính sách do Trung ương ban hành, năm 2022, Ban Dân tộc đang tham mưu xây dựng 02 Nghị quyết của HĐND tỉnh, gồm: Nghị quyết về điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ BHYT cho đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã khu vực I theo Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết về hỗ trợ hàng tháng cho người có uy tín trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh (mức hỗ trợ bằng 50% mức lương cơ sở).

 Đường giao thông nông thôn xã Đại Đình, huyện Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc) được bê tông hóa theo tiêu chuẩn nông thôn mới. Ảnh:daidoanket.vn

7 giải pháp thực hiện tốt chính sách dân tộc thời gian tới

Đầu năm 2021, UBND tỉnh giao Ban Dân tộc thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cấp tỉnh thực hiện Đề án "Nghiên cứu, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030", để có đánh giá và có giải pháp toàn diện phát triển kinh tế-xã hội đối với vùng DTTS&MN của tỉnh. UBND tỉnh cũng yêu cầu Ban Dân tộc xây dựng Đề án triển khai thực hiện phù hợp với thực tiễn trên địa bàn tỉnh.

Rà soát, đối chiếu các chỉ tiêu, mục tiêu theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội và Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Vĩnh Phúc đã có 21/26 nhóm chỉ tiêu và chỉ tiêu đã đạt và vượt mục tiêu; còn 05/26 mục tiêu chưa đạt so với mục tiêu của Chương trình. Do đó, UBND tỉnh chỉ đạo Ban Dân tộc xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc để hoàn hiện các mục tiêu, chỉ tiêu chưa đạt được và nhiệm vụ của ngành giai đoạn 2022-2025.

Trên cơ sở đó, Ban Dân tộc đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng và ban hành Quyết định số 946/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2022-2025.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, Ban Dân tộc đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch về thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN năm 2022. Hiện nay, Ban Dân tộc đang phối hợp với các Sở, Ban ngành của tỉnh, UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện các nội dung, dự án, tiểu dự án của Chương trình.

Đối với Đề án "Nghiên cứu, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS&MN tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030", cuối năm 2021, Đề án đã được Hội đồng khoa học cấp tỉnh nghiệm thu, phê duyệt làm căn cứ nghiên cứu, khai thác tư liệu phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Theo Ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Phú, đề thực hiện hoàn thành Kế hoạch được giao, Vĩnh Phúc đã đề ra 7 nhóm giải pháp nhằm thực hiện tốt chính sách dân tộc trong thời gian tới:

Một là, nghiêm túc và thực hiện đầy đủ các nội dung của Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới, trong đó tập trung quan tâm, chú trọng phát hiện, quy hoạch, đào tạo cán bộ làm công tác dân tộc các cấp, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và thực hiện tốt chính sách sử dụng, đãi ngộ cán bộ là người dân tộc thiểu số.

Hai là, đề xuất xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách và thực hiện đầy đủ, kịp thời, hiệu quả các nội dung dự án, tiểu dự án của Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 – 2030.

Ba là, tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu, nhằm xây dựng và ban hành tiêu chí phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển mới, đảm bảo toàn diện, khách quan, khoa học, chính xác, phù hợp và bao trùm cho các địa bàn vùng DTTS&MN, làm tiền đề và cơ sở xác định đối tượng, địa bàn cần ưu tiên để tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.

Bốn là, tăng cường nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, đặc biệt là đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý, hoạch định chính sách dân tộc; hoàn thiện xây dựng và phát triển đồng bộ, mở rộng cơ sở dữ liệu vùng đồng bào DTTS&MN để phục vụ công tác dự báo, hoạch định, quản lý thực hiện chính sách dân tộc ở Trung ương và mỗi địa phương.

Năm là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc, về thực hiện chính sách dân tộc. Thường xuyên điều chỉnh, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của ngành quản lý Nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh, theo hướng là cơ quan đầu mối thống nhất theo dõi, tổng hợp các chính sách dân tộc; đề xuất và tham gia thẩm định chính sách, các dự án đầu tư liên quan đến vùng đồng bào DTTS&MN.

Sáu là, huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó nguồn lực Nhà nước giữ vai trò quan trọng, quyết định để huy động các nguồn lực khác. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc.

Bảy là, tăng cường xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Kịp thời biểu dương, tôn vinh, động viên người tiêu biểu có uy tín, doanh nhân, nhà khoa học trong cộng đồng các dân tộc thiểu số có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.

HV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực