Cẩn trọng với tình trạng âm tính giả

Thứ tư, 23/03/2022 19:07
(ĐCSVN) - Mong mỏi chung của các trường hợp nhiễm mắc COVID-19 đó là nhanh chóng có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, theo cảnh báo của các chuyên gia, mọi người nên cẩn trọng với tình trạng âm tính giả, tức là hiện tượng trong cơ thể người bệnh có tác nhân virus nhưng kết quả test nhanh nhận được lại âm tính.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến kết quả âm tính giả. (Ảnh: Images). 

Test nhanh âm tính, nhưng khi thực hiện xét nghiệm PCR thì lại cho ra kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Thời gian gần đây, tình trạng này đã xuất hiện ở không ít người bệnh. Tình trạng âm tính giả tiềm ẩn nhiều hệ lụy nguy hiểm với bản thân người bệnh cũng như với cộng đồng. Theo đó, khi có kết quả test nhanh âm tính, người bệnh thường có tâm lý thoải mái, “xả hơi” sau khoảng thời gian thực hiện các quy định cách ly, điều trị đối với F0. Một số cá nhân còn có biểu hiện chủ quan, lơ là trong thực hiện các quy định về phòng, chống dịch, nhất là thực hiện quy định 5K vì cho rằng đã điều trị khỏi COVID-19, “phải sau một thời gian thì mới có thể tái nhiễm”… Đây cũng chính là nguyên nhân tiềm ẩn nguy cơ dịch lây lan trong cộng đồng từ những F0 sau khi âm tính giả.

Chị Lê Thị Thương ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ: “Gần chục ngày trước con trai tôi bị mắc COVID-19. Đầu tuần vừa rồi test nhanh có kết quả âm tính, nhưng để chắc chắn, tôi gọi dịch vụ xét nghiệm PCR đến thực hiện tại nhà thì kết quả vẫn là dương tính. Nếu không xét nghiệm lại, rất có thể con trai tôi đã vô tình lây COVID-19 cho người thân”.

Theo các chuyên gia y tế, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng âm tính giả, nhất là khi biến thể phụ BA.2 của Omicron - hay còn gọi là Omicron "tàng hình" - đang chiếm phần lớn các ca mắc. Đây là loại biến chủng mà nhiều nghiên cứu cho rằng có thể "lẩn tránh" được xét nghiệm.

 TS. BS Phạm Quang Thái, Phó trưởng Khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. (Ảnh: Trần Thảo).

Trước hết, độ nhạy của kit test là yếu tố quyết định tính chính xác của kết quả test nhanh. Việc sử dụng các loại kit test giả, kit test kém chất lượng rất có thể khiến kết quả test trở lên thiếu chính xác. Cùng với đó, kỹ thuật lấy mẫu cũng ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả test. Nhiều trường hợp, người dân tự lấy mẫu không đúng kỹ thuật, làm cho dịch thu được trong mẫu không bảo đảm, dẫn đến tình trạng âm tính giả. Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với báo chí, TS. BS Phạm Quang Thái, Phó trưởng Khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương lý giải: "Hiện tượng âm tính giả có thể liên quan đến kỹ thuật lấy mẫu. Việc đào thải virus của cơ thể không phải lúc nào cũng giống nhau. Có những thời điểm lượng virus cơ thể đào thải ra không nhiều, như người mới nhiễm COVID-19 hoặc sắp khỏi. Ngoài ra, có những trường hợp biểu hiện rầm rộ nhưng mà xét nghiệm lại âm tính, nhưng có khi sau vài ngày hết triệu chứng thì xét nghiệm lại dương tính. Những trường hợp như vậy không phải hiếm trong giai đoạn hiện tại, đặc biệt khi chủng Omicron lan tràn".

Mặt khác, chi phí giữa test nhanh và thực hiện xét nghiệm PCR là tương đối lớn, không phải người bệnh nào cũng có điều kiện làm xét nghiệm PCR để khẳng định nhiễm bệnh hay là khỏi bệnh trước khi tái hoà nhập cộng đồng. Thực tế hiện nay, việc kết luận F0 khỏi bệnh ở nhiều nơi chủ yếu dựa vào kết quả test nhanh. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, ngay cả khi có kết quả test nhanh âm tính thì người bệnh cũng không được phép lơ là, chủ quan. Bởi nếu test nhanh cho kết quả âm tính (là chính xác) nhưng người dân không chú ý theo dõi sức khỏe, tăng cường sức đề kháng, hoặc tiếp xúc gần với F0 khác… thì virus có thể tiếp tục nhân lên dẫn đến tình trạng tái dương tính.

Vì thế, dù trường hợp kết quả test nhanh âm tính, người dân không nên chủ quan, thay vào đó vẫn nên cẩn thận, tiếp tục theo dõi các triệu chứng (nếu có), đảm bảo thực hiện tốt 5K để phòng bệnh cho những người khác. Không nên thực hiện test nhanh khi vừa tiếp xúc với F0 hay người có nguy cơ nhiễm bệnh; hạn chế việc thực hiện test nhanh nếu cơ thể không có các triệu chứng mắc bệnh.

 Tổ quân y cơ động ở phường 11, quận Bình Thạnh, TP HCM đến tận nhà hướng dẫn test nhanh cho người dân. (Ảnh: Quỳnh Trần).

Để tránh những hệ lụy không đáng có từ tình trạng âm tính giả, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để người dân thấy rõ những nguy cơ của tình trạng âm tính giả; tăng cường công tác quản lý hoạt động kinh doanh, buôn bán các loại test nhanh, các loại kit test giả, kit test kém chất lượng có thể dẫn đến kết quả test không chính xác.

Đồng thời, người dân nên thực hiện test nhanh tại các cơ sở y tế để bảo đảm yêu cầu kỹ thuật. Bên cạnh đó, cần lựa chọn thời điểm test nhanh phù hợp, để có được kết quả test nhanh chính xác nhất. Trong trường hợp có điều kiện, người dân nên cố gắng thực hiện xét nghiệm PCR để tránh tình trạng âm tính giả; qua đó, vừa bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình, vừa hạn chế nguy cơ lây nhiễm bệnh cho cộng đồng./.

TL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực