Cấp bách phòng chống hạn, đảm bảo nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp

Thứ tư, 24/05/2023 18:24
(ĐCSVN) - Trước những dự báo tác động của El Nino, nắng nóng và hạn hán sắp xảy ra trong thời gian tới, đòi hỏi các địa phương chịu tác động cần cấp bách triển khai các giải pháp để phòng chống tình trạng này, đặc biệt là triển khai theo phương châm “phòng là chính”.
Người dân trữ nước phòng chống hạn cho cây trồng tại tỉnh Tiền Giang (Ảnh: B.T)

Theo nhận định của Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia tại bản tin dự báo hiện tượng El Nino ngày 15/5/2023: El Nino có khả năng sẽ xuất hiện vào cuối tháng 5, đầu tháng 6/2023 với xác suất khoảng 70-80% và có thể kéo dài sang đầu năm 2024.

Trong điều kiện ảnh hưởng của El Nino, ở hầu hết các vùng trong cả nước, nhiệt độ trung bình các tháng có xu thế cao hơn bình thường, nắng nóng có thể nhiều hơn và gay gắt hơn, khả năng xuất hiện nhiều kỷ lục về nhiệt độ cao nhất tuyệt đối. Hoạt động của bão, áp thấp nhiệt đới có thể không nhiều nhưng tập trung nhiều vào giữ mùa, tính chất dị thường hơn, cả về cường độ và quỹ đạo. Điều đáng lưu ý là El Nino thường gây thâm hụt lượng mưa ở đa phần diện tích cả nước với mức phổ biến từ 25-50%. Vì thế nguy cơ cao xảy ra khô hạn cục bộ hoặc diện rộng ở những nơi có nhu cầu dùng nước nhiều cho sản xuất và sinh hoạt, trong các tháng mùa khô năm 2023; đề phòng tình trạng ít mưa dẫn đến tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước trong những tháng đầu năm 2024 trên phạm vi toàn quốc. Ví dụ dễ hình dung nhất về tác động của El Nino đã gây ra các đợt hạn mặn kỷ lục vào năm 2015-2016 và 2019-2020.

Theo Bộ NN&PTNT, hiện tại, các hồ thủy lợi ở khu vực Bắc Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ trữ đạt trung bình khoảng 40-50% dung tích thiết kế, ở khu vực Trung Bộ trung bình ở mức 50-70% dung tích thiết kế. Một số hồ chứa thủy điện thường xuyên tham gia bổ sung nguồn nước cho hạ du có dung tích trữ thấp hơn từ 10-15% so với các các năm bị hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng 2015, 2016, như: Bản Vẽ đang trữ 38% dung tích thiết kế, A Vương trữ 44%, Đơn Dương trữ 20%, Đại Ninh trữ 20%, Hàm Thuận trữ 13%.

Đánh giá của Bộ NN&PTNT cho thấy, với các nhận định tác động đến khí tượng, thủy văn của hiện tượng El Nino và dung tích trữ của các hồ chứa thủy lợi, thủy điện hiện tại, tình trạng hạn hán, thiếu nước xâm nhập mặn có nguy cơ xảy ra cục bộ trong thời gian mùa khô năm 2023 tại một số tỉnh ở khu vực Trung Bộ và nguy cơ xảy ra ở cấp độ cao (cấp độ 3-4), trên phạm vi rộng, kéo dài ở một số vùng trên cả nước, đặc biệt tại các khu vực Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, Trung Bộ và Đông Nam Bộ từ mùa khô năm 2024 đến năm 2025.

Do đó, đây là thời điểm các địa phương cần chủ động, sẵn sàng chuẩn bị triển khai các biện pháp để ứng phó với tình trạng hạn hán, thiếu nước, đảm bảo nguồn nước cung cấp cho sinh hoạt và tránh giảm thiểu thiệt hại tới sản xuất cho cây trồng, vật nuôi.

Theo ông Lê Văn Đức – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, đối với lĩnh vực lúa gạo, trong năm 2022 và đầu năm 2023, sản xuất lúa Đông Xuân của chúng ta khá thuận lợi. Hiện nay, phía Nam có khoảng 2 triệu ha, năng suất chúng ta đã thu hoạch đạt trên 70 tạ/ha. Đây cũng là một trong những mùa vụ chúng ta đạt cao.

