Tổ truyền thông cộng đồng được xác định là lực lượng nòng cốt, tiên phong trong tuyên truyền, vận động người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi thay đổi nếp nghĩ, cách làm, góp phần xóa bỏ định kiến, khuôn mẫu giới và những tập tục văn hóa có hại đã và đang là rào cản đối với sự phát triển của phụ nữ và trẻ em.
Hiện nay, các cấp Hội phụ nữ tỉnh Lào Cai đang khẩn trương khảo sát, làm việc với cấp ủy, chính quyền địa phương để thành lập tổ truyền thông tại cộng đồng.
Tổ truyền thông cộng đồng có sự tham gia của các thành viên là những người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, có năng lực truyền thông trên địa bàn thôn/bản, mỗi tổ đều có sự tham gia của cả nam và nữ.
|
Tổ truyền thông cộng đồng xã Tả Gia Khâu, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai (Ảnh: CTV) |
Tính đến 30/6/2023, trên địa bàn tỉnh Lào Cao đã thành lập được 324/423 tổ truyền thông cộng đồng, tại 9/9 huyện, thị xã, thành phố (đạt 75% chỉ tiêu của tỉnh về Dự án 8: Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I từ 2021 - 2025.
Tỉnh cũng đã tổ chức được 28/47 lớp tập huấn hướng dẫn thành lập và vận hành cho 2.897 thành viên tổ truyền thông cộng đồng, đạt 59% chỉ tiêu.
Công tác xây dựng mạng lưới truyền thông trên nền tảng số để chia sẻ, kết nối hoạt động của các tổ truyền thông được quan tâm. Ứng dụng zalo/facebook trong công tác truyền thông, chia sẻ, cập nhật thông tin cho 265/423 tổ.
Phù hợp với đặc điểm địa bàn là có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, tỉnh đã chỉ đạo xây dựng 24 chương trình truyền thông bằng tiếng Việt, 24 chương trình truyền thông bằng tiếng Mông, Dao, Giáy trên sóng phát thanh Đài Phát truyền - Truyền hình Lào Cai.
Bên cạnh đó, còn tiến hành truyền thông trên các ấn phẩm Bản tin Phụ nữ Lào Cai; trên Cổng thông tin Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, trang Fanpage, các nhóm Zalo của các cấp Hội...
Ngoài ra, đã phát 414 poster giới thiệu các chỉ tiêu chính của Dự án đến 138 xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh; tổ chức 261 cuộc truyền thông tại cộng đồng/hoặc gắn với cuộc họp thôn/bản, truyền thông tại phiên chợ; tổ chức 10 hội nghị, trong đó có 09 hội nghị tại huyện, 01 hội nghị tại tỉnh để đánh giá kết quả thực hiện chiến dịch truyền thông; Tổ chức 01 Hội thi tìm kiếm sáng kiến, mô hình, giải pháp truyền thông hiệu quả thay đổi “Nếp nghĩ, cách làm”, góp phần xóa bỏ định kiến giới, bạo lực gia đình và mua bán phụ nữ, trẻ em.