Ông Huỳnh Vĩnh Lâm Phó Chủ tịch LĐLĐ Quận 1, TPHCM đề nghị cần nâng cao kỹ năng, trình độ phản biện xã hội của cán bộ công đoàn. Ảnh: Nam Dương
Đóng góp vào sự phát triển bền vững của xã hội
Ông Huỳnh Văn Tuấn - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Nghiệp vụ LĐLĐ TPHCM - cho biết, các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đã quy định rõ vai trò, chức năng phản biện của tổ chức CĐ Việt Nam.
Đặc biệt, Điều 17 Luật Công đoàn 2024 (có hiệu lực từ ngày 1.7.2025) đã quy định rõ: “CĐ có quyền và trách nhiệm tham gia ý kiến, phản biện xã hội đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án của cơ quan Nhà nước có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của đoàn viên CĐ, người lao động (NLĐ)”.
“Điều này thể hiện rõ vai trò, tầm quan trọng đối với chức năng phản biện xã hội của tổ chức CĐ” - ông Tuấn nhận định.
Ông Huỳnh Vĩnh Lâm - Phó Chủ tịch LĐLĐ Quận 1, TPHCM - cho biết, LĐLĐ quận được mời tham gia phản biện xã hội với nhiều vấn đề trên địa bàn quận và thành phố. “Phản biện của tổ chức CĐ đã đóng góp thiết thực và giúp cho những vấn đề được lấy ý kiến được sát thực tế cuộc sống hơn” - ông Lâm chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Thanh - Phó Chủ tịch LĐLĐ quận Bình Thạnh, TPHCM - cho rằng, những ý kiến đóng góp, phản biện xã hội của cán bộ CĐ liên quan đến quyền lợi của NLĐ giúp cho các quy định của pháp luật dễ đi vào cuộc sống và dễ thực hiện hơn.
Theo Tiến sĩ Phan Thị Thanh Huyền - Trường Đại học Thủy Lợi, việc phát huy vai trò phản biện của tổ chức CĐ không những có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi của NLĐ mà còn đóng góp vào sự phát triển bền vững của xã hội.
Thiếu nguồn lực, nhân lực cho phản biện xã hội
Ông Huỳnh Vĩnh Lâm thông tin, nhiều cán bộ CĐ được chuyển từ lĩnh vực khác qua và nhiều người nhanh chóng lại được điều chuyển qua lĩnh vực khác nên có khi thiếu hiểu biết, kiến thức chuyên sâu trong lĩnh vực được mời phản biện. Thêm vào đó, hiện còn thiếu quy định, quy chế, quy trình rõ ràng trong việc phản biện xã hội của CĐ.
Theo ông Trần Hữu Nghĩa - Phó trưởng ban Dân chủ - Pháp luật - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM - phản biện xã hội để giúp cho các vấn đề đưa ra cho sát thực tế xã hội.
Hàng năm, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM đều có văn bản hỏi UBND TPHCM trong năm tới dự kiến sẽ ban hành những văn bản nào, trên cơ sở đó Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM chọn lựa những văn bản liên quan mật thiết đến quyền lợi của người dân để chủ động phản biện.
Ngoài việc mời chuyên gia, người có kinh nghiệm, khi phản biện, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM còn mời những đối tượng bị tác động, ảnh hưởng của văn bản dự kiến ban hành trực tiếp đóng góp ý kiến. Nhờ đó, các văn bản khi ban hành dễ đi vào cuộc sống hơn.
Tuy nhiên, theo ông Nghĩa, một khó khăn trong công tác phản biện xã hội hiện nay là quy định mỗi bài phản biện của chuyên gia chỉ được trả thù lao tối đa 1 triệu đồng/bài. “Với mức tài chính hạn chế như thế khó mời được chuyên gia giỏi viết bài phản biện”, ông Nghĩa nói.
Ông Nghĩa cũng khuyến cáo, tổ chức CĐ cần xây dựng lực lượng chuyên gia về phản biện xã hội, không chỉ trông chờ vào lực lượng cán bộ CĐ, vì cán bộ CĐ thường xuyên phải luân chuyển công tác. Cùng với đó, cần chú trọng xây dựng lực lượng chuyên gia bên ngoài về lĩnh vực CĐ, công nhân lao động để khi cần thiết có thể mời các chuyên gia này tham gia phản biện xã hội.
Ông Huỳnh Vĩnh Lâm cho rằng, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy trình phản biện xã hội của tổ chức Công đoàn, đồng thời nâng cao kỹ năng lắng nghe, giao tiếp, tranh luận, thuyết phục cho cán bộ công đoàn, tránh tình trạng chỉ dựa vào kinh nghiệm cá nhân. Bên cạnh đó, cần tăng cường khả năng ứng dụng công nghệ số và AI trong công tác phản biện xã hội.
https://laodong.vn/cong-doan/cong-doan-tphcm-thuc-day-vai-tro-phan-bien-xa-hoi-1488186.ldo