Tại phía Bắc, vụ Đông Xuân hiện nay có 1,07 triệu ha đang trong giai đoạn sinh trưởng và bảo vệ thực vật khá tốt. Theo ông Đức, từ nay đến cuối năm, nắng nóng và hạn hán sẽ tác động rất tiêu cực đến cây lúa cũng như cây ăn quả và một số cây trồng khác.

Do đó, ông Đức đề nghị, đối với các địa phương, với cây lúa, thứ nhất là cần tưới tiết kiệm; thứ hai là tạm trữ nước; thứ ba là giống cho Hè Thu, cũng như Thu Đông, Mùa là phải giống ngắn ngày, tiết kiệm nước và có chất lượng cao.

“Căn cứ vào nguồn nước và điều kiện hạn hán, các địa phương có kế hoạch sản xuất, đặc biệt là mùa vụ phải thật linh động, làm thế nào gieo trồng vào cùng một vùng, cùng một cánh đồng để tiết kiệm nước” – ông Đức nhấn mạnh.

Cũng theo ông Đức, đối với các vùng sản xuất lúa, cần tính toán nếu lượng nước đủ 3 tháng hoặc tối thiểu 2,5 tháng, để từ lúc lúa đẻ nhánh cho đến làm sữa còn đủ nước mới tiến hành cấy. Nếu không, chúng ta chuyển sang cây màu, cây ăn quả, cây lâu năm,…

Đối với cây ăn quả, đây cũng là nhóm phục vụ cho xuất khẩu cũng như nội tiêu rất quan trọng, đồng thời, đây cũng là nhóm chịu ảnh hưởng rất lớn của hạn và nắng nóng. Do đó, đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ông Đức cho rằng, phải tạo nguồn nước và trữ nguồn nước ngay từ bây giờ. Đối với những loại cây ra nhiều quả, cũng như là quả quá sai, hoặc quả nhỏ, phải tỉa những cành vô hiệu để giảm tiêu thụ nước.

“Chúng tôi cũng đề xuất trong giai đoạn hạn cũng như là những vùng không có tưới, các địa phương xem xét không để bà con trồng mới cũng như ghép cải tạo, sẽ rất rủi ro” – ông Đức cho hay.

Đối với những cây công nghiệp, đặc biệt là cây cà phê, cây chè, Cục Trồng trọt đã chỉ đạo phải tăng cường trồng cây che bóng, tạo ra 3 tầng, tầng dưới là thảm cỏ, tầng giữa là cà phê  và tầng trên là che bóng.

Đối với cây chè, đối với những địa phương đã cơ giới hóa hái bằng máy, cần hết sức chú ý đến mùa nắng nóng, làm thế nào giãn thời gian hái; không thu hái vào những thời điểm nắng nóng quá.

Về vấn đề phòng, chống hạn hán, thiếu nước, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh, hiện nay, “căng nhất” là vùng miền Trung, Tây Nguyên và những vùng trồng cây ăn quả không né được hạn. Do đó, chúng ta buộc phải tích nước không tập trung để tưới. Tích nước không tập trung không thể không làm, đặc biệt đối với các cây dài ngày và thực sự không quá tốn kém. 

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, hiện nay, người ta làm những bao lớn 20m3, giá trên thị trường 3 triệu đồng. Những bao này có thể dùng được trong 10 năm, người dân có thể bơm nước lên để đấy tưới cầm cự khi có hạn xảy ra.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, các địa phương cần chủ động nguồn ngân sách tùy tình hình, quy định của Nhà nước có thể hỗ trợ cho bà con, ví dụ hỗ trợ 50/50 kinh phí chống hạn. Đối với các địa phương không cân đối được thì báo cáo để Bộ NNPTNT tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để cấp từ ngân sách dự phòng Trung ương để phòng hạn. 

Về vấn đề phòng chống hạn hán, thiếu nước, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, chúng ta cần có phản ứng nhanh về vấn đề này. Bộ trưởng lấy ví dụ, khuyến nông của Thái Lan, khi bước vào mùa hạn, họ sẽ đưa các thông tin lên website của họ gồm những loại nông sản thích ứng với ít nước, rồi phân tích lượng nước sẽ dùng tiết kiệm được bao nhiêu, giá quy ra là bao nhiêu?,...

Do đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị, Cục Trồng trọt phối hợp với Trung tâm chuyển đổi số để triển khai được công tác này, cập nhật các bản tin để người dân vào cập nhật được thông tin của Bộ, sẽ trực quan hơn rất nhiều. Đồng thời, nếu người dân cần hỏi gì, chúng ta sẽ có số điện thoại để người dân hỏi; lúc đó chúng ta sẽ truyền thông thẳng đến người sản xuất.

Trước những vấn đề cấp bách của hạn hán, thiếu nước, Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn tổng thể cho giai đoạn từ năm 2023-2025, các giải pháp ứng phó với các kịch bản khác nhau về khí tượng, thủy văn, nguồn nước do ảnh hưởng của El Nino, bao gồm trường hợp El Nino có mức độ ảnh hưởng mạnh, kéo dài như đã xuất hiện trong các năm 2014-2016.

Bên cạnh đó, thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin dự báo khí tượng, thủy văn; thông tin dự báo nguồn nước và xây dựng kế hoạch sử dụng nước trên các lưu vực sông do các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ NN&PTNT cung cấp trước vụ sản xuất/tháng/tuần và đột xuất để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành cấp nước cho các đối tượng sử dụng nước.

Định kỳ kiểm kê, theo dõi số lượng, chất lượng nguồn nước trong công trình thủy lợi, công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn, có kế hoạch phân phối nước cụ thể cho từng giai đoạn và điều chỉnh hợp lý khi nguồn nước bị thiếu hụt trên nguyên tắc ưu tiên cung cấp các nhu cầu thiết yếu; đặc biệt lưu ý các hồ chứa nước điều tiết nhiều năm phải phân bổ theo đúng chu kỳ điều tiết, tránh phân bổ tập trung gây nguy cơ thiếu nước cho thời gian sau của chu kỳ.

Tăng cường việc nạo vét các cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, đắp đập tạm ngăn mặn, trữ nước ngọt trong hệ thống kênh mương, đào ao trữ nước, khoan giếng, lắp đặt và vận hành các trạm bơm dã chiến để tận dụng tối đa nguồn nước từ hệ thống sông, suối, dung tích chết hồ chứa và nguồn nước hồi quy trong nội đồng.

Bố trí cơ cấu sản xuất nông nghiệp phù hợp với khả năng nguồn nước, những diện tích có nguy cơ nguồn nước không đủ cung cấp cho cả vụ cần phải điều chỉnh lịch xuống giống để tránh thời điểm hạn hán, xâm nhập mặn gay gắt trùng thời gian sinh trưởng nhạy cảm của cây trồng.

Tăng cường chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng từ lúa sang cây trồng cần ít nước tưới hơn và phù hợp với nhu cầu của thị trường, chuyển từ phát triển theo số lượng sang chất lượng; bố trí vùng sản xuất có cây trồng cùng khả năng chịu hạn, mặn và nhu cầu dùng nước để thuận tiện cho việc phân phối, điều tiết nước.

Đối với cây trồng dài ngày, có giá trị kinh tế cao cần tăng cường áp dụng các kỹ thuật canh tác nông nghiệp tiên tiến, sử dụng giống mới có khả năng kháng sâu bệnh, thích nghi với điều kiện hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Tăng cường tổ chức thực hiện các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn (nông - lộ - phơi, ướt khô xen kẽ, phun mưa, nhỏ giọt,...), ưu tiên đáp ứng nhu cầu nước tối thiểu vào các thời kỳ nhạy cảm về nước của cây trồng, đặc biệt với cây ăn quả, cây trồng có giá trị kinh tế cao.

Đối với chăn nuôi, hướng dẫn người chăn nuôi tận thu các nguồn thức ăn để chế biến, dự trữ trong mùa khô, hạn; không chăn thả gia súc ngoài trời khi nắng nóng, nuôi nhốt gia súc, cho ăn tại chuồng hoặc cố định gia súc ở những nơi có cây xanh bóng mát; giảm mật độ nuôi nhốt đối với gia cầm, lợn.

Đặc biệt, rà soát các khu vực có nguy cơ bị xâm nhập mặn, thiếu hụt nguồn nước cấp và khu vực thiếu nước sinh hoạt; thực hiện giải pháp cân đối, điều chỉnh kế hoạch cấp nước và khuyến cáo sử dụng nước sinh hoạt tiết kiệm tới từng hộ, thôn, ấp, xã, huyện. Thực hiện các giải pháp nâng cấp, nâng cao khả năng trữ, mở rộng tuyến ống tại các công trình cấp nước tập trung; có phương án sử dụng trang thiết bị phục vụ cấp, trữ nước và xử lý nước cho các hộ gia đình bị ảnh hưởng, như thiết lập các điểm cấp nước tập trung, bồn trữ nước, máy lọc nước hộ gia đình, hóa chất xử lý nước,... Trường hợp cấp bách, không còn nguồn cấp nước cho sinh hoạt, cần sử dụng các phương tiện lưu động, như xe cứu hỏa, xe quân đội chuyên chở nước cung cấp đến từng cụm dân cư, hộ gia đình.

Tại Công điện số 397/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, nhất là các tỉnh, thành phố khu vực Trung bộ, Tây Nguyên và Đông Nam bộ, tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động tích trữ nước ngọt, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nước, điện, triệt để chống thất thoát, lãng phí nước.

Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn kiểm kê, đánh giá nguồn nước dự trữ tại các hồ chứa nước, công trình thủy lợi trên địa bàn, tính toán cân bằng nước để có kế hoạch vận hành từng hệ thống thủy lợi, hồ chứa thủy lợi, thủy điện, điều chỉnh, bổ sung phương án sử dụng nước. Trong đó, trước hết ưu tiên nguồn nước cấp nước cho sinh hoạt, chăm lo sức khỏe cho người dân, chăn nuôi gia súc và các lĩnh vực sản xuất trọng yếu.

Triển khai các biện pháp cần thiết để trữ nước, ngăn mặn, đẩy nhanh tiến độ thi công sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt; lắp đặt và vận hành trạm bơm dã chiến, kéo dài đường ống dẫn nước để kết nối nguồn nước từ đô thị phục vụ cho nông thôn; vận chuyển nước sinh hoạt cho các khu dân cư, trường học, bệnh viện, cơ sở y tế tại các khu vực không đảm bảo nguồn nước,…

Việc đảm bảo đủ nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt của người dân, sản xuất nông nghiệp là việc làm không thể không quan tâm của các địa phương trong giai đoạn mùa cao điểm của nắng nóng, nguy cơ thiếu nước cận kề. Do đó, ngay từ thời điểm bây giờ, các địa phương nằm trong nguy cơ dự báo hạn, thiếu nước cần cấp bách triển khai các giải pháp để dự trữ nguồn nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp.

Bằng những kinh nghiệm phòng, chống hạn của những năm trước, các địa phương cần huy động tổng lực về cả các chính sách hỗ trợ nguồn lực cho người dân phòng, chống hạn, đồng thời bằng các giải pháp công trình và phi công trình để chủ động nguồn nước cho người dân và sản xuất, sẵn sàng ứng phó khi đã vào mùa nắng nóng và trước dự báo tác động của El Nino.

Đồng thời, cần tăng cường truyền thông về tình hình nguồn nước, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn tới người dân, các cấp chính quyền và cơ quan liên quan để nâng cao nhận thức sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, đồng thời chủ động có giải pháp phù hợp.

Trong đó, cần lấy phương châm “phòng là chính” để chủ động, sẵn sàng các giải pháp để tích nước, trữ nước, phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất, nhằm giảm thiểu thiệt hại do nắng nóng, hạn hán gây ra. “1 đồng phòng hạn bằng 7 đồng chống” cho thấy đây là giải pháp cần được đặc biệt chú trọng triển khai trong giai đoạn hiện nay./.

B.T

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực